“Bơm” tiền vào bất động sản: Không phải cứu nhà đầu tư mà cứu nền kinh tế

Theo Đại đoàn kết

Vấn đề vốn và giải quyết hàng tồn kho bất động sản (BĐS) tiếp tục là đề tài mà dư luận đang rất quan tâm. GS., TSKH. Đặng Hùng Võ đã có cuộc trao đổi với phóng viên về gói cứu trợ cho thị trường BĐS và khả năng hồi phục của thị trường này trong năm 2013.

- PV: Mới đây Bộ Xây dựng ký kết vay BIDV 30.000 tỷ đồng, mục tiêu là tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, thông qua việc ưu đãi cho đầu vào là các chủ đầu tư dự án, đầu ra là người có nhu cầu thực về nhà ở. Khoản vay này có thực sự cứu cánh cho thị trường BĐS trong thời gian tới, thưa ông?

“Bơm” tiền vào bất động sản: Không phải cứu nhà đầu tư mà cứu nền kinh tế  - Ảnh 1
GS., TSKH. Đặng Hùng Võ
GS. Đặng Hùng Võ: Theo tôi được biết, việc sử dụng nguồn tài chính này nhằm hỗ trợ một mặt là tiếp cho bên cầu, mặt khác hỗ trợ cho các chủ đầu tư của dự án cũ để có thể giải quyết được tồn kho BĐS bằng các giải pháp Bộ Xây dựng đã đề xuất như những dự án nào sắp hoàn thành thì sẽ cố gắng hoàn thành, những dự án nào năng lực kém phải dừng lại, dự án nào chuyển công năng sang loại hình BĐS khác như nhà cho thuê, trung tâm thương mại, nhà công vụ… sau khi xem xét cần hỗ trợ để giảm giá tổng giá trị BĐS.

Bộ Xây dựng ký kết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực ra là đứng ra bảo lãnh cho khoản vay đó, thì khoản vay đó mới có độ tin cậy cao đối với ngân hàng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ để thực hiện cho đúng mục tiêu. Theo tôi, khoản vay này sẽ có tác động ở một mức đáng kể để tháo gỡ tắc nghẽn cho thị trường BĐS hiện nay.

Sau khi Chính phủ công bố dự thảo bơm hàng chục nghìn tỷ đồng cứu nền kinh tế, trong đó có BĐS, dư luận cho rằng không nên bơm cho BĐS mà phải trị tận gốc rễ, hạ lãi suất tạo điều kiện cho người dân mua nhà. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi hai việc cần phải làm: việc hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho bên cầu là việc cần thiết, là giải pháp tốt. Song song với đó là chủ đầu tư  cũng rất cần nguồn vốn này, do họ đang vào thời điểm rất khó khăn, họ chỉ cần có khả năng tiếp cận vốn với nguồn ưu đãi thì họ cũng tháo gỡ được BĐS tồn đọng.

Dư luận chỉ quan tâm đến một việc là đừng lấy tiền thuế của dân cho không các chủ đầu tư. Tôi cho rằng hoàn toàn không có chuyện đó. Bởi có nguồn vốn cho bên cầu vay tức là việc cho vay sẽ tạo khả năng thanh toán và hỗ trợ trực tiếp cho người mua BĐS.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cho chủ đầu tư có giải pháp giải quyết hàng tồn kho BĐS như chuyển công năng nhà ở, chia nhỏ căn hộ như thế nào, hoàn thành gấp các dự án dang dở… đều cần có hỗ trợ tài chính vốn ưu đãi. Ở đây phải hiểu là không phải cho các nhà đầu tư, mà các nhà đầu tư phải trả vốn ngay sau khi thị trường ấm lại. Việc có cần thiết cho nhà đầu tư vay hay không chúng ta phải nhìn dưới góc độ rộng hơn.

Thị trường BĐS suy sụp thì sẽ gây khủng hoảng tới tài chính, sẽ làm rối loạn thị trường tài chính. Hiện tại cái kho BĐS quỵ hoàn toàn thì chắc chắn nền kinh tế sẽ có vấn đề. Chúng ta không phải cứu các chủ đầu tư mà cứu nền kinh tế Việt Nam. Không ai ủng hộ cơ chế cho không các chủ đầu tư bất kỳ khoản tiền nào.
 
Tuy nhiên, chúng ta cứu chủ đầu tư phải minh bạch và công bằng, đây là hai nguyên tắc lớn nhất chúng ta phải giữ được để giải quyết khâu tắc nghẽn của thị trường BĐS.

Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp để khơi thông tắc nghẽn thị trường BĐS, nhưng cho tới hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên. Theo ông, tình trạng này sẽ kéo dài đến bao lâu?

Theo tôi đánh giá là đã điểm đủ các giải pháp, vấn đề là cơ chế nào thực hiện các giải pháp thì năm 2013 phải tính tới. Còn việc lúc nào xử lý xong tắc nghẽn BĐS phải phụ thuộc vào giải phóng được hàng tồn kho BĐS; kích thích được phân khúc nhà ở giá rẻ.

Hai nguyên tắc minh bạch và công bằng là hai nguyên tắc chúng ta phải đảm bảo. Năm 2013 chúng ta phải loay hoay thực hiện nguyên tắc này: cơ chế ra làm sao, thực hiện như thế nào, ưu tiên và chưa ưu tiên giải pháp nào…?. Như vậy, năm 2013 chúng ta có thể hy vọng chút ít nóng lên, ấm lên của phân khúc nhà ở giá rẻ, nếu chúng ta có lực đầu tư cao hơn. Việc giải quyết tồn kho BĐS, gắn với nợ xấu phải tính bước đi dài hơn, có thể chưa giải quyết xong ngày hôm nay, mà có thể chúng ta cần 1-2 năm thậm chí dài hơn nữa.