Bất động sản tỉnh lẻ miền Tây "lên đời"

Theo An Hoà/nhadautu.vn

Thị trường bất động sản (BĐS) tỉnh lẻ miền Tây suốt một thời gian dài rất ít nhà đầu tư dòm ngó thì nay đã có nhiều dự án lọt tầm ngấm của nhà đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản chuyên nghiệp như: Vingroup, DIC Group, Đất Xanh Group, Cát Tường Group.... đã có mặt tại Hậu Giang. Ảnh: TL
Nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản chuyên nghiệp như: Vingroup, DIC Group, Đất Xanh Group, Cát Tường Group.... đã có mặt tại Hậu Giang. Ảnh: TL

Nhà đầu tư đang “gom” đất

Bất chấp khó khăn do COVID-19, nhiều dự án BĐS ở tỉnh lẻ, vùng xa, hẻo lánh khu vực miền Tây sông Hậu vừa được địa phương đưa ra đấu giá thì nhanh chóng tìm được nhà đầu tư.

Điển hình như ở tỉnh Hậu Giang khoảng 5-10 năm trước nơi đây không có một dự án BĐS nào thì nay địa phương này đã có hàng chục dự án BĐS đang triển khai, một nửa trong số đó đã có sản phẩm.

Trong số dự án chào bán hiện nay có dự án Cát Tường Western Pearl 1,2 do Công ty cổ phần Tập đoàn Cát Tường và Công Ty Cổ Phần Đầu Tư và Dầu Khí Miền Nam đầu tư tại TP.Vị Thanh (Hậu Giang) được xem là quy mô lớn nhất với tổng diện tích 80ha, tổng mức đầu tư 85 triệu USD với khoảng 4.000 lô nền, nhà phố thương mại. Tại thị trấn Mái Dầm huyện Châu Thành (Hậu Giang) hiện có khu dân cư Thương mại và Dịch vụ Vạn Phát Sông Hậu có diện tích hơn 31ha đang mở bán 1.700 lô nền. Theo Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang trong 7 tháng đầu năm nay, đã có khoảng 40 dự án BĐS được cấp chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản chuyên nghiệp như: Vingroup, DIC Group, Đất Xanh Group, Cát Tường Group.... đã có mặt tại Hậu Giang.

Cùng thời gian này, Hậu Giang cũng đã tìm được chủ đầu tư cho hàng chục dự án BĐS quy mô lớn. Đơn cử là các dự án Công ty Cổ phần Bất động sản Hano – Vid, số 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận đầu tư xây dựng Khu đô thị mới thị xã Long Mỹ 2, phường Thuận An với diện tích 18,68ha, 690 lô căn hộ.

Dự án Vị Thanh New City do ba “ông lớn” gồm: Công ty CP Liên Minh, Công ty Băng Dương và Sakura Group bắt tay thực hiện với quy mô 35 ha gồm 1.375 căn shophouse, nhà phố liền kề và biệt thự; Liên danh Công ty cổ phần Phát triển dự án THD Việt Nam – Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) thực hiện dự án Khu đô thị mới khu vực 4, phường V, TP. Vị Thanh với diện tích 27,6 ha, tổng vốn đầu tư dự án là 2.700 tỷ đồng…

Để đáp ứng yêu cầu tiếp cận đất đai cho nhà đầu tư, mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang vừa có Quyết định số 1672/QĐ-UBND về cập nhật 26 công trình, dự án vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện trên địa bàn tỉnh (lần 2).

Trong danh sách này, có 12 dự án khu đô thị, dân cư, tái định cư với tổng diện tích 86,11 ha.

Được biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Hậu Giang triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025, trung bình mỗi năm Hậu Giang sẽ phát triển thêm 656.000m2 sàn nhà ở các loại (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở riêng lẻ người dân tự xây…) và đến năm 2025 tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh sẽ tăng thêm 3,2 triệu m2 sàn, nâng tổng m2 sàn nhà ở lên hơn 20,5 triệu m2.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, theo Sở Xây dựng địa phương hiện nay trên địa bàn có 33 dự án bất động sản đang triển khai với gần 11.000 căn và nền nhà ở thương mại. Trong đó có 9 dự án nhà ở thương mại, 10 dự án đất nền thương mại, 12 dự án nhà ở và đất nền thương mại và có 2 dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư và làm thủ tục đầu tư. Một số dự án đã đủ điều kiện mở bán với gần 3.500 căn hộ, đất nền thương mại đã được giao dịch.

Tại 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau - địa phương nằm ở cuối tuyến QL1A, thị trường BĐS nơi đây cũng bắt đầu “có sóng” khi mà các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ - Cà Mau sắp được đầu tư.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, địa phương vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Phường 8, TP. Bạc Liêu với quy mô gần 50 ha, trong đó diện tích dành cho đất ở 66 lô đất nhà ở biệt thự cao 3 tầng, 1.312 lô đất ở chia lô liền kề cao 4 tầng, 13 lô đất ở tái định cư cao 4 tầng và 795 căn hộ nhà ở xã hội. Sau khi hoàn thành dự án sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 9.000 người, tổng vốn đầu tư dự án trên 1.100 tỷ đồng.

Dự án thứ hai là Khu đô thị mới Công viên xanh (Green Park), phường 8, TP. Bạc Liêu được quy hoạch trên tổng diện tích 50 ha, cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm 97 lô đất ở biệt thự cao 3 tầng, 1.270 lô đất ở chia lô liền kề cao 4 tầng, 54 lô đất tái định cư cao 5 tầng và 584 căn hộ nhà ở xã hội. Sau hoàn thành dự án sẽ đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 8.496 người, dự án có tổng vốn đầu tư 1.436 tỷ đồng.

Tại tỉnh Cà Mau, bên cạnh các dự án BĐS hiện có như khu đô thị Happy Home, khu đô thị cao cấp Nhựt Hồng, Cà Mau New City, địa phương này cũng đang mời gọi đầu tư 13 dự án nhà ở thương mại, với tổng diện tích đất 322 ha, dự kiến vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án có quy mô lớn, đó là: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị mới khóm 5, phường 1, có diện tích gần 23 ha; dư án mở rộng Khu dân cư Đông Bắc Quảng trường Văn hóa trung tâm (Khu C) diện tích gần 52 ha , tại Phường 9, TP. Cà Mau. Còn lại 11 dự án khác nằm ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, U Minh, Trần Văn Thời… Ngoài ra, Cà Mau còn quy hoạch và mời gọi đầu tư dự án khu nhà ở xã hội phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau với diện tích 3,44 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.

Nhà đầu tư kỳ vọng điều gì?

Động thái đáng chú ý của thị trường BĐS các tỉnh Miền Tây là trong thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này chủ động đến tìm hiểu, nghiên cứu nhiều dự án. Điều đó cho thấy “khẩu vị” của các nhà đầu tư đã có sự thay đổi, thích đầu tư dự án BĐS ở các tỉnh lẻ hơn.

Tiêu biểu là vào đầu năm nay, Tập đoàn T&T đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đề xuất đầu tư xây dựng 8 dự án gồm khu đô thị, khu trung tâm thương mại dịch vụ, khu công nghiệp công nghệ cao tại địa phương này.

Theo đó, Tập đoàn T&T dự kiến triển khai 8 dự án trên địa bàn tỉnh gồm: Quy hoạch chung thị trấn Tràm Chim và vùng phụ cận với diện tích 3.800 ha; khu hỗn hợp thương mại dịch vụ và tài chính Cao Lãnh hơn 1ha; khu đô thị mới An Lạc 1 (huyện Cao Lãnh) gần 50ha; Khu đô thị mới An Lạc 2 (TP. Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh) hơn 44 ha; khu công nghiệp công nghệ cao huyện Lấp Vò 250 ha; khu đô thị Tân Mỹ (huyện Lấp Vò) 50 ha; khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông phía Đông TP. Sa Đéc với 172 ha; khu trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở Sa Đéc 1 ha; khu đô thị Hoà Thành, huyện Lai Vung 54 ha.

Trước đó, Tập đoàn T&T Group vừa ký kết hợp tác chiến lược với tỉnh Cà Mau, tiến tới đầu tư nhiều dự án lớn tại địa phương này. Trong đó, có nghiên cứu, lập quy hoạch và thực hiện đầu tư sân bay Cà Mau đạt cấp 4C, công suất dự kiến đạt 1 triệu khách hàng/năm. Đồng thời nghiên cứu, lập quy hoạch khu vực sân bay Cà Mau để thực hiện đầu tư theo mô hình đô thị sân bay; khu đô thị Liên hiệp Thể Dục Thể Thao, trung tâm bóng đá trẻ và câu lạc bộ bóng đá.

Mới đây UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận cho Tập đoàn FLC nghiên cứu đồ án quy hoạch dự án quần thể khu đô thị, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Châu Thành.

Theo đó tỉnh Hậu Giang cũng chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC nghiên cứu, dự án có quy mô gần 500 ha. Theo đồ án quy hoạch phân khu xây dựng được Tập đoàn FLC đề xuất, cơ cấu sử dụng đất của dự án gồm: đất ở (hơn 213 ha), đất khách sạn - resort (gần 13 ha), đất thương mại dịch vụ (gần 21 ha), đất khu du lịch sinh thái miệt vườn (gần 20 ha)...

Trước đó, Tập đoàn FLC cũng đã được tỉnh Hậu Giang chấp thuận nghiên cứu 3 dự án đô thị mới tại TP.Vị Thanh với quy mô gần 350 ha.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Cần Thơ, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Tây Dương Quốc Thủy cho rằng, BĐS miền Tây nam bộ chỉ trừ TP. Cần Thơ và 2 tỉnh Kiên Giang, An Giang còn lại phát triển rất chậm trong những năm qua. Tuy nhiên, với ưu thế quỹ đất còn rất lớn, chi phí đền bù thấp, các địa phương đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, các khu công nghiệp cảng dọc sông Hậu thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng đang được đầu tư mở rộng, cùng với đó là các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được nâng cấp mở rộng, cảng biển nước sâu Trần Đề được đề xuất đầu tư… đây chính là điều kiện cần để mở đường cho thị trường BĐS nơi đây phát triển sôi động. Với dự báo sự phát triển của khu vực vốn được xem chậm phát triển trong tương lai gần mà nhiều nhà đầu tư đã không ngần ngại khi quyết định “rót vốn” đầu tư vào khu vực này.

Theo GS-TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thực tế ở Việt Nam “đường đi tới đâu, đất tăng giá theo tới đó” chính vì vậy càng nhiều cao tốc mở ra tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì giá BĐS vùng này sẽ càng tăng cao là tất yếu. Mặt khác, ở các đô thị lớn như khu vực TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông thời gian qua đã có sự phát triển nóng, giá đất đã tăng rất cao, dư địa tăng thêm không nhiều, trong khi BĐS ở các tỉnh lẻ khu vực miền Tây Nam bộ đang bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới, kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư khi chi phí đầu vào thấp, giá đầu ra cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng), Khu vực ĐBSCL nằm kề cận khu vực kinh tế phát triển nhất nước là TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, nên ĐBSCL có thuận lợi lớn nếu liên kết vùng tốt.

“Với định hướng đầu tư tập trung cho hạ tầng giao thông, cụ thể là 7 tuyến cao tốc, 2 cây cầu lớn: Rạch Miễu 2, Đại Ngãi cùng với 3 cây cầu bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây trên trục đường Động Lực nối TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang, kết nối giao thông nội vùng, liên vùng ĐBSCL sẽ được cải thiện. Không gian đô thị của vùng sẽ phát triển mạnh mẽ theo 2 cực, đó là chuỗi đô thị trung tâm tỉnh lỵ, gồm Tân An, Cao Lãnh, Long Xuyên, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh, Sóc Trăng và chuỗi đô thị công nghiệp gồm Hồng Ngự, Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng này đang thấp hơn trung bình của cả nước, nhiều địa phương đang có kế hoạch nâng cấp, mở mang đô thị với quỹ đất dành cho phát triển đô thị còn rất lớn, đây chính là tiềm năng để các doanh nghiệp BĐS tìm kiếm cơ hội đầu tư tại vùng đất này”, ông Hải nhận định.