Các nền kinh tế mới nổi: Thoái vốn ồ ạt

Theo Chinhphu.vn

(Tài chính) Nỗi lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm dừng chương trình kích thích đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các thị trường mới nổi trong những tháng gần đây, gây sức ép lên các đồng tiền và đẩy các thị trường chứng khoán của các nền kinh tế này lao dốc.

Các nền kinh tế mới nổi: Thoái vốn ồ ạt
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Kể từ sau cuộc khoảng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, các nền kinh tế tương đối mạnh ở Đông Nam Á đã thu hút được những dòng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Ở các nền kinh tế phát triển trên thế giới, các ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất xuống mức rất thấp, buộc các nhà quản lỹ quỹ đầu tư muốn có lợi nhuận nhiều hơn phải chuyển hướng sang các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Dòng vốn đầu tư vào châu Á cũng được mở rộng nhờ các ngân hàng trung ương các nước phát triển triển khai các chương trình nới lỏng định lượng (QE), khiến các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp ở những nước này.

Chương trình mua trái phiếu trị giá tới 85 tỷ USD mỗi tháng của FED đồng hành với lãi suất gần như bằng không đã thực sự trở thành phao cứu sinh cho các thị trường nước ngoài bởi phần lớn trong số đó đã "chảy" vào các nền kinh tế mới nổi.

Cụ thể là dòng vốn đầu tư đổ vào Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã tăng từ 22,5 tỷ USD năm 2009 lên 58,3 tỷ USD một năm sau đó. Mặc dù nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào những nước này có giảm trong năm 2011 do các nhà đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhưng các đồng tiền ở Đông Nam Á vẫn mạnh, tăng trung bình 5,1% so với đồng USD. Mức tăng tỷ giá ở khu vực này đã thu hút các nhà đầu tư quay trở lại trong năm 2012 khi mà tổng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào tăng lên 61,4 tỷ USD.

Không chỉ riêng châu Á, lục địa đen cũng hưởng lợi không nhỏ. Trong tháng Năm vừa qua, vốn đầu tư nước ngoài của Ruanđa đã tăng 400 triệu USD, trong khi Tanzania tăng thêm được 600 triệu USD. Một vài tháng trước đó, Zambia đã gặt hái thành công nhiều hơn với 750 triệu USD. Tương tự như vậy, các trung tâm tài chính ở các nước đang phát triển đã được hưởng lợi từ dòng vốn phương Tây.

Nhưng rồi những tín hiệu sáng hơn từ nền kinh tế Mỹ đã làm dấy lên đồn đoán trái chiều về số phận của chương trình kích thích kinh tế của FED. Mới chỉ là đồn đoán, nhưng dòng vốn đổ vào các thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã đổi hướng. Ngay từ năm ngoái, điều này đã được thể hiện qua việc đồng rupiah của Indonesia mất giá 6,6% so với đồng USD, trong khi các đồng nội tệ của Thái Lan và Malaysia cũng giảm nhẹ. Các đồng tiền của những nước này bị mất giá mạnh hơn khi từ cuối tháng Bảy lo ngại FED bắt đầu thu hẹp chương trình kích thích kinh tế lớn dần. Tình trạng thoái vốn trở nên mạnh mẽ hơn sau khi biên bản cuộc họp mới nhất của FED càng củng cố cho đồn đoán quy mô chương trình sẽ bị thu hẹp ngay từ tháng 9.

FED mới chuẩn bị thắt chặt chính sách nới lỏng tiền tệ, dòng vốn chạy khỏi thị trường mới nổi và các chỉ số chứng khoán giảm đã mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sự sụt giảm của một số đồng tiền rất mạnh, trong đó đồng rupee Ấn Độ để mất tới 19,5% giá trị chỉ trong vòng ba tháng và rơi xuống mức thấp kỷ lục 65,56 rupee/USD trong ngày 22/8. Còn đồng real của Brazil cũng tuột duốc không phanh, rơi xuống 2,4282 real/USD, mức chưa từng có kể từ tháng 3/2009. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá khoảng 10% so với mức đỉnh hồi tháng Hai. Tốc độ mất giá của đồng baht Thái, rupiah Indonesia hay ringgit Malaysia cũng gia tăng trong những tháng gần đây.

Giới đầu tư đang "tháo chạy" khỏi thị trường tài chính mới nổi, làm đổ vỡ nhiều kế hoạch huy động vốn trong mùa Hè năm 2013. Tính từ đầu tháng Sáu đến nay, tổng giá trị trái phiếu cũng như cổ phiếu mà chính phủ các nước và công ty phát hành trên thị trường mới nổi chỉ đạt khoảng 42,4 tỷ USD, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012 (95,1 tỷ USD trong ba tháng 6, 7 và 8/2012).

Tháng 6/2013 được ghi nhận là tháng có khối lượng trái phiếu bán ra trên thị trường mới nổi thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Giới đầu tư và các nhà phân tích cảnh báo rằng những nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro vào thời điểm mà Mỹ chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE). Tuy nhiên, các nước khác cũng sẽ cảm nhận thấy sức nóng ngày càng tăng trên thị trường tài chính - tiền tệ.   

Dù cho FED chưa có động tĩnh gì, nhưng các quỹ đã "chảy ngược" trở lại phương Tây, nhất là Mỹ, được thể hiện ở chỗ các chỉ số chứng khoán ghi điểm mạnh ở các nước phát triển, nhưng lại giảm mạnh tại các nền kinh tế mới nổi. Theo số liệu của ngân hàng Boursorama, từ ngày 1/1 đến ngày 21/8/2013, chỉ số CAC 40 của Thị trường Chứng khoán Paris tăng hơn 10%, trong khi chỉ số Dow Jones của Mỹ tăng 13% và chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng gần 30%. Trong khi đó, chỉ số Bovespa của Braxin giảm 17%, RTS của Nga giảm 15% và chỉ số BSE của Ấn Độ giảm 8%.

Tình trạng thoái vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc khủng hoảng tương tự như những gì đã xảy ra ở châu Á vào năm 1997. Tuy nhiên, các công ty nghiên cứu cho rằng các nền tảng vững chắc hơn ở hầu hết các nền kinh tế châu Á vào thời điểm này cho thấy những quan ngại đó bị thổi phồng.

Tình hình hiện nay không giống như  những gì từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990. Indonesia và các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á đều không có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản trong tương lai gần bởi các nhà hoạch định chính sách ở những nước này vẫn chưa quên cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997-1998 và đã tích lũy được nguồn dự trữ ngoại tệ khá lớn. Nguồn dự trữ ngoại tệ của những nước này đủ để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu trong vòng sáu tháng, thậm chí lên tới 13 tháng đối với Philippines. Ở thời điểm hiện nay, nợ nước ngoài của những nước này cũng ít hơn nhiều so với trước đây, trong đó Malaysia có mức nợ nước ngoài lớn nhất, tương đương với 33,2% GDP. Điều này có nghĩa là chi phí trả nợ vẫn nằm trong tầm kiểm soát mặc dù tỷ giá hối đoái thấp sẽ khiến cho chi phí trả nợ nước ngoài tăng lên.

Công ty nghiên cứu CIMB cho rằng nỗi lo sẽ được chứng minh là thái quá khi các nền tảng ở châu Á đã vững chắc hơn trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đồng baht mất giá ở Thái Lan đã gây ra phản ứng dây chuyền đối với các đồng tiền yếu, làm thị trường chứng khoán tuột dốc và nợ tư nhân tăng chóng mặt ở khắp các nền kinh tế Đông Nam Á và Hàn Quốc, đẩy phần lớn các nền kinh tế chìm sâu vào suy thoái.

Credit Suisse Research tin rằng tác động từ Ấn Độ và Indonesia tới các nền kinh tế Đông Bắc Á là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng sẽ rất hạn chế. Trong khi xuất khẩu sang Hiệp hội ASEAN và Ấn Độ chiếm khoảng 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, phần lớn hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc là các mặt hàng thiết yếu vốn ít nhạy cảm  với sự đi xuống theo chu kỳ.

Tác động có thể chỉ  là các công ty bất động sản của Trung Quốc vay nợ nước ngoài bằng đồng USD trong những năm gần  đây để tận dụng chi phí vay vốn giá rẻ. Liệu tâm lý thị trường nợ nước ngoài có  thay đổi do làn sóng bán tháo đang diễn ra tại các nền kinh tế đang nổi châu Á, tái cấp vốn có thể trở nên khó giải quyết hơn.

Credit Suisse Research cũng lạc quan về  tình hình Hàn Quốc. So với 16 năm về trước cân bằng tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đã chuyển từ  thâm hụt 1,6% GDP trong năm 1997 sang thành thặng dư 5,1% GDP hiện nay. Dự trữ ngoại hối cũng tăng mạnh lên 28,5% GDP hiện nay từ mức chỉ có 4% GDP vào năm 1997.

Phát biểu tại hội nghị các thống đốc ngân hàng trung ương do FED tổ chức tại Jackson Hole, Wyoming (Mỹ) cuối tuần qua, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới không nên rút các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế quá sớm.

Bà Lagarde cho rằng việc các nền kinh tế phát triển dừng chính sách nới lỏng tiền tệ  sẽ làm chậm đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Bà chỉ ra rằng chính sách bơm tiền ở các nền kinh tế phát triển đã thổi phồng giá tài sản và làm tăng dòng chảy vốn vào các nền kinh tế mới nổi nên khi dòng tiền này bị rút ra sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng và các nước đối phó bằng việc phát triển các công cụ kiểm soát dòng tín dụng.

Dù cho làn sóng thoái vốn đã phần nào chững lại, nhưng các thị trường đang nổi vẫn đối mặt nhiều thách thức và phải nhanh chóng có giải pháp trước mắt để sớm bình ổn tình hình. Còn về lâu dài, các nền kinh tế này sẽ phải thúc đẩy kế hoạch cải cách và hoạch định chính sách tài chính - tiền tệ phù hợp để có thể bắt kịp những nước phát triển.