Bất động sản Việt Nam- “Hấp lực” dòng vốn FDI trong năm 2018

Theo Minh Long/baocongthuong.com.vn

Dự báo năm 2018 thị trường bất động sản trong nước tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia rót vốn dưới nhiều hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư hoặc cho vay vốn.

Bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam ngày càng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Nguồn: Internet
Bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam ngày càng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Nguồn: Internet

Theo các số liệu thống kê được Jones Lang LaSalle (JLL) đưa ra mới đây, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam thu hút 455 triệu USD từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay và chiếm 12,8% tổng vốn FDI của cả nước trong giai đoạn này. Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại Việt Nam của JLL - nhận định: Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài trong tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản (BĐS), thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là tìm kiếm những cơ hội tài sản có chất lượng tốt.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA)- đánh giá, việc nhà đầu tư nước ngoài tăng vốn vào thị trường BĐS Việt Nam là tín hiệu tích cực cho thấy họ đánh giá nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng có triển vọng tốt.

Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, nguồn vốn FDI tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 3,34 tỷ USD, trong đó có 312 triệu USD, đầu tư vào lĩnh vực BĐS, chiếm 9,3% nguồn vốn FDI. Các doanh nghiệp nước ngoài đã hợp tác đầu tư với doanh nghiệp BĐS Việt Nam dưới hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư, hoặc cho vay vốn.

Điển hình có thể kể tới như: Tokyu đầu tư vào Hưng Thịnh Corporation, Becamex; Misubishi Corporation hợp tác với Phúc Khang Corporation; Shinhan hợp tác với Vinacapital đầu tư 100 triệu USD vào Novaland; Samsung Securities cùng với một quỹ đầu tư từ Hồng Kông mua 40% cổ phần của Dragon Capital để trở thành cổ đông lớn thứ hai, Keppel Land mua 20% cổ phần của Quốc Lộc Phát - chủ đầu tư của khu phức hợp Sóng Việt tại Thủ Thiêm,…

“Thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, nhiều dự án BĐS đã được quy hoạch, thiết kế với phong cách kiến trúc đa dạng, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng”, ông Lê Hoàng Châu nhận xét.

Theo giới chuyên môn, cùng trong dòng chảy phát triển của thị trường thế giới và châu Á, BĐS Việt Nam đang thu hút vốn ngoại với hàng loạt điều kiện phát triển thuận lợi. Đặc biệt, năm 2018, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, GDP phấn đấu đạt 6,7%, tăng trưởng tín dụng khoảng 18%.
Cũng như năm năm 2017, năm 2018 sẽ chứng kiến tâm lý tích cực từ nhà đầu tư cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thu hút đáng kể vốn FDI và tốc độ đô thị hóa cao giúp thúc đẩy tăng trưởng về nhu cầu nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS Việt Nam hiện đứng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Đáng mừng là hiện tại các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang tiếp tục khảo sát thị trường để xem xét đầu tư trong thời gian tới. Trong buổi tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp BĐS Việt Nam vào đầu tháng 3 vừa qua, Phó cục trưởng Cục Đô thị, Bộ Đất đai, Giao thông, Du lịch Nhật Bản, ông Shinichi Sakaki đã cho biết Chính phủ Nhật Bản đang có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS xúc tiến đầu tư ra nước ngoài. Như vậy, đó sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam có được sự hợp tác của các doanh nghiệp BĐS Nhật Bản.

Với nguồn vốn từ Hàn Quốc, tôi cho rằng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới vì hiện tại số người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đang lên tới 180.000 người, và chỉ tại TP. Hồ Chí Minh đã tập trung gần 80.000 người. Vì thế họ rất am hiểu thị trường và sẽ có điều kiện lựa chọn những dự án mang lại hiệu quả tốt nhất để đầu tư - ông Châu nói.

Ngoài vốn Nhật Bản, Hàn Quốc, các chuyên gia BĐS dự báo, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào BĐS Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng vì hiện nay Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp BĐS có năng lực - đây là yếu tố quan trọng khi nhà đầu tư nước ngoài chọn đối tác để liên kết. Bên cạnh đó, thị trường cũng có nhiều sản phẩm cho nhà đầu tư lựa chọn, chẳng hạn TP. Hồ Chí Minh vừa công bố hơn 100 dự án về hạ tầng đô thị, nhà ở, các dự án dân cư để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu Việt Nam đang mời gọi đấu giá quốc tế cho Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (còn gọi là Saigon One Tower) hay Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh giao phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng số 1, vị trí có 9 lô “đất vàng” được đánh dấu từ 1.1 – 1.10 để bán đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất này...

“Bộ phận thị trường vốn của JLL tiếp đón từ 5-10 nhà đầu tư nước ngoài mỗi tuần và trong khi nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy một năm bội thu cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2018”, ông Stephen Wyatt kỳ vọng.