Bất ổn về tỷ giá phải được giải quyết từ thị trường vàng

Theo dddn

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh như trên khi nói về các giải pháp ngắn và dài hạn nhằm ổn định thị trường tiền tệ hiện nay.

Thưa ông, cần có kế sách gì để ổn định tỉ giá, góp phần đưa lãi suất đi xuống trong thời gian tới?
PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Trước mắt, những bất ổn về tỉ giá phải được giải quyết từ thị trường vàng. Nhà nước nên xem vàng là ngoại tệ. Ngân hàng (NH) thương mại được phép xuất nhập khẩu vàng, tức là tự do chuyển đổi vàng sang ngoại tệ và ngược lại, đồng thời được phép mở lại tài khoản giao dịch vàng với nước ngoài để phòng ngừa rủi ro. Còn các đơn vị sản xuất vàng nữ trang sẽ mua vàng từ các NH thương mại. Khi đó, các NH thương mại sẽ chuyển hóa được hàng chục tấn vàng mà người dân gửi tiết kiệm thành vốn cho nền kinh tế. Cơ quan quản lý không phải quan tâm đến việc nhập lậu, cấp phép xuất nhập khẩu vàng... vốn thường tạo áp lực tăng tỉ giá.
Mặt khác, NH Nhà nước nên sử dụng NH NN-PTNT (Agribank) - đơn vị sở hữu thương hiệu vàng AAA - điều tiết thị trường vàng bằng cách trang trải chi phí cho Agribank để NH này mạnh tay nhập khẩu vàng rồi tung ra thị trường, đưa giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới, góp phần ổn định tỉ giá ở mức như NH Nhà nước mong muốn. Từ đó, thị trường ngoại tệ sẽ bình ổn, giá cả hàng hóa sẽ ổn định theo, tăng niềm tin của người dân đối với VNĐ, tạo cơ hội cho lãi suất đi xuống.
- Về lâu dài, chúng ta có cần xem lại các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tính hiệu quả của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài?
Để kinh tế vĩ mô bền vững, Chính phủ cần phải có những chính sách thích ứng với tình hình thực tế. Các chính sách về tài chính, tiền tệ, thu hút đầu tư nước ngoài phải chỉnh sửa phù hợp với tình hình mới, nhất là xem xét lại hiệu quả của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một trong những nguyên nhân làm tình trạng nhập siêu kéo dài trong nhiều năm là vốn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) bằng USD dưới dạng “tiền tươi thóc thật” rất ít. Số còn lại thực chất là giá trị công nghệ và VNĐ mà nhà đầu tư nước ngoài vay trong nước nhưng được tính bằng ngoại tệ. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) FDI lại chuyển lợi nhuận về nước bằng USD... Không có lý do gì khi nước ta đã có 25 năm hướng tới xuất khẩu song nhập siêu mỗi năm vẫn trên 10 tỉ USD...
- Theo ông, cơ chế chính sách có nên ưu tiên cho xuất khẩu nông sản?
Là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, VN cần tập trung xây dựng chiến lược dài hơi về xuất khẩu nông - thủy sản để thu ngoại tệ. Do đó, cơ chế chính sách nên ưu tiên các ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu như gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, cá tra, cá basa..., vì đây là nguồn thu ngoại tệ chính của VN. Ngoài ra, các cơ quan quản lý còn phải xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng hóa nông sản từ Trung Quốc vào VN nếu không nông dân của VN sẽ thua ngay trên sân nhà.