Các doanh nghiệp bất động sản đang ồ ạt lập mới để... chạy chính sách?

Theo kinhdoanhnet.vn

(Tài chính) Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2015, số lượng doanh nghiệp bất động sản mới thành lập tăng tới 89% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, ước tính mỗi ngày có đến 223 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới.

2 tháng đầu năm 2015, số lượng doanh nghiệp bất động sản mới thành lập tăng tới 89% so với cùng kỳ năm 2014. Nguồn: internet
2 tháng đầu năm 2015, số lượng doanh nghiệp bất động sản mới thành lập tăng tới 89% so với cùng kỳ năm 2014. Nguồn: internet

Lý giải nguyên nhân của làn sóng các doanh nghiệp bất động sản ồ ạt lập mới trong đầu năm nay, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, rất có thể đó là xu hướng lập DN để “chạy chính sách”. Bởi, bắt đầu từ 1/7 tới đây, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 bắt đầu có hiệu lực. Sắc luật này chốt quy định cứng về số vốn pháp định tối thiểu của DN bất động sản phải là 20 tỷ đồng.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn sắc luật này đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến. Và nội dung được tranh luận gay gắt nhất cũng liên quan đến vốn pháp định khi cơ quan soạn thảo đề xuất một mức vốn pháp định cao hơn, tới 50 tỷ đồng cho một số loại hình DN bất động sản. Cụ thể, Dự thảo quy định: Có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh thuộc diện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, về đô thị.

Tại cuộc hội thảo tại VCCI cuối tuần qua, từ đại diện các chủ đầu tư, như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP-Invest, bà Phan Hải Anh đến từ Vingroup, hay giới luật sư, như ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đều tỏ ra không đồng tình. Bởi theo các vị này, việc áp thêm một mức vốn pháp định đối với các DN kinh doanh bất động sản không chỉ “gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan đăng ký kinh doanh”, mà còn làm hẹp lại cơ hội tham gia thị trường của các DN.

Thậm chí, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico còn cho rằng, mức vốn 50 tỷ đồng tại Dự thảo Nghị định là trái luật. Bởi theo Luật Kinh doanh bất động sản, giới hạn vốn pháp định là 20 tỷ đồng cho tất cả mọi loại hình DN kinh doanh bất động sản, dù là dự án dịch vụ hay đầu tư kinh doanh bất động sản.

Nhưng có một điều hiển nhiên là pháp luật không áp dụng hồi tố đối với những DN thành lập trước khi quy định có hiệu lực. Vì vậy, có thể hiểu là các DN bất động sản thành lập từ nay đến 30/6/2015 vẫn “vô tư” áp dụng mức vốn pháp định 6 tỷ đồng của quy định cũ.

Bên cạnh đó, do thị trường bất động sản đang có xu hướng hồi phục, cho nên theo nhiều chuyên gia lý giải, việc lập mới này cũng không có gì phải ngạc nhiên. Bởi nền kinh tế của chúng ta khá lên thì thị trường bất động sản cũng ấm lên, đó là tính quy luật. Lúc suy thoái, nhiều DN bất động sản, kể cả môi giới cũng giải tán, đóng cửa, đến khi thị trường ấm lên thì họ lại tái lập, hoặc các DN thành lập mới hoàn toàn nhận thấy cơ hội thị trường, nên bỏ vốn vào làm ăn, kinh doanh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp BĐS đăng ký giấy phép kinh doanh đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, trong 2 tháng qua, cả nước đã có 13.766 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới lại giảm so với cùng kỳ năm 2014, đạt khoảng 5,6 tỷ đồng, giảm 3,4%. BĐS cũng là lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng khoảng 89%, cao hơn khá nhiều so với mức tăng của lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm (khoảng 55%).

Lượng doanh nghiệp lập mới tăng, trong khi đó, số vốn đăng ký trung bình lại giảm, điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đang nắm bắt rất tốt cơ hội từ sự hồi phục của thị trường để phát triển. Tuy nhiên, mặt khác, phần lớn đây đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính vì vậy, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, các doanh nghiệp này cũng cần hết sức thận trọng. Bởi bất động sản là một nghề muốn kinh doanh tốt đòi hỏi phải có tính chuyên môn cao, tiềm lực vững, chứ không phải ai muốn làm cũng được - Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM khuyến cáo.