Bất động sản giảm giá: Chưa vội mua, chờ xem đã...

Theo VEF

Mặc dù giá nhà đất đã giảm mạnh nhưng người mua vẫn không mấy quan tâm, trong khi đó chủ sở hữu tìm mọi cách rao bán và rao bán khắp nơi.

Đỏ mắt chờ khách mua

Rao bán ngôi biệt thự 5 tầng tại khu đô thị mới Mỹ Đình từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa bán được, anh Thành tỏ ra thất vọng, không muốn treo biển bán nhà nữa. Lần đầu tiên, anh rao bán trên một trang diễn đàn nhà đất, chỉ vài ngày sau có người tìm hiểu xem nhà nhưng đều thất bại. Liên tục thời gian dài sau đó, anh cùng một sàn bất động sản quảng cáo rao vặt rầm rộ khắp nơi trên mạng internet, tạp chí và ngay cả tờ rơi dán vỉa hè. Tiền quảng cáo mất hàng chục triệu đồng, còn người mua thực vẫn không thấy.

Anh Thành cho biết, hầu hết người hỏi xem nhà đều chỉ để tìm hiểu, trả giá hời hợt rẻ hơn giá anh đưa ra vài tỷ đồng. Quá nản, anh đành ngậm ngùi cho thuê tạm hai tầng trong lúc chờ khách.

Trong khi đó, giá biệt thự 5 tầng của anh Thành đã giảm mạnh, từ 30 xuống 25 tỷ đồng vào đầu năm, và giờ chỉ còn 18 tỷ. Nhiều người e ngại, số tiền bỏ ra để mua ngôi biệt thự quá lớn mà nhà lại xa trung tâm. Những người có đủ khả năng tài chính thời điểm này mua nhà đều lắc đầu. Anh Thành dự tính, nếu không bán được nhà, anh buộc phải cho thuê tất cả nhà thêm phần thu nhập, đồng thời vay mượn để đáo hạn ngân hàng.

Không chỉ bất động sản giá trị hàng chục tỷ đồng, mà ngay cả những mảnh đất giá vài tỷ cũng khó bán. Chị Hậu, quận Thanh Xuân (Hà Nội) rao bán ngôi nhà 5 tầng tại Hà Đông với giá 3,4 tỷ đồng, lúc đầu có khách hỏi thăm nhưng sau chủ yếu là dân môi giới, các trang web mời chị đăng tin VIP trên diễn đàn. Tại một diễn đàn mạng, chị đã đăng đi đăng lại tới 4 lần, rồi người thân, đồng nghiệp chị cũng giúp sức giới thiệu khách, vậy mà vẫn ế.

"Chưa bao giờ bán nhà lại khó như này, chắc tôi phải chờ tới cuối năm. Lúc đầu rao 4 tỷ người mua đều lắc đầu, tôi đã phải giảm xuống còn 3,4 tỷ đồng. Có người muốn mua song còn đắn đo tính toán và đòi giảm giá nữa", chị Hậu chia sẻ.

Tương tự như chị Hậu, anh Tùng ở phố Minh Khai đã hạ giá nhà xuống còn 1,9 tỷ đồng để bán cho nhanh. Anh đang rao bán ngôi nhà 5 tầng khép kín tại ngõ 254 Minh Khai, ôtô đỗ cửa, sổ đỏ chính chủ. Trước đó, mức giá anh đưa ra là 2,5 tỷ đồng nhưng hầu như chẳng ai ngó ngàng.

Trên các diễn đàn, web rao vặt, tin nhắn rao bán nhà đất luôn nhộn nhịp. Chị Hương Linh, đại diện một trang tin bất động sản, cho hay, mỗi ngày có tới hàng nghìn tin rao vặt được gửi vào chờ duyệt nhưng chị chỉ có thể duyệt được khoảng trăm tin. Hầu hết đó là tin rao vặt trùng nhau, rao liên tục cả tuần liền, thậm chí có người bền bỉ rao tin tới 3 tháng.

Phân khúc căn hộ chung cư cũng đang gặp tình cảnh tương tự nhất là những chung cư có giá từ 3 tỷ đồng trở lên. Để bán được sớm, chủ nhà đành phải xuống nước giảm giá mạnh. Chung cư 125D Minh Khai giá bán chỉ 20 triệu đồng/m2, trong khi giá gốc 23,8 triệu. Chung cư Dương Nội giá 18 triệu đồng/m2; chung cư Xa La CT5 mới giao nhà giá chỉ 18-21 triệu đồng/m2; chung cư TSQ làng Việt kiều châu Âu khoảng 20 triệu đồng/m2.

Báo cáo thị trường quý III của các đơn vị tư vấn cho thấy, giá nhà đất giảm mạnh và tỷ lệ giao dịch thành công đạt rất thấp. Khách mua chính của thị trường là những người có nhu cầu ở thực sự, tập trung vào mảng căn hộ bình dân, với mức giá dưới 2 tỷ đồng. Căn hộ có diện tích từ 50 đến 100m2 cũng được tìm mua nhiều nhất.

Còn chờ giá giảm thêm

Lý giải tình trạng này, đại diện Knight Frank VN cho rằng, người mua nhà vẫn đang quan sát và chờ đợi. Nhu cầu về nhà trong quý vừa qua tương đối thấp ở tất cả các phân khúc, đặc biệt là trung và cao cấp. Các khách mua chính hiện nay là người có nhu cầu ở thực và thường tập trung vào mảng trung bình thấp và trung bình, với mức giá dưới 2 tỷ đồng/căn, diện tích nhỏ từ 50m2.

Cũng theo đơn vị tiếp thị này, những rủi ro từ việc dự án chậm tiến độ xây dựng, dự án treo hoặc dự án giả đã làm cho người mua nhà cẩn trọng hơn bao giờ hết trước khi quyết định mua nhà. Chính vì thế, những dự án sắp hoàn thành và sắp bàn giao sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Khảo sát gần đây của Nielsen, người tiêu dùng chỉ đầu tư khoảng 1% nên dòng tiền đổ vào bất động sản hạn chế. Tâm lý quan sát và chờ đợi đang phổ biến, hầu hết người có nhu cầu mua nhà vẫn đang chờ kỳ vọng giá giảm thêm.

Ông Richard Leech, đại diện CBRE VN nhận định, thị trường đang thuộc về người mua, nên sự phục hồi của thị trường phụ thuộc nhiều vào sức mua và tâm lý khách hàng. Tâm lý chờ đợi và quan sát đang phổ biến với tầm ảnh hưởng rộng do tâm lý đám đông của đại bộ phận người mua nhà. Triển vọng kinh tế không mấy khả quan cho đến năm 2013 sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng khiến cho họ tìm nơi trú ẩn an toàn bằng cách đẩy mạnh tiết kiệm thay vì đầu tư. Tiền trong dân vẫn còn nhưng không đổ vào bất động sản.

Ông Đặng Khánh Toàn, sàn bất động sản Nhà Việt, nhận định, thị trường khó khăn, giao dịch giảm và khách hàng cũng khó tính hơn. Dù đi xem nhà nhưng mọi người vẫn chờ đợi hơn là quyết định mua. Do tâm lý bất ổn, người mua vẫn kỳ vọng giá nhà giảm thêm, họ sẽ quan sát kỹ và đòi hỏi nhiều từ phía người bán. Các chủ đầu tư cần phải nỗ lực trong khâu bán hàng và chăm sóc khách hàng như sẵn sàng đàm phán về giá và các điều khoản thanh toán. Do thị trường ế ẩm, nhiều chủ đầu tư đã định định vị lại sản phẩm của mình, tập trung vào mảng căn hộ bình dân thay vì cao cấp.

Trong 2 năm tới, dự đoán các chủ đầu tư sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược kinh doanh do thị trường hiện nay đang kỳ vọng vào các sản phẩm có chất lượng tốt hơn tại mức giá phải chăng hơn.