Bất động sản thời "khủng bố" khách hàng: Thượng đế chạy… đằng trời

Nguyễn Cảnh - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Bán hàng thời @, tiếp thị sản phẩm thời Internet viễn thông bùng nổ, những thuật ngữ đã trở nên quen thuộc vài năm qua. Sử dụng thành thạo các công cụ quảng cáo trong thị trường nhà đất là điều hiển nhiên với các đơn vị, cá nhân kinh doanh. Ngoài tác dụng cung cấp thông tin "ngắn gọn - nhanh nhất" tới khách hàng, các sản phẩm "phụ trợ" cho marketing bất động sản (BĐS) đang chứa đựng nhiều rủi ro cho người dùng.

Bất động sản thời "khủng bố" khách hàng: Thượng đế chạy… đằng trời
Tiếp thị sản phẩm thời Internet viễn thông bùng nổ. Nguồn: internet

Báo chí từ lâu đã phản ánh gay gắt tình trạng tin nhắn, email "rác" bao vây khách hàng, thậm chí cả những người không có nhu cầu nhà đất. Bất chấp điều này, nhiều đơn vị cung cấp công cụ tương ứng đang đua nhau quảng bá.

Phủ sóng và "lách" nhà mạng

Khi một dự án chuẩn bị bung hàng, lực lượng các sàn (bao gồm cả sàn của chủ đầu tư lẫn sàn chuyên nhận hàng dự án) đều "sắm" cho mình danh sách khách hàng mục tiêu để tiện bề tiếp cận, tư vấn. Với những đơn vị chỉ đơn thuần làm thị trường, danh sách này được hình thành và cập nhật liên tục (về nhu cầu phát sinh, giá cả từng thời điểm) suốt từ khi dự án còn trên giấy phép, hoàn thành móng, tới khi bàn giao và… còn tiếp.

Tìm hiểu được biết, 1 trong nhiều cách để "săn" khách hàng tiềm năng trong giới nhà đất chính là các phần mềm quảng cáo đang được rao bán công khai, với nhiều tính năng hấp dẫn đến "khó tin".
Theo email dạng spam gửi đến hộp thư cá nhân, người viết nhận được lời chào mời dùng thử và mua 1 loạt phần mềm đáng chú ý. Cụ thể: các phần mềm gửi email, SMS, Zalo, Skype... hàng loạt giúp bạn quảng bá và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình tới hàng ngàn khách hàng một cách nhanh chóng nhất.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản là soạn: 1 tin nhắn, 1 email và click vào nút GỬI và chờ đợi khách hàng liên lạc với bạn! Và, việc còn lại của bạn là CHỐT khách hàng.

Trao đổi với người cung cấp sản phẩm tên C., số điện thoại 01649.777.xxx, cho thấy "đầu mối" cuối cùng của chuỗi cung ứng này là Công ty CP Đầu tư Solid Housing (đặt trụ sở tại Đê La Thành). Chi tiết cơ bản về các phần mềm này cho thấy vì sao tình trạng ngày càng nhiều người bị tin nhắn, email quảng cáo "bủa vây", bất chấp nỗ lực của nhà quản lý hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ viễn thông.

Đánh thẳng vào 2 phương tiện không thể thiếu trong công việc hiện nay, là điện thoại và Email, các phần mềm được Solid Housing chào bán trên thị trường đang rất hút khách nhờ tính năng lách kiểm soát của nhà mạng lẫn… tự rà soát, thu thập thông tin đối tượng mục tiêu.

Cụ thể, theo người bán hàng, để sử dụng 2 phần mềm gửi tin nhắn SMS và email hàng loạt, chỉ cần 1 máy tính, USB 3G có sim (từ 1 - 3 sim thuộc các nhà mạng khác nhau), chuẩn bị sẵn danh sách khách hàng và nhấn gửi tùy theo số thuộc nhà mạng nào.

Đương nhiên, chuyện số điện thoại hoặc email gửi bị người nhận thông báo spam là không tránh khỏi. Nhưng với tính năng "trộn bằng cụm từ đồng nghĩa" và "tạo độ trễ - khoảng cách thời gian giữa các tin nhắn" thì người dùng phần mềm… vô tư sử dụng.

Ví dụ, cùng về nội dung chiết khấu mua căn hộ dự án A, cú pháp tin nhắn tới các "nạn nhân" sẽ như sau: Chào bạn, bên mình đang có chương trình khuyến mãi/giảm giá/sale off… Cách này sẽ giúp "đánh lừa" nhà mạng.

Thông tin cá nhân: Đơn giản thôi!

Tuy chưa có phân tích chuyên môn về những phần mềm này, nhưng nếu chúng hoạt động đúng như lời quảng cáo thì nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân là có thực. Đặc biệt, trong thời đại mọi giao dịch thỏa thuận đều liên quan tới mạng Internet, viễn thông, vấn đề bảo mật (password tài khoản, user) luôn được đặt lên hàng đầu.

Trên trang web chính thức của Công ty CP Đầu tư Solid Housing, xuất hiện đầy đủ mọi thông tin về 3 phần mềm Solid SMS, Solid Email Marketing và Solid Scanner. Ngoài những tính năng "không thể tiện hơn" về gửi, lọc, tự thay đổi nội dung tin nhắn SMS lẫn email, đơn vị này cung cấp bộ phần mềm lọc số điện thoại và email để tự xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng thuộc hàng "độc" trên thị trường.
Khả năng của công cụ "đáng sợ" này là: tìm kiếm, quét số điện thoại di động/email trên tất cả các trang web, diễn đàn (internet); quét tìm số điện thoại, email lọc theo các đầu số, mạng, hay định dạng domain khác nhau; quét tìm và kiểm tra email có tồn tại hay không…

Đặc biệt, "sản phẩm của chúng tôi có kèm mô tả tiêu đề thông tin chính xác về một số điện thoại hoặc email bất kỳ nhằm giúp các bạn có thêm thông tin ngay lập tức về khách hàng tiềm năng". Thao tác đơn giản chỉ là copy đường link trang web diễn đàn, forum và dán vào phần mềm. Sau đó, mọi email, số điện thoại trên đó sẽ tự động được thu gom thành 1 danh sách cho người dùng (!)

Trước phản ứng thích thú của người viết (trong vai 1 doanh nghiệp đang có nhu cầu quảng bá về địa ốc), cá nhân rao hàng hồ hởi gửi thẳng hợp đồng mẫu và rốt ráo hẹn gặp trực tiếp để "làm việc".

Được biết, mức giá để "sở hữu và sử dụng vĩnh viễn" từng phần mềm tương ứng rất hấp dẫn: 1,5 triệu đồng cho loại phần mềm SMS, 1,8 triệu đồng cho Email Marketing (được quảng bá với tính năng cá nhân hóa tiêu đề, tỷ lệ "nhảy" vào Inbox người nhận trên 95%...) và chỉ 500.000 đồng cho bộ quét Scanner.

Tham khảo hợp đồng kinh tế, cho thấy phía cung cấp đã sớm "tiên liệu" được khả năng sử dụng các phần mềm như công cụ gián điệp (mục đích cá nhân hoặc kinh tế). Cụ thể tại điều 5 - điều khoản chung, có nêu: bên B (chỉ Công ty CP Đầu tư Solid Housing - PV) sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào nếu bên A khai thác và sử dụng phần mềm không tuân thủ quy định của pháp luật.

Bảo mật trong các website chính thống của cơ quan quản lý, các trang báo điện tử hàng đầu hay đặc biệt là hệ thống ngân hàng, an ninh… đã không ít lần bị "hacker" hỏi thăm. Cùng với đó, sự lo lắng về rò rỉ thông tin cá nhân đang ngày càng phổ biến. Chưa biết hiệu quả marketing thị trường nói chung (địa ốc nói riêng) ra sao, nhưng đây sẽ là con dao 2 lưỡi nếu người dùng… không sử dụng đúng quy cách.