Các giải pháp đồng bộ mang lại niềm tin cho thị trường bất động sản

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Bức tranh đầy màu tối của thị trường bất động sản năm 2012 đã đi qua, khép lại một năm nhiều sóng gió với cả khách hàng và chủ đầu tư. Nay là thời điểm thích hợp để nhìn lại những điểm mấu chốt của năm cũ, để nhìn nhận những xu hướng của năm 2013 đối với thị trường nhiều thăng trầm này.

Các giải pháp đồng bộ mang lại niềm tin cho thị trường bất động sản
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet

Năm 2012, giao dịch thị trường giảm sút là điểm nhận thấy rõ ràng nhất. Cung - cầu lệch nhau, áp lực trả nợ ngân hàng, thị trường yếu về thanh khoản là những yếu tố chính khiến xu hướng bán tháo, bán giảm giá, chiết khấu lớn trên thị trường. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, xu hướng giảm giá, cắt lỗ sẽ còn tiếp diễn trong năm 2013. Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cho rằng, các chính sách để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua nhà của Nhà nước là một cơ hội cần được doanh nghiệp nắm bắt nhanh.

So với những năm trước đây, trong hai năm qua số vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản đạt thấp nhất trong 5 năm qua. Rõ ràng, thiếu vốn là căn bệnh trầm trọng của thị trường bất động sản năm qua. Vốn bị siết, thị trường giao dịch èo uột, hàng loạt công trình nhà ở, nhất là tại Hà Nội dở dang, có những dự án vốn đầu tư lớn trở thành bãi đất hoang. Một số chủ đầu tư đã phải quyết định dừng dự án chờ thời cơ mới. Không chỉ những dự án vốn đầu tư nội có tiến độ chậm, mà ngay cả những công trình lớn từng làm mưa làm gió trên thị trường một thời như dự án Parkcity, đường Lê Trọng Tấn Hà Đông, dự  án Splendora, Hoài Đức cũng chỉ là bãi đất hoang sau nhiều năm được cấp giấy phép. Siết lại vấn đề này, Hà Nội đã có động thái mạnh tay khi ra quyết định chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành thu hồi đất dự án của hàng loạt doanh nghiệp với tổng diện tích lên tới 8,2 triệu m2.

Theo báo cáo của 58/63 địa phương cho thấy hiện tồn đọng 20.851 căn hộ chung cư, 5.176 căn thấp tầng, 1,89 triệu m2 đất nền, 64.847 m2 văn phòng cho thuê, với tổng số vốn ước tính là 52.542 tỷ đồng. Theo nhiều chuyên gia, phải mất từ 5 - 7 năm mới tiêu thụ hết hàng tồn kho này. Từ cơ sở thực tại không sáng sủa ấy, các cơ quan quản lý đã cùng tìm các giải pháp và đưa ra hướng xử lý hàng tồn kho, kích cầu thị trường. Đây là những động thái được đánh giá là sẽ có những hiệu ứng cho năm 2013.

Kiến nghị giảm thuế, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội tối đa 10% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế VAT cho người mua nhà lần đầu, điều chỉnh lại diện tích căn hộ, cho doanh nghiệp nộp thuế sử dụng đất theo tiến độ. Đề xuất Chính phủ xem xét mua lại một số công trình, bất động sản thế chấp vay ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được phục vụ mục đích an sinh xã hội, có chính sách khuyến khích các dự án nhà xã hội… là những chính sách được đưa ra và đã được xem xét. Trước những khó khăn của thị trường, hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu đang được các bộ ngành trình Chính phủ, QH xem xét thông qua. Sự vào cuộc tập trung, đồng bộ của các bộ, ngành đã mang lại niềm tin và cơ hội mới trong năm 2013 cho người mua nhà, chủ đầu tư.

Năm 2012 cũng khép lại với những vụ mua bán, sáp nhập các dự án bất động sản mạnh mẽ. Áp lực tài chính, áp lực nợ đến hạn, tái cơ cấu danh mụåc đầu tư khiến nhiều doanh nghiệp phải bán dự án bất động sản, chuyển nhượng cho đối tác khác. Rất nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản đình đám đã diễn ra cho thấy một cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ thị trường này trong năm qua cũng góp thêm một điểm mốc của thị trường khó khăn. Tuy vậy, cùng với xu hướng chung và những tác động từ chính sách, dự báo năm 2013 thị trường sẽ có những dấu hiệu hồi phục và bớt khó khăn hơn. Đây cũng là nhìn nhận chung của các nhà quản lý và niềm hy vọng của người dân cùng các chủ đầu tư.