Chiến lược đầu tư chứng khoán tháng 3: Yếu tố vĩ mô tiếp tục chi phối

Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Khối phân tích - đầu tư, CTCP Chứng khoán SME (Theo ĐTCK)

Dự báo thị trường chứng khoán tháng 3 không thực sự lạc quan, nhưng có thể sẽ biến động mạnh hơn so với tháng 2. Sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô vẫn là nhân tố mấu chốt quyết định xu hướng thị trường và tâm lý nhà đầu tư (NĐT). Bất kỳ quyết định nào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều có khả năng thay đổi niềm tin của NĐT trên thị trường.

Tin tức từ phía các DN niêm yết vẫn đóng vai trò thứ yếu trong quyết định giải ngân của NĐT. Sau đây là nhận định thị trường tháng 3 của chúng tôi dựa trên ba hướng tiếp cận chính: phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích tâm lý NĐT.

Phân tích cơ bản

Thông tin về các yếu tố vĩ mô sẽ tiếp tục chi phối thị trường tháng 3. Luồng thông tin chủ đạo nhiều khả năng vẫn là các thông tin kém lạc quan. CPI tháng 2 được công bố ở mức 1,96%, thấp hơn mức dự báo 2,4%, nhưng không được các NĐT đón nhận tích cực, vì chỉ số này chưa tính đến 9 ngày nghỉ Tết. Đồng thời, NĐT e ngại khả năng CPI tháng 3 sẽ cao nhất trong một vài năm trở lại đây do (i) ảnh hưởng của mặt bằng giá cả điều chỉnh sau kỳ nghỉ lễ; (ii) giá xăng dầu tăng cuối tháng 2; và (iii) giá điện tăng 6,8% từ ngày 1/3/2010.

Chiến lược đầu tư chứng khoán tháng 3: 
Yếu tố vĩ mô tiếp tục chi phối   - Ảnh 1

Đúng như giới phân tích nhận định, ngày 26/2/2010, NHNN đã mạnh tay gián tiếp bỏ quy định trần lãi suất với Thông tư 07/2010, cho phép thỏa thuận trực tiếp giữa DN và ngân hàng đối với các khoản cho vay trung và dài hạn. Chúng tôi nhận định, cũng giống như quyết định điều chỉnh tỷ giá giữa tháng 2, quyết định này chỉ mang tính chất tâm lý và công nhận thực tế thị trường, vì hiện nay đa số DN vẫn đang phải vay với lãi suất cao hơn nhiều so với trần lãi suất quy định do các khoản phụ phí phát sinh. Mặc dù có nhiều lo ngại về sức ép về lãi vay đối với DN, điểm mấu chốt, tích cực của quyết định này là tạo nên cân bằng cung - cầu trên thị trường vốn, do đó nếu kiểm soát tốt sẽ có lợi cho thị trường trong dài hạn.

Với tình hình kể trên, hướng xử lý của NHNN ít có khả năng ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của DN và cung tiền trong ngắn hạn. Việc DN công bố thông tin tình hình sản xuất - kinh doanh năm 2009 và các kế hoạch năm 2010 dường như vẫn chưa ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư. Nguyên nhân là do luồng thông tin vĩ mô và tâm lý NĐT đang lấn át các thông tin ở phạm vi DN. Do đó, theo chúng tôi, khó có khả năng xảy ra quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư lớn trong tháng 3, đặc biệt từ phía các NĐT cá nhân, nên khả năng hỗ trợ thanh khoản thị trường từ động thái này tương đối hạn chế. Tuy nhiên, sau khi các yếu tố vĩ mô bình ổn, thị trường có thể sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện đúng tiềm năng của các DN. Đối với NĐT dài hạn và lạc quan về thị trường năm 2010, đây là thời điểm tốt để thực hiện việc giải ngân và phân bổ lại danh mục đầu tư của mình - chuyển sang các nhóm ngành và cổ phiếu có tiềm năng và hấp dẫn hơn.

 

 

Đồ thị VN-Index và HNX-Index từ tháng 3/2008 đến tháng 2/2010

Chiến lược đầu tư chứng khoán tháng 3: 
Yếu tố vĩ mô tiếp tục chi phối   - Ảnh 2
Chiến lược đầu tư chứng khoán tháng 3: 
Yếu tố vĩ mô tiếp tục chi phối   - Ảnh 3

Cùng với nhận định trên, chúng tôi dự báo khả năng nới lỏng tín dụng ngay trong tháng 3 là không cao, đồng nghĩa với dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư không thay đổi nhiều so với hai tháng đầu năm. Điều đáng chú ý là ngay cả trong tháng 1 và tháng 2 khi tín dụng bị siết chặt, nhiều CTCK vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng cho phép nhằm hỗ trợ NĐT sử dụng đòn bẩy. Khách hàng cá nhân vẫn giữ lượng tiền mặt khá lớn trong tài khoản, có khi tới 50 - 70%. Động thái này chứng tỏ thanh khoản thấp không phải hoàn toàn do NĐT thiếu vốn, mà từ tâm lý NĐT chưa mạnh dạn giải ngân khi xu hướng thị trường và những yếu tố vĩ mô chưa rõ ràng. Diễn biến của các phiên giao dịch sau Tết có thể sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 3 với mức thanh khoản thấp cho tới khi dòng thông tin thực sự được định hình.

Nhìn ở góc độ tương quan với các thị trường tài chính khác trong khu vực, xét về chỉ số P/E, đến cuối năm 2009, Việt Nam chỉ thấp hơn Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu loại bỏ 5 mã cổ phiếu có chỉ số P/E cao là VCB, ACB, STB, BVH, và VIC trong top 10 công ty có giá trị lớn nhất, thì P/E năm 2009 của thị trường nằm trong khoảng 13 - 15x, tức là tương đương mức trung bình của khu vực. Trong 2 tháng đầu năm, VN-Index cũng giảm khoảng hơn 4%, tương đương với mức giảm trung bình của các chỉ số khác. Sự tăng giảm của VN-Index trong từng phiên giao dịch thời gian qua nhìn chung không có mối quan hệ chặt chẽ nào với các chỉ số toàn cầu.

Như vậy, với những khó khăn về kinh tế vĩ mô năm 2008 - 2009 và dự báo sẽ tiếp tục trong 2010, giá trị của thị trường Việt Nam đang dần trở về với mặt bằng chung của khu vực. Chúng tôi nhận định, trong ngắn hạn nguồn vốn từ NĐT nước ngoài đổ vào TTCK trong nước sẽ khó có đột biến và thị trường sẽ tiếp tục bám sát đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Nếu NĐT tin tưởng vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong năm 2010 và phân tích cơ bản, đây có thể là thời điểm tốt để bắt đầu giải ngân vào những mã cổ phiếu tốt, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, bán lẻ, du lịch và hàng tiêu dùng.

Phân tích kỹ thuật (PTKT)

Qua nghiên cứu các công cụ PTKT khác nhau (bao gồm các sản phẩm tiêu chuẩn và các sản phẩm được phát triển riêng), chúng tôi nhận thấy kết quả dự báo của PTKT để giao dịch ngắn hạn trong tháng 1 và 2 tương đối thiếu chính xác. Lý do chính là thanh khoản của thị trường thấp và xu hướng giao dịch không rõ ràng, cầm chừng. Do đó, NĐT dựa hoàn toàn vào PTKT trong tháng 3, nếu tình hình thị trường chưa được cải thiện, sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.  Trong 2 tháng đầu năm, ngưỡng hỗ trợ - kháng cự 480 - 520 điểm khá bền vững và có khả năng tiếp tục được duy trì trong tháng 3, cho tới khi có luồng thông tin đủ mạnh để hỗ trợ tâm lý NĐT. Thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện mạnh nếu phá vỡ 2 ngưỡng trên.

Xét về dài hạn (6 - 9 tháng), nhiều kết quả PTKT đều có chung nhận định về khả năng phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, sử dụng các kết quả PTKT dài hạn thường có rủi ro cao. Phân tích mối tương quan giữa chỉ số Index và khối lượng giao dịch trong 2 năm gần đây cho thấy, thời kỳ thị trường giằng co trong mức thanh khoản thấp thường là tín hiệu cho chu kỳ phục hồi trong tương lai không xa.

Có thể nhận thấy khối lượng giao dịch của VN-Index hiện nay đang tương đương, thậm chí thấp hơn tháng 7 và đầu tháng 12/2009, theo sau đó là chu kỳ tăng điểm và thanh khoản tương đối mạnh. Do đó, tháng 3 có thể là thời gian ổn định ở mức đáy của thị trường, chuẩn bị cho chu kỳ hồi phục trong quý II và quý III.

Phân tích dựa trên tâm lý NĐT

Ngay từ hai hướng tiếp cận trên, tâm lý NĐT đã ít nhiều được nhắc đến. Tâm lý NĐT hiện nay đang chịu ảnh hưởng của các nhân tố sau:

Thứ nhất, tâm lý NĐT toàn cầu vẫn đang dao động mạnh; các chỉ số tăng giảm thất thường, mang tính chất khu vực và vẫn chưa xác lập được xu thế. Các thông tin tốt, xấu lẫn lộn, tạo tâm lý dè chừng cho các quyết định giải ngân với quy mô lớn. Nhìn chung, các chỉ số chính đều giảm kể từ đầu năm 2010. Chúng tôi nhận định thị trường Việt Nam tháng 3 sẽ tiếp tục bị chi phối một phần từ tâm lý của NĐT toàn cầu.

Thứ hai, ở trong nước, các động thái của NHNN vẫn chưa rõ ràng, chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, chẳng hạn như quyết định điều chỉnh tỷ giá ngay trước Tết. Nhiều tin đồn về lãi suất, chính sách tiền tệ và các kịch bản kinh tế đối ngược trong năm 2010 đồng nghĩa với những rủi ro tiềm ẩn lớn cho NĐT. Tình trạng này có thể tiếp tục duy trì trong tháng 3.

Thứ ba, thanh khoản thị trường thấp, không phải là điều kiện cho nhóm NĐT lướt sóng. NĐT đang giữ lượng tiền mặt lớn chưa mạnh dạn giải ngân vì nếu thị trường xấu đi, việc cắt lỗ sẽ gặp khó khăn. Đồng thời, nếu thị trường chưa bứt phá, lợi nhuận và mức độ rủi ro khi gửi tiền trong ngân hàng ngắn hạn đều khả quan hơn.

Đúng là thị trường đang diễn ra hết sức trầm lặng, trong khi các cách tiếp cận thị trường khác nhau không đưa ra được những nhận định thống nhất. Khi NĐT bị chi phối bởi tâm lý do các yếu tố vĩ mô, thị trường có khả năng biến động rất nhanh. Chúng tôi khuyến cáo NĐT dần dần mua vào trong tháng 3 tại vùng giá hấp dẫn (480 điểm) hướng tới sự hồi phục của thị trường trong trung hạn, hạn chế các hoạt động mua - bán ngắn hạn, đồng thời theo dõi chặt chẽ những diễn biến của nền kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là các chính sách tiền tệ.