Các gói hỗ trợ bất động sản: Thừa tiền, thiếu hiệu quả

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Kể từ năm 2009 đến nay, để giải cứu thị trường bất động sản (BĐS), nhiều gói tín dụng hỗ trợ cho cả người mua và doanh nghiệp (DN) được đưa ra nhưng để tiếp cận những gói này quả thực không đơn giản.

Triển khai một gói hỗ trợ nhưng mang lại hiệu quả khả quan còn hơn quá nhiều gói hỗ trợ nhưng làm chẳng đến đâu. Nguồn: internet
Triển khai một gói hỗ trợ nhưng mang lại hiệu quả khả quan còn hơn quá nhiều gói hỗ trợ nhưng làm chẳng đến đâu. Nguồn: internet
"Bội thực"
 
Ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách tài khóa để điều tiết nền kinh tế, những gói hỗ trợ tín dụng hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng, đặc biệt là khối DN BĐS, đã liên tục xuất hiện trong thời gian qua.
 
Tháng 4/2012, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chủ trì gói tín dụng theo hình thức "liên kết 4 nhà”, chủ yếu áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM nhằm khơi thông dòng vốn cho DN BĐS và giải quyết hàng tồn kho. Song, sau một vài hợp đồng được ký kết năm 2013 (dự án cải tạo và mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 14), gói sản phẩm này cũng dần trầm lắng và tiến độ triển khai các hợp đồng vẫn chưa có thông tin mới.
 
Tháng 6/2013, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dành cho khu vực BĐS bắt đầu giải ngân qua hệ thống 5 ngân hàng thương mại nhà nước. Sự kỳ vọng của DN lẫn người mua thời điểm đó đã tạo nên tâm lý về sự khởi sắc của thị trường BĐS sau thời kỳ "đóng băng".
 
Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà tư vấn, tiếp thị dự án, trong nửa cuối năm 2013, gói hỗ trợ này chỉ dừng lại ở tác động tâm lý là chính vì để tiếp cận được khoản vay với lãi suất cố định 6%/năm (trong vòng 10 năm), người mua đã phải nản lòng bởi thủ tục quá nhiêu khê.
 
Sau Tết Giáp Ngọ, thị trường BĐS tiếp tục nhận được một tiết lộ thông tin về gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Mọi chuyện tạm dừng sau khi Bộ Xây dựng lên tiếng bác bỏ thông tin.
 
Gần đây nhất, Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh phát động gói hỗ trợ 50.000 tỷ đồng thông qua liên kết 4 nhà (ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu và nhà cung ứng vật liệu xây dựng). Không ít câu hỏi được đặt ra ngay sau buổi họp báo công bố gói hỗ trợ này hôm 25/3.
 
Cụ thể, với một tổ chức tín dụng vừa được cơ cấu lại như VNCB thì lấy đâu ra nguồn vốn lớn như thế để triển khai chương trình (trước đây, VNCB được biết đến với cái tên TrustBank)? Liệu việc Thiên Thanh (vừa là cổ đông VNCB, vừa là nhà sản xuất VLXD) đứng ra làm trung gia cung ứng vật liệu rẻ có tạo nên cơ chế độc quyền trong xây dựng?...
 
Chưa dừng lại ở VNCB, điều đáng lưu ý là trong thời gian sắp tới, các ngân hàng thương mại lớn sẽ triển khai gói hỗ trợ 4 nhà 70.000 tỷ đồng. Hiện, các bên tham gia đang chuẩn bị ký kết với Ngân hàng Nhà nước mà BIDV là người đại diện để triển khai gói hỗ trợ này.
 
Với những gì đã và đang diễn ra, thị trường BĐS Việt Nam đang bị bội thực về các "gói hỗ trợ" tài chính.
 
"Tiền" phải đi liền với "tin"
 
Xét về mục tiêu, mỗi gói hỗ trợ hướng đến những nhóm khác nhau. Gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ nhắm chủ yếu đến người mua. Gói liên kết 4 nhà nhắm đến DN. Song ngay tại thời điểm này, thông tin về việc dùng tiền để giải cứu thị trường BĐS đã gần như "miễn nhiễm" với đối tượng quan trọng nhất là người mua.
 
Nói theo cách của ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, vấn đề quan trọng không phải là ý tưởng mà là phải làm sao thực hiện cho tốt.
 
Điển hình như gói 30.000 tỷ đồng, tiến độ giải ngân chỉ tiến triển khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 18 (bổ sung một số điều của Thông tư 07, hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, nhằm mở rộng đối tượng vay vốn, nới lỏng điều kiện, thủ tục cho vay).
 
Song, với dư nợ 1.322 tỷ đồng (tính đến ngày 15/3/2014), giải ngân cho 3.023 khách hàng vay (trong tổng số tiền cam kết 2.909 tỷ đồng và 3.048 khách hàng), tương ứng chỉ 4% trong hơn 9 tháng triển khai vẫn quá khiêm tốn so với kỳ vọng của các bên tham gia thị trường.
 
Bình luận về sự tồn tại của các gói hỗ trợ tín dụng, một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, đã đến lúc chúng ta nên có trách nhiệm hơn trong các tuyên bố, đặc biệt là tuyên bố liên quan đến tiền cũng như chính sách.
 
Việc tuyên bố cho có và không quan tâm đến hiệu quả triển khai trong thực tế như thế nào sẽ làm giảm uy tín của bên phát động; trong khi đó, về phía người tiếp nhận thông tin, dần dà sẽ hình thành nên tâm lý "vô thưởng vô phạt", thờ ơ trước những thông tin được xem là có liên quan đến họ.
 
Do đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, thà triển khai một gói hỗ trợ mà mang lại hiệu quả khả quan còn hơn sinh ra quá nhiều gói hỗ trợ nhưng làm chẳng đến đâu, tạo hiệu ứng tâm lý không tốt cho toàn bộ thị trường.