Bất động sản Việt Nam: Kịch bản cho năm 2018

Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Vietnam

Thị trường bất động sản Việt Nam đã thể hiện những kết quả mạnh mẽ đáng lưu ý trong năm 2017, với sự tăng trưởng ở nhiều phân khúc. Theo cùng vô số cơ hội hội nhập đầy hứa hẹn, cải cách và bùng nổ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục đón thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đảm bảo sự tăng trưởng bền vững.

 Bất động sản luôn nằm trong các nhóm ngành thu hút nhiều lượng vốn FDI nhất tại Việt Nam. Nguồn: internet
Bất động sản luôn nằm trong các nhóm ngành thu hút nhiều lượng vốn FDI nhất tại Việt Nam. Nguồn: internet

2017 - Thị trường sôi động

Việc trở thành chủ nhà của Hội nghị APEC Việt Nam 2017 đã đem lại cơ hội cho Việt Nam, thể hiện điểm mạnh và tiềm năng đầu tư trong năm 2018 cũng như thời gian tới.

Đầu tiên, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu sở hữu đất nền lớn khi cơ sở hạ tầng tạo cơ hội mở ra những khu vực mới phục vụ cho nhu cầu này, như những dự đoán của Savills từ cuối năm 2016. Nhiều dự án đất nền được xây dựng theo mô hình cộng đồng dân cư khép kín. Các khu đô thị này đều sở hữu những tiện ích chất lượng như bể bơi riêng, cảnh quan đẹp, an ninh tuyệt đối, phòng tập cao cấp, sân chơi cho trẻ nhỏ… Đây là một trong những xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra sôi nổi hơn nữa, với sự thúc đẩy từ việc phát triển cơ sở hạ tầng từ đây đến năm 2018.

Thị trường nhà ở đang phát triển theo hướng gia tăng của những người có nhu cầu thực sự và giảm thiểu đầu cơ “lướt sóng”, thể hiện tính lành mạnh và là dấu hiệu tốt của một thị trường đang đi lên. Tuy quá trình hình thành tầng lớp giàu có đang tạo ra cơ hội cho các công trình hạng trung và cao cấp, thế nhưng, thị trường chung vẫn hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Nhu cầu về nhà ở giá rẻ tiếp tục trên đà tăng nhanh tại các khu đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ở TP. Hồ Chí Minh, số giao dịch hạng C chiếm khoảng 60% trên tổng số giao dịch năm 2017, trong khi đó, con số ghi nhận được vào năm 2016 là 48%.

Sự gia tăng của những người có nhu cầu ở thực đã giúp số lượng căn hộ bán ra đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017. Theo số liệu ước tính, số căn hộ chung cư được tiêu thụ sẽ vượt mức 40.000 căn ở TP.. Hồ Chí Minh và 25.000 ở Hà Nội, đưa hai thành phố này trở thành những thị trường căn hộ lớn nhất khu vực ASEAN trong năm 2017.

Nguồn tài chính ngân hàng có sẵn cho tầng lớp trung lưu đang phát triển, cộng thêm lãi suất cho vay mua nhà ổn định, sẽ thúc đẩy phân khúc nhà giá thấp và trung bình phát triển và gia tăng liên tục vào năm tới và xa hơn nữa. Bên cạnh một thị trường được kỳ vọng ổn định, năm 2018 cũng chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ từ chủ sở hữu tài sản, cũng như củng cố thêm thị trường bất động sản mua đầu tư cho thuê, được hỗ trợ bởi các chỉ số lợi tức cho thuê thuộc dạng cao nhất khu vực.

Ngoài thế mạnh thị trường nhà ở, chúng ta được chứng kiến những thành tích vượt trội từ phân khúc văn phòng với tỷ lệ lấp đầy đạt xấp xỉ hơn 95% tại TP. Hồ Chí Minh và vẫn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là các công trình hạng A. Phân khúc khách sạn cũng hoạt động ổn định, nhất là ở khu vực Hà Nội, với lượng du khách quốc tế tăng trưởng mạnh đạt 26% năm 2016 và khoảng 28% trong năm 2017. Trong năm 2018 sắp tới, hàng loạt các khu nghỉ dưỡng phức hợp cũng được kỳ vọng thu hút sự chú ý của thị trường, ví dụ như dự án Hoiana gần Hoài phố, với điểm nhấn là khu casino lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta cũng không thể bỏ qua sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp, không chỉ các khu công nghiệp mới mà còn là các khu công nghiệp đang hoạt động, những cơ hội xây dựng khu nhà máy phù hợp nhu cầu doanh nghiệp (built-to-suit opportunities), hay kho bãi phục vụ cho chuỗi quy trình hậu cần (logistic).

2018: Điểm đến FDI mang tên Việt Nam

Năm 2017 đã kết thúc nhưng những giao dịch lớn cả về chất lẫn lượng của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa dừng lại, bổ sung cho bức tranh đầu tư ấn tượng vào Việt Nam kể từ khi mở cửa hội nhập trong những năm qua. Môi trường kinh tế vĩ mô tại Việt Nam vẫn được dự đoán ổn định tốt, và điều này cũng hỗ trợ cho sự phát triển mạnh của thị trường nhà ở trong năm 2018. Các yếu tố như đô thị hóa, sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự mở rộng của thị trường thế chấp bất động sản cũng thúc đẩy gia tăng nhu cầu nhà ở. Sự thiếu hụt quỹ đất có sẵn dành cho các nhà phát triển cũng như thu hẹp nguồn cung trong tương lai - tất cả đều trở thành động lực cho sự phát triển lành mạnh của thị trường và sự gia tăng giá cả chừng mực.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đăng ký và cấp mới đạt xấp xỉ 25,5 tỉ đô la Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng khoảng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lượng vốn FDI giải ngân tăng xấp xỉ 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12,5 tỉ đô la Mỹ. Thống kê theo quốc gia, Hàn Quốc đang dẫn đầu với gần 6,3 tỉ đô la Mỹ, theo sau là Nhật Bản và Singapore với lần lượt 5,9 tỉ đô la Mỹ và 4,1 tỉ đô la Mỹ vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.

Thống kê theo ngành, bất động sản luôn nằm trong các nhóm ngành thu hút nhiều lượng vốn FDI nhất tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại thị trường bất động sản Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ yếu tố chính sách, khung pháp lý rõ ràng hơn cùng lợi thế cạnh tranh của thị trường, bất động sản Việt Nam đã thu hút dòng vốn lớn từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước trong những năm gần đây. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan cùng Hồng Kông được xem là những cái tên nổi bật nhất về đầu tư nước ngoài và tất cả đều là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), chứng minh tầm quan trọng của APEC với Việt Nam. Họ đã đem tới Việt Nam không chỉ nguồn vốn mà còn cả chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu của họ. Các dự án đầu tư và phát triển kinh doanh của họ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực.

Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong lúc khu vực đang chậm lại, các nhà đầu tư này sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm đầu tư của họ vào tất cả các mảng bất động sản, trong đó tập trung vào văn phòng và khách sạn do vốn FDI ngày càng tăng và ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, và gần đây hơn là các dự án bất động sản công nghiệp và hậu cần.

Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần phải nắm bắt thời cơ và sử dụng cơ hội đang có từ việc đăng cai APEC 2017 cũng như sự tham gia các sân chơi kinh tế mới tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do. Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, sách lược đầu tư rõ ràng, để đảm bảo tính phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.