"Cái chết" của bất động sản mini

Theo cafef.vn

(Tài chính) Từng có một thời những dự án chung cư mini, khu du lịch sinh thái mini được rầm rộ khởi công xây dựng nhưng hiện tại đây lại là cục nợ khó giải trên thị trường bất động sản (BĐS).

"Cái chết" của bất động sản mini
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chung cư mini tự phát và tự sát

Thị trường chung cư mini vốn được coi là phân khúc khá màu mỡ trên thị trường bất động sản khi chủ đầu tư đánh đúng vào nhu cầu mua nhà ở của người dân có thu nhập trung bình khi đáp ứng được các yêu cầu diện tích nhỏ, vị trí trung tâm, giá tiền vừa tầm.

Đặc biệt, sau khi Nghị định 71 quy định cơ quan quản lý sẽ cấp sổ hồng cho tất cả các căn hộ chung cư mini được xây dựng hợp pháp, lại càng khiến cho phân khúc này “sốt hầm hập”.

Vào thời điểm trước năm 2011 nhiều nhà đầu tư đổ xô xây dựng chung cư. Lúc đó, giá vật liệu, nhân công rẻ, dự án chưa xây dựng xong đã có đơn xin mua, hoặc những căn hộ của dự án chung cư mini nào được rao bán thì chỉ trong “nháy mắt” đã bán hết ngay. Vì vậy nhà đầu tư kiếm bội tiền.

Khi đó, mặc dù diện tích căn hộ chỉ khoảng 45-55m2 nhưng chung cư mini đều được bán với giá từ 800 triệu đồng  –  1 tỷ đồng. Và chỉ sau một thời gian ngắn, giá mỗi căn hộ đã tăng hơn 200-300 triệu đồng do khách hỏi mua chung cư mini vẫn tăng lên từng ngày, thêm nữa căn hộ mini có giá “mềm” hơn các dự án chung cư khác, có tiến độ đảm bảo, lại ở khu vực trung tâm. Vì vậy, vô hình chung, giá chung cư mini đã bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực của nó.

Lợi thế của chung cư mini là vậy nhưng cùng với sự đi xuống của thị trường, giá nhà ở thương mại giảm dần, từ 20 – 25 triệu/m2 giảm xuống 12 – 15 triệu/m2, thậm chí cá biệt có dự án giảm xuống tới 10 triệu/m2. Chung cư mini mất dần lợi thế.

Những “khuyết điểm” vốn dĩ gắn liền với loại hình nhà ở này như vấn đề pháp lý, chất lượng công trình, an toàn cháy nổ… nếu như trước đây được người tiêu dùng “nhắm mắt bỏ qua” thì này là "tử huyệt". Hàng loạt dự án chung cư mini vào trạng thái tê liệt, nhiều chủ đầu tư hiện nay đang phải nếm “trái đắng" khi khách hàng "quay lưng".

Vỡ mộng khu du lịch sinh thái mini

Khoảng 4-6 năm trước, người ta đua nhau mua đất để xây dựng mô hình kinh doanh khu sinh thái mini ở khu vực ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Ba Vì.... Thời điểm đó, nền kinh tế tăng trưởng nóng, loại hình khu du lịch sinh thái mini còn mới nên công việc làm ăn khá suôn sẻ. Tuy nhiên, khoảng 1-2 năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, số lượng khách giảm đáng kể khiến nhiều khu du lịch đi đến nguy cơ đóng cửa.

Hiện nay, trên nhiều trang rao vặt dễ dàng tìm thông tin của hàng loạt những khu du lịch sinh thái mini đang tìm khách chuyển nhượng với giá cắt lỗ lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo lời một chủ đầu tư đang rao bán khu du lịch sinh thái tại Ba Vì thì hiện tại lượng khách đến nghỉ ngơi vào ngày cuối tuần cũng rất lèo tèo, muốn có khách phải bỏ một lượng lớn tiền đầu tư, "thời buổi này, càng làm càng chết"... Vì vậy chủ đầu tư muốn sớm chuyển nhượng để rút vốn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến loại hình BĐS sinh thái mini nhanh chóng "chết yểu" là do khi bất động sản phát triển nóng, nhiều người ảo tưởng rằng sức nóng này sẽ nhanh chóng lan rộng ra cả các huyện ngoại thành Hà Nội, Hoà Bình nên đổ xô vào ôm đất lập dự án. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư lập dự án bất động sản kết hợp du lịch sinh thái mà không hiểu sâu về du lịch nên dễ dãi trong chọn địa điểm, phân tích đầu tư, tài chính và vì vậy thất bại là khó tránh khỏi.