Bất động sản công nghiệp tiếp tục khởi sắc

Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn

Trong 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có 5 khu công nghiệp (KCN) được thành lập mới và quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 1.882,6ha. Bên cạnh đó, sự gia tăng FDI trong 8 tháng đầu năm phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất đã dẫn tới quá trình thúc đẩy phát triển phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, các KCN, KKT thu hút được được 638 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Trong 8 tháng đầu năm 2017, các KCN, KKT thu hút được được 638 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết tháng 8/2017, cả nước có 328 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 96,3 nghìn ha, trong đó 223 KCN đã đi vào hoạt động và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, chỉ có 01 KCN thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và 01 KCN đưa ra khỏi quy hoạch với tổng diện tích 501ha. Tính chung, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%, riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 73%.

Thành lập mới 17 khu kinh tế

Tại các khu kinh tế (KKT) ven biển, cả nước có 17 KKT được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 845.000ha. Ngoài ra, KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định, có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, các KCN, KKT thu hút được được 638 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 10,6 tỷ USD. Lũy kế đến cuối tháng 8/2017, các KCN, KKT thu hút được 7.842 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 165,9 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 58%.

Về thu hút đầu tư trong nước, các KCN, KKT thu hút được 520 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho hơn 187 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 132.200 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8/2017, các KCN, KKT thu hút được 8.122 dự án với tổng mức đầu tư đạt 1.839,9 tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%.

Theo số liệu thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là 586 dự án, với vốn đăng ký cấp mới 4.827,29 triệu USD, vốn đăng ký tăng thêm 5.837,013 triệu USD; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa là 8 dự án, với vốn đăng ký cấp mới 5.362,746 triệu USD, vốn đăng ký tăng thêm 2.765 triệu USD.

Nhìn vào những số liệu trên cho thấy, trong những tháng qua, lượng vốn đổ vào sản xuất và xây dựng các KCN tăng cao, báo hiệu thị trường BĐS có những bước khởi sắc ở phân khúc công nghiệp.

Tiềm năng dồi dào

Tại thị trường Việt Nam, cho đến nay, những nhà phát triển BĐS công nghiệp là những công ty trong nước chiếm về số lượng, còn chất lượng thuộc các công ty liên doanh hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, có một làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đến Việt Nam tìm đối tác trong nước xây dựng các KCN, kho bãi như VSIP, liên doanh giữa Việt Nam và Singapore, ALMA, Sumitomo…

Giữa năm 2017, Hemaraj Land & Development của Thái Lan và Cienco 4 của Việt Nam đã chính thức xác nhận hợp tác liên doanh thành lập KCN trị giá 1 tỷ USD, trên 3.200ha đất ở Nghệ An.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc phụ trách văn phòng Hà Nội Jones Lang LaSalle, cho rằng nhìn tổng quan thị trường BĐS Việt Nam, tiềm năng cho phân khúc công nghiệp rất cao, nguồn cung dồi dào.

Ông Quang nhấn mạnh, Việt Nam đang có dân số lý tưởng cho các ngành sản xuất, đó là lao động trẻ, trình độ văn hóa cao, chính trị – xã hội ổn định, GPD tăng trưởng trong thời gian dài, Chính phủ đang kêu gọi doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng Chính phủ liêm chính – kiến tạo, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực sản xuất.

Bên cạnh đó, giá nhân công, giá thành xây dựng đang cạnh tranh với các nước trong khu vực; Việt Nam có chính sách ưu đãi về thuế đất cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam.

“Trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang rút sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, với sự ưu việt của thị trường Việt Nam, tôi tin Việt Nam sẽ thu hút được các nhà đầu tư”, ông Quang nhận định.

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ, các phân khúc BĐS khác gần như bão hòa, trong khi phân khúc BĐS công nghiệp hiện đang có những tín hiệu rất tốt.

Việt Nam là nước đang phát triển, với nhiều nhà máy mọc lên phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng và mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất, dẫn đến tỷ lệ các KCN lấp đầy hơn 70%.

Ngoài ra, dự án Luật Hành chính – Kinh tế đặc biệt tạo cơ chế đặc thù cho ba đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thu hút khá nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, doanh nghiệp khoa học công nghệ…

Đặc biệt điểm nhấn mới đây là Tập đoàn Vingroup đã khởi công nhà máy Vinfast Hải Phòng có quy mô 335ha với 5 phân xưởng chính phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô và xe gắn máy, làm gia tăng một tỷ lệ lớn phân khúc này.