Các nước sử dụng công cụ thuế để tránh tình trạng đầu cơ bất động sản như thế nào?

Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính

Nhìn chung, thị trường bất động sản càng phát triển nhanh, mạnh thì sẽ càng dễ xảy ra tình trạng đầu cơ bất động sản. Để hạn chế tình trạng này, ngoài áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch đô thị, một số quốc gia còn sử dụng công cụ chính sách thuế đối với bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đánh thuế cao ngăn ngừa đầu cơ

Chính sách thuế đánh vào bất động sản tại các nước nhằm điều tiết thu nhập từ việc sở hữu, sử dụng, chuyển nhượng bất động sản vào ngân sách nhà nước và gián tiếp điều chỉnh hành vi đầu cơ bất động sản.

Một số nước đánh thuế cao đối với đất bỏ không, chưa đưa vào sử dụng như ở Đài Loan, Campuchia (chỉ áp dụng thuế bất động sản ở Phnom Penh và một số thành phố), Philippines, Thái Lan, Lào…

Thái Lan áp dụng thuế suất cao gấp 2 lần đối với đất bỏ không so với đất cùng loại. Ở Campuchia, thuế bất động sản được thu hàng năm dựa trên 0,1% giá trị của bất động sản sau khi đã khấu trừ 100 triệu riel. Tuy nhiên, đất xây dựng nhưng bỏ không và đất không xây dựng tại quốc gia này chịu thuế suất thuế đất chưa sử dụng (Unused Land tax) ở mức 2% giá thị trường của đất trên mỗi đơn vị diện tích (được xác định bởi Ủy ban định giá đất chưa sử dụng).

Philippines cũng áp dụng một sắc thuế riêng - Thuế đất bỏ không (Idle Land Tax) thu hàng năm với thuế suất không vượt quá 5% giá trị định giá của đất đối với đất chưa đưa vào sử dụng.

Việc đánh thuế đối với tài sản, trong đó có đất và nhà, tài sản gắn liền với đất ở các nước nhằm giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, ngăn chặn những cơn sóng đầu cơ. Việc đánh thuế tài sản một phần để tạo nguồn thu ngân sách ổn định nhưng điều quan trọng hơn là chính sách thuế có thể góp phần điều chỉnh được thị trường bất động sản hoạt động minh bạch, phát triển bền vững và điều chỉnh quá trình phát triển đô thị.

Đánh thuế cao đối với bất động sản thứ 2

Việc đánh thuế đối với bất động sản thứ hai cũng được một số quốc gia thực hiện. Hiện nay, đối với bất động sản thứ hai, Pháp áp dụng mức thuế suất thu thêm 20%. Tại Anh đã áp dụng mức thuế suất thuế trước bạ (Stamp Duty Land Tax) đối với giá trị giao dịch của bất động sản mua thêm (sở hữu mới) cao hơn mức thuế suất đối với bất động sản sở hữu đầu tiên là 3%.

Mức tăng thuế suất thuế trước bạ đối với bất động sản ở Anh

Giá trị giao dịch

(bảng Anh)

Mức thuế trước bạ của bất động sản đang sở hữu

Mức thuế trước bạ của bất động sản sở hữu mới

0-125 nghìn

0%

3%

125-250 nghìn

2%

5%

250-925 nghìn

5%

8%

925 nghìn – 1,5 triệu

10%

13%

Từ 1,5 triệu trở lên

12%

15%

Nguồn: Bộ Tài chính Anh

Ví dụ về cách tính thuế đối với việc sở hữu bất động sản mới ở Anh như sau:

- Đối với một bất động sản mua thêm có giá trị là 200.000 bảng Anh (£) thì mức đóng thuế được tính như sau: 3% tính trên giá trị giao dịch đầu tiên là 125.000 bảng Anh: 3% x 125.000£= 3.750£; 5% tính trên giá trị còn lại là 75.000£: 5% x 75.000£ = 3.750£.

Như vậy tổng số thuế chủ sở hữu phải nộp là 3.750£ + 3.750£ = 7.500 £

- Đối với một bất động sản mua thêm có giá trị là 100.000 £ thì mức thuế suất được áp dụng là 3%, tức số thuế phải nộp là 3% x 100.000£ = 3.000£.