“Chính sách tạo niềm tin, kích thích thị trường”

Thu Huyền

(Tài chính) Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Reenco Sông Hồng trong cuộc trao đổi với phóng viên FinancePlus.vn ngày 07/02/2013.

“Chính sách tạo niềm tin, kích thích thị trường” - Ảnh 1
Ông Nguyễn Thế Điệp,
Chủ tịch HĐQT Reenco Sông Hồng
Ông Điệp cho biết, năm 2012 tình trạng thị trường bất động sản (BĐS) “đóng băng” với lượng hàng tồn kho quá lớn và tỷ lệ giao dịch thành công trên thị trường ở mức rất thấp, là do người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường, cộng với tâm lý của khách hàng chờ giá bán giảm tiếp. Tuy nhiên, vừa qua, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt  giải cứu thị trường BĐS đã được đưa ra, đặc biệt là Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Cùng với hàng loạt các giải pháp đồng bộ, quyết liệt được đưa ra để giải cứu thị trường BĐS trong thời gian vừa qua, như: Nghị quyết số 02/NQ-CP, Bộ Xây dựng họp bàn với doanh nghiệp, nhà đầu tư… đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường, nhất là lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng và nhà đầu tư. Ông đánh giá thế nào về những giải pháp này?


Tôi cho rằng, các giải pháp mà các bộ, ngành đưa ra để giải cứu thị trường BĐS cần phải được triển khai quyết liệt, đưa các chủ trương, chính sách đó vào thực tế càng sớm càng tốt nhằm tạo thanh khoản cho thị trường ngay trong nửa đầu năm 2013. Đây chính là “liều thuốc” tốt để vực dậy thị trường BĐS sau thời gian trầm lắng.

Quan trọng hơn, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân khiến thị trường BĐS “đóng băng”. Theo tôi, nguyên nhân chính là việc người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường. Do công quy hoạch, cấp phép cho các dự án nhà ở chưa tính kỹ đến nhu cầu thực tế của người tiêu dùng ở từng thời điểm cụ thể; Các doanh nghiệp đầu tư dàn trải theo phong trào; Các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường đã có nhưng việc thực hiện chưa quyết liệt…

Khắc phục tình trạng trên, vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan bộ, ngành triển khai chính sách phải chú trọng chữa đúng “bệnh” của thị trường BĐS đang mắc phải, chứ không phải ban hành ra chính sách rồi để đó, không đốc thúc triển khai đi vào cuộc sống.

Ông đánh giá thế nào về một số quan điểm cho rằng, bơm tiền “cứu” BĐS thời điểm này là cứu nền kinh tế chứ không phải cứu nhà đầu tư 

Bơm tiền cứu BĐS chính là cứu các ngành nghề, doanh nghiệp hồi sinh trở lại và cũng chính là cứu nền kinh tế. Bởi khi có dòng tiền chảy vào doanh nghiệp tạo sức sống cho doanh nghiệp, họ sẽ có tiền trả lương công nhân viên, kích thích thị trường vật liệu xây dựng, trả nợ ngân hàng. Điều đó  cũng có nghĩa giải quyết được nợ xấu, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Bộ Xây dựng mới đây đã ký kết vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhằm ưu đãi cho đầu vào (chủ đầu tư dự án), đầu ra (người có nhu cầu về nhà ở thực). Khoản vay này có thực sự kích ứng được thị trường trong thời gian tới, thưa ông ?

Tôi cho rằng, động thái nói trên của Bộ Xây dựng là một cú hích quan trọng cho thị trường BĐS hiện nay trong bối cảnh thị trường đang ảm đảm, mất thanh khoản trầm trọng, nhất là việc cung ứng đầu ra. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng được coi là cú hích giúp khôi phục lại thị trường trong thời gian tới.

Theo ông, phân khúc nào sẽ được khách hàng lựa chọn trên thị trường địa ốc trong năm 2013?

Cơ cấu sản phẩm trên thị trường BĐS rất phong phú và đồng đều, trong số đó  phân khúc cao cấp, trung cấp đang được chào bán với lượng giao dịch khá ít. Còn phân khúc nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội có nhu cầu cao hơn, được người dân quan tâm và tìm mua nhiều nhất vì có giá bán hợp lý và các chế độ chính sách ưu đãi dành cho phân khúc này. Do đó, năm 2013 là năm của phân khúc nhà có diện tích nhỏ dưới 45 m2, nhà có giá bình dân và nhà ở xã hội.

Năm 2013 được dự đoán là năm kinh tế còn khó khăn hơn năm 2012, ở cương vị là “thuyền trưởng” doanh nghiệp chèo lái con thuyền, Reenco Sông Hồng sẽ làm gì để vượt qua khó khăn, thưa ông?

Không năm ngoài vòng xoáy khó khăn chung của doanh nghiệp BĐS năm 2012, Reenco Sông Hồng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã nắm bắt được tình hình, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, xây dựng chiến lược phát triển, cơ cấu lại cổ đông có tiềm lực kinh tế, thực hiện dự án đầu tư. Bên cạnh đó, Reenco Sông Hồng đã chuyển hướng sang làm xây lắp hỗ trợ khó khăn để vượt qua khó khăn; cơ cấu lại hạng mục đầu tư năm 2013 và những năm tiếp theo.

Đồng hành với những khó khăn của nền kinh tế trong năm qua, chúng tôi nhận thấy rằng, năng lực tài chính doanh nghiệp là rất quan trọng khi khó khăn doanh nghiệp nào trường vốn và không phải đi vay, cộng với có chiến lược dài hạn khắc phục khó khăn thì doanh nghiệp đó không chỉ vượt qua khó khăn mà còn vẫn tăng trưởng tốt.

 Xin cảm ơn ông!