Cả nước có 108 chung cư đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân

Theo Minh Châu/baodansinh.vn

Cả nước có khoảng 1.200 chung cư cao tầng, TP. Hà Nội có khoảng 800 chung cư, tổng cộng các thành phố trong cả nước có khoảng 3.000 chung cư. Trong số này có 108 chung cư đang xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, chiếm khoảng 3%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 3.000 nhà chung cư, tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong đó, qua tổng hợp báo cáo của 43 địa phương, có 108 dự án đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến chất lượng công trình, diện tích sở hữu chung, riêng; kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; kinh phí quản lý, vận hành; tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu cũng như tranh chấp trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư. Hiện Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục thống kê dự án có tranh chấp, khiếu nại ở các địa phương để kịp thời có những chỉ đạo, xử lý.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân xảy ra các tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng: Cách tính diện tích căn hộ, hộp kỹ thuật, diện tích chung - riêng. Quy định các chế tài xử phạt hành vi vi phạm chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh với yêu cầu quản lý và tình hình thực tế.

Trong khi đó, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy... Trong đó, có một số chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư.

Ngoài ra, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt; vai trò của chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và ý thức, trách nhiệm của các chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ ở một số nhà chung cư chưa đáp ứng mô hình quản lý, sử dụng nhà chung cư. Các vướng mắc, mâu thuẫn về lợi ích chưa được các chủ thể đối thoại, hòa giải để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên theo quy định pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhà chung cư là xu hướng phát triển chủ yếu tại các đô thị. Trước các tranh chấp, khiếu nại xảy ra tại nhiều chung cư trong thời gian qua, ngày 9-10-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư với mục tiêu bảo đảm quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư được an toàn, hạn chế các tranh chấp, khiếu kiện, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Vị Thứ trưởng này cũng cho biết,  từ ngày 19 đến 29-3-2019, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư đang có tranh chấp tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Dự kiến, đoàn sẽ làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư có tranh chấp; các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư đã đưa vào sử dụng có tranh chấp để kiểm tra về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; đồng thời, làm việc với lãnh đạo 2 thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước; thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.