Các DN bảo hiểm phải công bố thông tin

Theo Thời báo ngân hàng

Hiện ngành bảo hiểm có 14 DN bảo hiểm nhân thọ, 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 2 công ty tái bảo hiểm và 12 công ty môi giới bảo hiểm.

Các DN bảo hiểm phải công bố thông tin

Kể từ ngày 1/10 tới, theo Thông tư 125/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính,các DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm và Chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải công bố thông tin (CBTT) theo 2 cấp.

Thứ nhất, phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của DN bảo hiểm, Chi nhánh nước ngoài. Toàn bộ nội dung báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán của DN, chi nhánh và kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập.

Thứ hai, phải công bố công khai trên báo Trung ương và báo địa phương nơi DN bảo hiểm, Chi nhánh nước ngoài có trụ sở chính trong 3 số báo liên tiếp. Các thông tin gồm: Báo cáo thường niên và BCTC tóm tắt.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố công khai các thông tin, DN bảo hiểm, Chi nhánh nước ngoài phải gửi bản chính hoặc bản sao các thông tin đã công bố đến Bộ Tài chính. Riêng các DN bảo hiểm thuộc diện đại chúng, ngoài việc thực hiện CBTT theo quy định tại Thông tư này, còn phải thực hiện nghĩa vụ CBTT của loại hình DN đại chúng theo quy định hiện hành.

Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, hiện ngành bảo hiểm có 14 DN bảo hiểm nhân thọ, 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 2 công ty tái bảo hiểm và 12 công ty môi giới bảo hiểm.

Trong thời gian qua, việc CBTT của các DN bảo hiểm chỉ chủ yếu thực hiện trên website của công ty, với nội dung chính là BCTC kiểm toán và ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập, còn việc công bố trên báo chí chưa được DN chú trọng. Một số DN thực hiện công bố trên báo chí, nhưng không gửi bản chính/bản sao về cho Bộ Tài chính. Vì thế, theo Bộ Tài chính, Thông tư 125 đã “xử lý lại” các lỗ hổng này, nhằm hướng các DN bảo hiểm thực hiện tốt hơn nghĩa vụ CBTT.

Như vậy, ngoài nghĩa vụ phải công khai thông tin (trên mặt báo) của khối DN niêm yết, DN đăng ký giao dịch, DN đại chúng, khối DN ngành bảo hiểm sẽ công khai thông tin về BCTC năm, kể từ 1/10. Quy định này trước hết sẽ góp phần minh bạch hóa thông tin của khối DN bảo hiểm, giúp công chúng được biết và cùng tham gia giám sát hoạt động của loại hình dịch vụ nhạy cảm này. Sau DN ngành bảo hiểm, dư luận mong đợi cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu để luật hóa nghĩa vụ minh bạch của các DN trong các ngành kinh doanh khác.

Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc DN tại Việt Nam đang diễn ra, trong đó vai trò của sự minh bạch đang ngày càng được khẳng định, khi cả nhà quản lý và các chuyên gia đều cho rằng, minh bạch là cái gốc để DN quản trị hiệu quả, là nền tảng để phát triển bền vững. Nói như ông Vũ Bằng (Chủ tịch Ủy ban chứng khoán): "12 năm hoạt động của TTCK là 12 năm cơ quan quản lý liên tục nỗ lực hướng các DN thực hiện đúng nghĩa vụ minh bạch".

Qua từng năm, số DN bị xử phạt do không thực hiện đúng nghĩa vụ này ngày càng giảm, cho thấy sự tiến bộ trong ý thức về nghĩa vụ CBTT theo luật của các DN đã được nâng lên. Tuy nhiên, trên TTCK, số các chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ minh bạch chỉ chưa đầy 2.000 DN, một con số rất nhỏ so với trên 500.000 DN đã và đang hoạt động trong nền kinh tế. Khuyến khích văn hóa minh bạch và tạo hành lang pháp lý để hướng các DN nói chung hoạt động minh bạch còn là một bài toán lớn, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của UBCK, Bộ Tài chính, mà là của nhiều cơ quan chức năng.