Bất động sản Hà Nội sẽ còn nhiều "sóng" ảo


Thị trường BĐS Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại sau một thời gian dài tăng liên tục. Để bán được hàng, giới đầu cơ sẽ tạo ra những cơn sốt ảo mới như đã từng làm trước đây.

 

Giá nhà đất bị đẩy vì nhu cầu ảo

 Nhà đất tại nhiều dự án đô thị tại Hà Nội đang chững giá. Đó là thực trạng đang diễn ra tại thị trường nhà đất Hà Nội. Tình trạng chững giá này kéo theo lượng giao dịch thành công sụt giảm đáng kể tại các sàn giao dịch bất động sản (BĐS).

 Ông Phạm Trung Hà, Giám đốc Công ty BĐS Hoà Phát, cho biết trước kia, nhà đất tại nhiều dự án đô thị tăng nhanh.

 Có dự án chỉ sau vài tháng đã tăng 20-30%, thậm chí có dự án tăng đến 60% là do nhà đầu tư “lướt sóng”. Khi thấy mặt bằng giá đã quá cao, không thể tăng tiếp được nữa, các nhà đầu tư lại chuyển qua các dự án khác.

 Tình trạng “lướt sóng” từ dự án này sang dự án khác của nhà đầu tư khiến thị trường nhà đất Hà Nội liên tục xuất hiện những điểm nóng mới, nhưng chúng nhanh chóng hạ nhiệt khi mặt bằng giá lên quá cao.

 Tại các khu đô thị như Dương Nội, Văn Khê, sau Tết Nguyên đán, giá chỉ ngoài 20 triệu, nhưng nay nó đã tăng lên 28-30 triệu đồng/m2.

 Hay tại khu đô thị Văn Phú, sau quá trình mua đi bán lại qua rất nhiều kênh, giá đất nền ở đây hiện nay đã lên đến 20-22 triệu đồng/m2.

 Khi nhà đất tại các dự án này đã lập một mặt bằng giá khá cao, giá cả và giao dịch của nó dần chững lại. Và, cơn sốt đất lại nhanh chóng chuyển qua khu vực dự án khác.

 Chẳng hạn, tiếp nối cơn sốt nhà đất tại Văn Khê, Văn Phú, Dương Nội có dự án Vườn Cam hay dự án Geleximco. Tại những dự án này giá đất nền đã tăng từ 20-40% chỉ trong một thời gian ngắn. Hiện mặt bằng giá tại các dự án này dao động ở mức giá từ 20-22 triệu/m2.

 Thế nhưng, cơn sốt tại dự án Vườn Cam hay Geleximco cũng đã không còn. Bởi ngay sau đó, nó lại chuyển đến những dự án khác xa hơn, nhưng nó có khả năng mang lại lợi nhận cao hơn cho nhà đầu tư.

 Chẳng hạn hiện nay, cơn sốt mới lại đang diễn ra tại dự án khu đô thị Vân Canh, khu Tân Tây Đô hay khu Bắc Quốc lộ 32.

 Hiện đất nền tại dự án đô thị Vân Canh và khu Tân Tây Đô được giao dịch quanh mức giá 16-17 triệu/m2. Còn tại khu Bắc quốc lộ 32, giá đã được đẩy lên ngoài 20 triệu đồng/m2.

 Những điểm nóng mới nổi như dự án đô thị Vân Canh, khu Tân Tây Đô hay khu Bắc quốc lộ 32 hiện mặt bằng giá cũng đã quá cao. Vì vậy, nhà đầu tư đã không còn mặn mà đầu tư tiền của vào các dự án này nữa.

 Ngay cả căn hộ tại các toà nhà 34T hoặc 24T1 hay 24T2 khu Trung Hoà Nhân Chính, giá hiện cũng đã quá cao, dao động từ 29-35 triệu đồng/m2.

 Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, giá căn hộ tại các toà nhà do Vinaconex làm chủ đầu tư tại khu vực Trung Hoà Nhân Chính cũng khó có đột biến và có thể tăng thêm được nữa. Chính vì vậy, tại các sàn giao dịch BĐS hiện nay, hàng tại các toà nhà này vẫn được chào bán khá nhiều, nhưng người mua thì khá dè dặt.

 "Sóng” nhân tạo sẽ có nhiều

 Trong khi thị trường nhà đất tại Hà Nội đang chững lại thì lại có thông tin UBND TP.Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục được triển khai 240 dự án BĐS tại khu vực Hà Tây (cũ). Thông tin này ngay lập tức được giới đầu tư BĐS Hà Nội đón nhận hồ hởi. Bởi, nếu 240 dự án BĐS này tiếp tục được triển khai, thị trường nhà đất Hà Nội sẽ lại xuất hiện những điểm sốt mới.

 Thế nhưng, từ khi được phép tiếp tục cho đến khi các dự án này có hàng bán ra thị trường, nhà đầu tư sẽ phải chờ ít nhất đến nửa năm sau. Vì vậy, thị trường nhà đất Hà Nội sẽ vẫn bị giới hạn với lượng hàng ít ỏi tại những dự án trước đó.

 Tuy nhiên, vì mặt bằng giá tại các khu vực này đã quá cao, nên để bán được hàng và hiện thực hoá lợi nhuận, nhà đầu cơ chắc chắn sẽ dùng thủ thuật để tạo ra những cơn sốt ảo thổi giá nhà đất tiếp tục tăng. Trong thực tế, thời gian qua, không ít nhà đầu cơ đã dùng thủ thuật để cố đẩy giá nhà đất tại một số dự án lên cao.

Theo Trọng Tuyến
Vietnamnet