Bất động sản nhen nhóm dấu hiệu bình phục?

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Ông Trần Vĩnh Trân, Phó tổng giám đốc Nam Long cho biết, phần lớn những doanh nghiệp vẫn còn tồn tại và bám trụ được đến ngày hôm nay không chỉ nhờ vào nguồn nội lực sẵn có, quản trị dòng tiền tốt mà còn biết nhìn đúng điểm rơi của thị trường để chọn cho mình hướng đi.

Bất động sản nhen nhóm dấu hiệu bình phục?
Một số doanh nghiệp đứng vững với dòng sản phẩm giá bình dân. Nguồn: internet

Hậu quả nhãn tiền

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh (Horea), lượng tồn kho vẫn còn quá lớn, khó có thể giải quyết một sớm một chiều và thị trường BĐS vẫn đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Điều này có cơ sở bởi không chỉ nhìn vào con số hàng tồn kho, giao dịch đang ngưng trệ ở nhiều phân khúc cũng như giá bán sụt giảm mạnh làm cho giá trị của các dự án chưa bao giờ lại trở nên rẻ rúng như hiện nay.

Thời kỳ của BĐS bị đem đi “bán dạo” hay tình trạng ế ẩm của các dự án đã khiến cho các chủ đầu tư không thể ngồi yên mà phải tìm kiếm, lôi kéo khách hàng bằng mọi cách. Thậm chí, các ông chủ dự án xông vào cả quán nhậu để mời chào hoặc cho nhân viên ra đứng ngay các ngã tư, góc đường để phát tờ rơi giới thiệu dự án.

Thực trạng cho thấy, giá và giá trị của BĐS đã xuống tới đáy – ông Đực phân tích thêm, đó là những doanh nghiệp vẫn còn cầm cự được và đang nỗ lực tìm mọi phương cách nhằm giải tỏa nguồn cung ứ đọng để duy trì sự tồn tại. Dù trong tình cảnh “bi đát” nhưng vẫn còn hơn không ít doanh nghiệp trắng tay, phá sản và buộc phải đóng cửa hoặc nợ nần chồng chất.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, thực tế không ít doanh nghiệp BĐS đang lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính, dù còn tồn tại thì cũng đối mặt với các khoản nợ phải trả hàng tỷ đồng/ngày hoặc chấp nhận ăn dần vào vốn.

Tương tự, thuyền to sóng lớn - một số đại gia có tên tuổi trong làng BĐS trước đây cũng đã buộc phải tháo chạy khỏi thị trường hoặc chuyển qua hoạt động kinh doanh ở một vài lĩnh vực khác để lấy ngắn nuôi dài. Nguy cơ đổ vỡ của thị trường dù đã được cảnh báo từ một vài năm trước nhưng do thời kỳ thị trường phát triển quá nóng, các doanh nghiệp, chủ đầu tư mải chạy theo lợi nhuận nên bất chấp hậu quả về sau, làm ăn chụp giật, đầu cơ kiếm lời khiến cho thị trường thiếu tính bền vững.

Điểm tựa niềm tin

Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện tại, một số doanh nghiệp như Bicamex IDG, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long), Công ty thương mại - xây dựng Lê Thành (Lê Thành), Công ty cổ phần Địa ốc Đất Lành… vẫn đang tồn tại và đứng vững với dòng sản phẩm giá bình dân của doanh nghiệp mình.

Điển hình như Nam Long với dòng sản phẩm chung cư Ehome đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng nên ra sản phẩm đến đâu bán tới đó. Hay Bicamex IDG lại có thế mạnh xây căn hộ phục vụ đối tượng công nhân, cán bộ nhân viên có thu nhập trung bình và thấp với mức giá phải chăng, chất lượng đảm bảo.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có hướng đi, cách làm mới như Lê Thành xây chung cư bình dân cho thuê mua cũng nhận được sự phản hồi tích cực từ thị trường. Theo đại diện những công ty này, dù thị trường vẫn chưa hết khó khăn nhưng giao dịch BĐS tại những phân khúc này vẫn có mức độ thành công cao.

Ông Trần Vĩnh Trân, Phó tổng giám đốc Nam Long cho biết, phần lớn những doanh nghiệp vẫn còn tồn tại và bám trụ được đến ngày hôm nay không chỉ nhờ vào nguồn nội lực sẵn có, quản trị dòng tiền tốt mà còn biết nhìn đúng điểm rơi của thị trường để chọn cho mình hướng đi.

Với gói 30.000 tỷ đồng mà trước kia nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, tính đến 31/10/2013, các ngân hàng đã cam kết cho vay 939 khách hàng cá nhân với số tiền là 333,1 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 905 khách hàng với dư nợ 220,9 tỷ đồng.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng khách hàng cá nhân tiếp cận vay vốn mua nhà ở xã hội đã ký hợp đồng tín dụng là 179 khách hàng, với tổng hạn mức 103,31 tỷ đồng, giải ngân được hơn 31 tỷ đồng. Đây vẫn còn là con số khiêm tốn nên nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, điều này không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế và cũng khó trở thành yếu tố vực dậy cả thị trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhìn xa hơn, với các điều kiện đang nới lỏng hơn về đối tượng khi xét duyệt cho vay gói 30.000 tỷ đồng, cũng như nhiều chính sách của các bộ, ngành về thuế, vốn, lãi suất… đưa ra nhằm tháo gỡ cho thị trường BĐS, kỳ vọng trong vài ba năm tới thị trường sẽ dần hồi phục tạo tiền đề phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhất là giải quyết “cục máu đông” nợ xấu ngân hàng có liên quan đến BĐS.