Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Rút bớt "quyền năng" của sàn bất động sản

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Trong khi các chuyên gia kinh tế, lập pháp cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) khi sốt nóng, lúc sốt lạnh, thậm chí hiện tượng lừa đảo người dân diễn ra không hiếm có nguyên nhân chủ yếu là do sàn giao dịch BĐS thao túng, thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng, mua bán, giao dịch BĐS qua sàn là tốt nhất, vấn đề là xác định đúng vai trò, không thể trao cho sàn BĐS quá nhiều quyền năng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Rút bớt "quyền năng" của sàn bất động sản
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng, mua bán, giao dịch BĐS qua sàn là tốt nhất. Nguồn: internet

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, Luật Kinh doanh BĐS hiện hành quy định tổ chức, cá nhân khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch đã làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, thêm chi phí và góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo, không đạt được mục đích tạo nơi giao dịch để đảm bảo tính công khai, minh bạch cho thị trường BĐS.

Quy định này, theo ông Dũng, đã làm hạn chế quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp, chủ đầu tư BĐS.

Hơn nữa việc quy định bắt buộc giao dịch BĐS phải thông qua sàn là không phù hợp, không hiệu quả khi mà BĐS “trầm lắng”, chủ đầu tư đã giảm giá, khuyến mại, chào bán rầm rộ, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng mà vẫn không bán được hàng, các sàn gần như không có giao dịch, nhiều sàn đã phải đóng cửa…

“Do vậy, việc bắt buộc giao dịch BĐS phải thông qua sàn là chưa phù hợp với tình hình thực tế của nước ta. Mặt khác, theo kinh nghiệm quốc tế thì không nước nào quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân phải bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS thông qua sàn giao dịch, mà chủ yếu thực hiện thông qua môi giới, luật sư”, ông Dũng kết luận.

Để đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch của thị trường, của các giao dịch, theo ông Dũng có nhiều biện pháp khác đơn giản và hiệu quả hơn như quy định đối với một số loại BĐS mà Nhà nước cần kiểm soát thì trước khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận đủ điều kiện thì mới được phép bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc không bắt buộc giao dịch BĐS phải thông qua sàn.

“Khi thảo luận về vấn đề này, nhiều thành viên của Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia được tham vấn ý kiến tán thành không cần thiết việc bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS. Bởi quy định bắt buộc giao dịch qua sàn chỉ làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, chi phí của người dân, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh BĐS vì không bán được hàng trực tiếp cho người tiêu dùng”, ông Giàu phát biểu.

Việc không bắt buộc phải giao dịch thông qua sàn, theo ông Giàu, có thực tế là doanh nghiệp kinh doanh BĐS hoàn toàn có thể quảng cáo, chào hàng, bán trực tiếp cho khách hàng mà không cần phải thông qua bất cứ khâu trung gian nào.

“Việc lựa chọn giao dịch qua sàn hay không nên để doanh nghiệp và khách hàng quyết định”, ông Giàu đề xuất.

Đồng tình với việc không bắt buộc phải giao dịch BĐS qua sàn, song theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, giao dịch qua sàn là tốt nhất và phải có chính sách phát triển sàn giao dịch BĐS.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, BĐS cũng là một loại hàng hóa, hàng hóa giao dịch qua sàn là sự phát triển bậc cao của kinh tế thị trường. Trên thế giới, rất nhiều sàn giao dịch được thành lập và hoạt động rất hiệu quả như sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch vàng bạc và kim loại quý. Nhiều loại hàng hóa như cà phê, xăng dầu, sắt thép… cũng đều được giao dịch qua sàn.

“Chỉ có giao dịch qua sàn mới bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả chủ đầu tư và khách hàng vì hàng hóa giao dịch trên sàn đã được thẩm định, thẩm tra về chất lượng”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.

Theo Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, sàn giao dịch BĐS thực hiện việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua và cung cấp dịch vụ liên quan đến BĐS như môi giới, thẩm định giá, tư vấn BĐS; quảng cáo, đấu giá, quản lý BĐS.

Quy định này, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng là không phù hợp. “Sàn giao dịch chỉ là nơi để khách hàng và tổ chức, cá nhân có nhu cầu bán hàng gặp gỡ, trao đổi, thảo luận. Sàn giao dịch chỉ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hàng hóa, chất lượng của hàng hóa, quyết định ai trúng đấu giá và thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với các giao dịch thành công để hưởng phí của khách hàng và chủ hàng, còn mua bán với giá nào là do 2 bên tự quyết định”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phân tích.

“Môi giới BĐS phải giao cho công ty môi giới thực hiện. Thẩm định giá BĐS đã có công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá đảm trách. Tư vấn BĐS, quảng cáo BĐS cũng phải giao cho các công ty chuyên cung cấp các dịch vụ này thực hiện chứ không nên để sàn BĐS “ôm” hết các dịch vụ này. Tình trạng sàn giao dịch BĐS góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo, không đạt được mục đích tạo nơi giao dịch để đảm bảo tính công khai, minh bạch cho thị trường BĐS có nguyên nhân chính là Luật Kinh doanh BĐS trao cho sàn BĐS quán nhiều “quyền năng”, trong khi sàn thực chất chỉ là cái nhà để những người có nhu cầu mua, bán gặp gỡ, thảo luận và mua bán với nhau”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.