Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính đất đai

Theo Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế trong điều kiện CNH, HĐH; các công trình đô thị, dân cư phát triển với quy mô và tốc độ ngày càng lớn. Luật Đất đai 2003 ra đời đánh dấu bước phát triển quan trọng trong chính sách tài chính đất đai bằng hàng loạt các quy định đổi mới mang tính tiến bộ, phù hợp với cơ chế thị trường. Bên cạnh chính sách thu NSNN đối với đất đai, Nhà nước đã ban hành chính sách khai thác nguồn tài chính từ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển các công cụ kinh tế để thực hiện chính sách này.

Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính đất đai

Kết quả đạt được

Từng bước hình thành và không ngừng hoàn thiện khung pháp lý về tài chính đất đai phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, giải quyết quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường gắn với hiệu quả, khả thi trên các mặt: cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết hợp lý về lợi ích giữa nhà nước với người sử dụng đất; miễn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp được Nhà nước khuyến khích; thực hiện chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội của Đảng và Nhà nước; khai thác nguồn lực đất đai để biến nguồn lực tiềm năng thành nguồn lực tài chính, nguồn vốn cho đầu tư phát triển và nguồn thu ổn định cho NSNN.

 Tiếp tục thực hiện cơ chế thị trường trong quản lý tài chính đối với đất đai; góp phần khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và chuyển dần việc quản lý từ biện pháp hành chính sang biện pháp kinh tế kết hợp với biện pháp hành chính. Việc xác định giá đất theo giá thị trường đã cụ thể hoá chủ trương đổi mới công tác quản lý đất đai nhằm khai thác nguồn vốn cho CNH, HĐH đất nước, từng bước xoá bỏ cơ chế bao cấp trong lĩnh vực đất đai, góp phần quản lý đất đai bằng biện pháp kinh tế, tạo điều kiện cho thị trường chuyển quyền sử dụng đất hoạt động, thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội và vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở đô thị cũng như nông thôn.

 Thông qua cơ chế xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã khuyến khích, định hướng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Bằng các đòn bẩy kinh tế như cho phép bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và sử dụng tiền sử dụng đất đề đầu tư hiện đại hoá công sở, mở rộng, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh; bằng các biện pháp hành chính như thu hồi đối với đất sử dụng sai mục đích, để trống để thu lại quỹ đất đang khai thác không hiệu quả sử dụng cho mục đích công cộng và cho các đơn vị khác có nhu cầu và sử dụng hiệu quả hơn.

Thông qua cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất đã từng bước hạn chế được bất cập trong việc giao đất; bảo đảm công khai và minh bạch. Sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài chính đất đai với chính sách đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đã giải quyết những vướng mắc về lợi ích giữa nhà nước với nhà đầu tư; ổn định chi phí về đất đối với doanh nghiệp.

Cần tiếp tục hoàn thiện

Tuy nhiên, do đất đai có nguồn gốc lịch sử rất phức tạp, liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị nên quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường mặc dù hành lang pháp lý không ngừng được hoàn thiện song vẫn còn những tồn tại, bất cập cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Đặc biệt là vấn đề giá đất để thực hiện các chính sách tài chính về đất đai: Giá đất năm sau thường biến động tăng hơn năm trước, trong khi công tác giải phóng mặt bằng thường kéo dài dẫn đến giá đất để tính thu tiền sử dụng đất và giá bồi thường, hỗ trợ về đất được duyệt làm căn cứ để khấu trừ tiền đền bù hỗ trợ về đất vào tiền sử dụng đất phải nộp không cân bằng; Đơn giá thuê đất (tỷ lệ % giá đất) còn thấp so với mức thu tiền sử dụng đất dẫn đến hạn chế nguồn thu và không khuyến khích sử dụng đất có hiệu quả; không công bằng về nghĩa vụ tài chính.

Việc xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng do chưa có quy trình chuẩn về trình tự, thủ tục bàn giao đất thực tế (nhất là đối với đất chưa được giải phóng mặt bằng); về quy trình xác định giá đất thị trường; về thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất đối với đất đang sử dụng, đất chuyển mục đích sử dụng đất.

Chính sách về ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật về khuyến khích đầu tư; cho đối tượng chính sách cũng còn bất cập, như chưa có chính sách ưu đãi trong trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong trường hợp đã được ưu đãi nhưng chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác cũng thuộc diện được ưu đãi đầu tư ...