“Chìa khóa” của lãi suất ?

Theo Hải Lý (TBKTSG)

Dù NHNN đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra lãi suất từ ngày 11/1/2010, các ngân hàng vẫn đang thu phí cho vay 4-6%/năm. Đang có những đề nghị yêu cầu NHNN tăng hơn nữa khối lượng giao dịch hàng ngày của thị trường mở, không phải chỉ 15.000 tỉ đồng, mà có thể lên tới 30.000 tỉ đồng/ngày.

Vì sao lại có sự hoạt động tiền tệ trái quy định như vậy?

Nếu NHNN chấp nhận cho thu phí thì phải bỏ trần lãi suất cơ bản, còn nếu để trần lãi suất, phải xử lý dứt điểm việc thu phí nhằm lập lại kỷ cương trong hoạt động tín dụng.

“Ngay thẳng” thì thiệt

Có một thực tế là tiền huy động của những ngân hàng chấp hành đúng quy định trần lãi suất của NHNN đang chảy sang những ngân hàng “xé rào” lãi suất.

Đại diện một ngân hàng quốc doanh cho biết: “Các khoản tiền gửi đến hạn hầu hết đều ra đi mà không tái tục kỳ hạn mới. Khách hàng yêu cầu nâng lãi suất, nhưng chúng tôi không thể làm như các tổ chức tín dụng cổ phần. Thật không công bằng” - và ông kiến nghị - “Hoặc tất cả phải cùng được phá rào lãi suất, hoặc cùng chịu chung một quy định. Không thể anh làm anh không. Không thể để những ai ngay thẳng phải chịu thiệt”.

Hiện tượng nhân viên các ngân hàng gọi điện đến các khách hàng có khoản tiền gửi từ 10 tỉ đồng trở lên để thỏa thuận lãi suất ngày càng phổ biến. Kỳ hạn một tháng cho khoản gửi 10 tỉ đồng được chào mời lãi suất 12,3-12,5%/năm. Đầu vào huy động ở mức này, thì chắc chắn không ngân hàng nào thực sự cho vay 12%/năm.

Trên hợp đồng tín dụng, lãi suất vay bao giờ cũng là 12%/năm, nhưng đi kèm theo nó là muôn hình vạn trạng các loại phí, như phí quản lý tài sản thế chấp, phí giải ngân, phí thẩm định dự án, thậm chí cả phí theo dõi tiến độ sử dụng vốn hoặc phí quản lý hộ tiền trong trường hợp người vay gửi lại một tỷ lệ nhất định của khoản vay cho ngân hàng giữ hộ…

Người vay chấp nhận trả các khoản phí đó vì họ cần vốn và họ không có cửa để vay đúng lãi suất quy định. Hơn nữa, “cả làng trả phí chứ đâu phải mình tôi”!

Vì sao các ngân hàng phải thu phí? Vì giá thành huy động đầu vào cao nên đầu ra phải cao hơn. Không tìm cách trả thêm cho người gửi tiền, thì họ không gửi. Ngân hàng không huy động được vốn, lấy gì cho vay? Cầu cao mà cung thấp, giá thành đồng vốn phải chạy lên. Quy luật bất thành văn đó đang chi phối toàn bộ thị trường tín dụng.

Những cảnh báo từ lãi suất liên ngân hàng

Theo thông cáo báo chí của NHNN đăng tải trên website, tuần qua lãi suất tiền đồng liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm xuống 9%/năm, kỳ hạn 1-2 tuần giảm còn khoảng 11%/năm, trong khi lãi suất cho vay ngoại tệ tăng thêm chừng 0,5%/năm tùy kỳ hạn. Có ba lý do giải thích cho sự giảm đó.

Thứ nhất là vì không vay được tiền đồng, một số doanh nghiệp chuyển sang vay ngoại tệ ngắn hạn với hy vọng trong thời gian vay tỷ giá hối đoái ổn định. Do đó lãi suất vay đô la Mỹ tăng lên, nhưng chỉ tăng chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.

Thứ hai, một số ngân hàng ngừng cho khách hàng vay kể từ khi NHNN tiến hành thanh tra lãi suất. Thay vào đó họ tăng cường cho vay trên thị trường liên ngân hàng, tạo thêm nguồn cung cho khu vực này. Thứ ba, NHNN đã tăng gấp đôi lượng vốn “bơm” ra thị trường thông qua kênh thị trường mở.

Đang có những đề nghị từ phía một số bộ, ngành liên quan yêu cầu NHNN tăng hơn nữa khối lượng giao dịch hàng ngày của thị trường mở, không phải chỉ 15.000 tỉ đồng, mà có thể lên tới 30.000 tỉ đồng/ngày. Tiền đưa ra nhanh và hút vào nhanh sẽ giúp cải thiện mạnh hơn thanh khoản các ngân hàng.

Tuy nhiên việc ngân hàng giảm hoặc ngưng cho khách hàng vay, tập trung kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng chẳng khác nào đóng thêm một van tín dụng, đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó khăn.
 

Doanh nghiệp bắt buộc phải chọn hoặc không vay được, hoặc vay với mức phí cao. Ở thời điểm cuối năm thì nhiều công ty chọn phương án thà vay với chi phí cao còn hơn không có tiền.

Mặt khác, việc nâng doanh số giao dịch của thị trường mở cũng chỉ giải quyết được thanh khoản cho các ngân hàng trước mắt, có tính tạm thời, giật gấu vá vai. Để thanh khoản của tổ chức tín dụng ổn định lâu dài, NHNN phải tháo gỡ cả vấn đề kỳ hạn, như nâng kỳ hạn giao dịch trên thị trường mở lên 1-2 tháng, thậm chí 3-6 tháng nếu cần, chứ không phải duy nhất một kỳ hạn là bảy ngày, hoặc tối đa là 14 ngày như hiện nay.

“Chìa khóa” nào mở cửa lãi suất?

Điểm gút của lãi suất đang nằm ở đâu? Trả lời câu hỏi này là lời giải cho kênh cung ứng tiền. Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tích: “Tiến độ tăng trưởng cung tiền năm ngoái khoảng 27%, thấp hơn năm 2006 và cao hơn không nhiều so với các năm 2002-2003. Năm 2006 tốc độ tăng cung tiền trên 31%”.

Tăng trưởng tín dụng năm 2009, theo NHNN, là 37,73%. Như vậy mức chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 10%.Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của cung tiền năm 2009 dường như đã bị lấy bớt đi tác dụng đối với nền kinh tế thông qua việc NHNN bán ra ngoại tệ, can thiệp vào thị trường ngoại hối, hút bớt tiền đồng về.

Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm từ 23 tỉ USD vào cuối năm 2008 xuống khoảng 17 tỉ USD vào tháng 6/2009.
 

Khoảng 6 tỉ USD đã được NHNN bán ra và một lượng tiền đồng tương đương, nếu tính theo tỷ giá 17.500 đồng/USD, 105.000 tỉ đồng đã được rút về. Chưa kể sau ngày điều chỉnh tỷ giá mới đây 25/11/2009, NHNN tiếp tục bán ra ngoại tệ để ổn định cung cầu.

Gần đây nhất, NHNN thống kê số tiền gửi ngoại tệ mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán cho ngân hàng là 1,9 tỉ USD. Nếu các doanh nghiệp bán hết số ngoại tệ trên cho ngân hàng và ngân hàng bán lại cho NHNN, thì số tiền đồng tương đương đưa ra có thể là 34.000 tỉ đồng. Đây là một khối lượng đáng kể cải thiện cung tiền đồng.
 

Thế nhưng cho đến giờ vẫn chưa có số liệu chính thức các ngân hàng đã mua được bao nhiêu ngoại tệ từ số 1,9 tỉ USD. Tập đoàn Dầu khí cho biết đã bán cho ngân hàng vài trăm triệu USD, tập đoàn Than và Khoáng sản bán 20 triệu USD. Những con số đó quá nhỏ so với lượng họ phải bán.

Kiềm chế lạm phát ở mức một con số là lý do chính buộc NHNN kiểm soát chặt tăng trưởng cung tiền đồng. Nhưng sự kiểm soát cung tiền và điều hành tỷ giá có vẻ như chưa ăn khớp và linh hoạt với nhau. Về dài hạn, nếu nguồn cung tiền đồng của các tổ chức tín dụng không tăng lên, thì việc cho vay sẽ còn “ăn đong” và lãi suất khó mà không vượt rào quy định.

“Chìa khóa” mở cửa lãi suất đang nằm ở khâu tăng trưởng cung tiền. NHNN có sử dụng chìa khóa đó không và sử dụng đến mức nào để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm nay? Nhìn từ khía cạnh đó, việc phá trần lãi suất và thu phí cho vay của ngân hàng đang trở thành kết quả của chính sách tiền tệ!