Chủ tịch HoREA:

"Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang rơi vào tình thế khó khăn"

Theo Chu Ký/nhadautu.vn

Hiện thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh đang bị sụt giảm mạnh về nguồn cung, trong đó, nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh.

 Thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh hiện đang rơi vào tình thế khó khăn khi bị sụt giảm mạnh nguồn cung. Nguồn: internet
Thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh hiện đang rơi vào tình thế khó khăn khi bị sụt giảm mạnh nguồn cung. Nguồn: internet

Được biết, TP. Hồ Chí Minh là một trong những nơi tập trung rất nhiều người lao động từ các tỉnh đổ về, trong đó đa phần là công nhân, người có thu nhập thấp, chưa có điều kiện để sở hữu hay thuê những căn hộ ở mức cao cấp, mà tập trung chủ yếu vào những căn hộ bình dân, giá rẻ…. Vậy xin ông có thể cho biết, diễn biến thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là phân khúc nhà ở giá rẻ tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua?

Ông Lê Hoàng Châu: Thị trường BĐS TP hiện đang rơi vào tình thế khó khăn khi bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, trong đó, tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng (do “tổng cầu” quá lớn nhưng nguồn cung ít), làm cho số đông người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Như số liệu báo cáo công bố trước đó, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh số lượng dự án nhà ở hoàn thành đã bị sụt giảm mạnh, chỉ có 17 dự án, trong đó có 3 dự án nhà ở xã hội với 111 ha 43 và 12.453 căn nhà; 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83% và không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư. Số liệu sụt giảm quy mô thị trường BĐS TP này cũng đã được thể hiện rất rõ nét qua nội dung văn bản của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh báo cáo Bộ Xây dựng về số liệu về nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 3 năm qua.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh.

 

Thưa ông trước tình trạng nguồn cung nhà ở sụt giảm, sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh?

Thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011-2013.

Tuy nhiên, do thị trường BĐS có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn như hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Cụ thể là sẽ có các tác động không tốt như: doanh nghiệp xây dựng sẽ bị sụt giảm số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập; các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và dẫn đến thị trường BĐS có thể còn bị sụt giảm hơn nữa.   

Vậy ông có thể cho biết, những nguyên nhân nào đã gây tác động đến thị trường BĐS cũng như khiến phân khúc nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng?

Nguyên nhân khiến thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh rơi vào tình thế khó khăn trong thời gian qua là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật, cũng như trong gần 3 năm qua, đã có nhiều dự án nhà ở thương mại bị dừng các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị ngừng triển khai.

Đáng chú ý là một số quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật đất đai… còn thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ dẫn đến vướng mắc, xung đột, gây ra vướng mắc, ách tắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật còn những mặt hạn chế và cũng do có phát sinh yếu tố rủi ro trong thi hành công vụ, nên đã xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cũng như chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, các vướng mắc, khó khăn, ách tắc của doanh nghiệp và thị trường BĐS chưa được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết kịp thời, từ đó khiến các doanh nghiệp BĐS chưa thật sự “mặn mà” quan tâm đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở, đặc biệt là nhà ở bình dân có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội…. Chính những vấn đề này đã tác động không nhỏ đến thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh.

Là Chủ tịch HoREA, ông đã có đề xuất gì để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh như hiện nay?

 Hiện HoREA đã có các báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban, ngành, trong đó, tập trung chủ yếu kiến nghị giải quyết vướng mắc về các dự án nhà ở, nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở)….Cụ thể là kiến nghị giải quyết vướng mắc về công nhận chủ đầu tư nhà ở có quỹ đất hỗn hợp; vướng mắc về quy trình thực hiện các thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở; vướng mắc về khởi công xây dựng đối với dự án nhà ở đã có quyết định công nhận chủ đầu tư, đã có quỹ đất sạch….

Trong đó, đáng chú ý là vướng mắc trong việc công nhận chủ đầu tư nhà ở có quỹ đất hỗn hợp,  vì phần lớn dự án có quỹ đất hỗn hợp phải thực hiện thủ tục theo Luật Đầu tư. Nhưng sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư lại không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Do vậy, không được công nhận chủ đầu tư dự án. Đây cũng là một trong những vướng mắc và cũng là một nguyên nhân chủ yếu gây sụt giảm quy mô thị trường BĐS hiện nay.

Qua đó, Hiệp hội đã đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh sớm báo cáo Chính phủ giải quyết vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các vướng mắc còn lại cũng đã được Hiệp hội tổng hợp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban, ngành,.... Hy vọng trong thời gian tới sẽ được Chính phủ phê duyệt, giải quyết qua đó giúp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời một phần nào đó thúc đẩy thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh phát triển.

Xin cảm ơn ông!