Cần có chính sách ưu tiên nhà ở xã hội tại các thành phố lớn

Thanh Sơn

Nhà nước cần có chính sách phát triển nhà ở xã hội lâu dài ổn định, đồng thời cần công khai, minh bạch nguồn vốn bố trí cho các dự án này.

Dự án HQC Plaza đang hoàn thiện để bàn giao. Nguồn: Financeplus.vn
Dự án HQC Plaza đang hoàn thiện để bàn giao. Nguồn: Financeplus.vn

Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định và không có nhiều biến động bất thường. Tuy nhiên, hiện nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nguồn cung nhà bình dân, trong khi đó đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà giá trung bình, diện tích trung bình và nhỏ.

Đặc biệt tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, những dự án có giá từ 1 tỷ đồng trở xuống đang khan hiếm, trong khi thị trường có khả năng dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp, còn nhu cầu về nhà ở xã hội cho người dân tại TP. Hồ Chí Minh là rất lớn.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp như Công ty địa ốc Hoàng Quân đã tiên phong phát triển nhà ở xã hội.Đã có dự án được triển khai thành công là HQC Plaza và HQC Hóc Môn, công ty Hoàng Quân còn mở rộng đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội khác như: Dự án nhà ở xã hội Hồ Học Lãm, Quận Tân Phú, dự án An Phú Tây (Bình Chánh), Bình Trưng Đông (Quận 2), góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng tăng của người dân.

Tuy nhiên, ông Trương Đức Hiếu – Phó Tổng Giám đốc Địa ốc Hoàng Quân cho biết: "Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiêp xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn, các quy định của pháp luật, quy trình chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở thời gian xử lý hồ sơ mất khá nhiều thời gian, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư các dự án phát triển nhà ở xã hội".

Trong khi đó, người dân phải vượt qua rất nhiều thủ tục, mới đến được quá trình xét duyệt. Gói 30.000 tỷ đồng được kỳ vọng như “chiếc phao cứu sinh” cho người thu nhập thấp nhưng dân chưa kịp mừng thì đã "mướt mồ hôi" với thủ tục xin vay. Trên thực tế, không ít người đã phải từ bỏ giấc mơ nhà ở xã hội vì những vướng mắc trong thủ tục xét duyệt.

Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chương trình vay theo gói 30.000 tỷ đồng được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Đến nay, thị trường đã hồi phục, Nhà nước vẫn có chính sách phát triển nhà ở xã hội (nhà ở xã hội) lâu dài được quy định trong Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Theo đó, Nhà nước sẽ có nhiệm vụ tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.

Về nguồn vốn bố trí để xây dựng nhà ở xã hội, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, đối với loại nhà ở xã hội xây xong rồi bán thu tiền ngay thì nên hoàn thiện cơ chế chính sách riêng để mời gọi các doanh nghiệp, các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia theo phương thức xã hội hóa.

Bên cạnh đó, do nguồn ngân sách có hạn, ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư cho 2 chương trình nhà ở xã hội là nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội thuê mua (bán trả góp dài hạn). Nhà nước cần cung cấp nguồn vốn tín dụng dài hạn, ổn định và cần có cơ quan điều phối cấp quốc gia để quản lý và thực hiện hiệu quả chương trình nhà ở xã hội.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội - đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng với nhà ở xã hội đã có văn bản hướng dẫn người dân vay với lãi suất ưu đãi 4,8%. Theo đó, ngân hàng này quy định người vay phải gửi tiết kiệm tại ngân hàng, thời gian tối thiểu là 12 tháng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.

Theo các chuyên gia bất động sản, ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần xây dựng chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội để tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.