Chủ trương tạm dừng dự án BĐS chưa có hạ tầng: “Trái đắng” cho nhà đầu tư thứ cấp

Theo Báo Đầu tư

Nếu đề xuất tạm dừng các dự án địa ốc chưa có hạ tầng của Bộ Xây dựng được Chính phủ chấp thuận, thì đây sẽ là “trái đắng” cho nhà đầu tư thứ cấp.

Chủ trương tạm dừng dự án BĐS chưa có hạ tầng: “Trái đắng” cho nhà đầu tư thứ cấp
Tại Hội nghị gặp gỡ - đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng với các doanh nghiệp ngành xây dựng – bất động sản (BĐS) mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định, cùng với việc cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm nguồn tài chính giá rẻ, thì việc cần làm ngay là rà soát lại, phân loại các dự án đầu tư BĐS.

Theo ông Dũng, trong thời gian qua, thị trường bất động sản phát triển tự phát theo phong trào, thiếu quy hoạch và kế hoạch, dẫn tới sự lệch pha giữa nguồn cung và cầu trên thị trường. Đây là nguyên nhân khiến lượng căn hộ tồn “chất cao như núi”, chỉ tính riêng tại Hà Nội hiện có trên 360 dự án BĐS, với hàng chục ngàn căn hộ bị tồn. Do đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề xuất, với những dự án chưa giải phóng mặt bằng, nhưng không cấp thiết thì nên dừng lại; những dự án đã giải phóng mặt bằng, nhưng chưa san nền thì cũng nên dừng.

Nếu đề xuất trên được Chính phủ chấp thuận thì đây sẽ là “trái đắng” với nhà đầu tư thứ cấp, bởi số lượng dự án tại Hà Nội đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và san nền là rất lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Đền bù giải phóng mặt bằng TP. Hà Nội, gần 50% số dự án BĐS trên địa bàn Thủ đô là các dự án đang trong tình trạng giải phóng mặt bằng dở dang, số tiền đầu tư vào việc lập dự án, phê duyệt quy hoạch và đền bù là rất lớn. Đặc biệt, còn có một số lượng rất lớn vốn đầu tư được các chủ đầu tư huy động của các nhà đầu tư thứ cấp đổ vào dự án. Nếu dự án phải tạm dừng, khoản vốn đầu tư này sẽ hoàn toàn mất thanh khoản.

Ông Nguyễn Lê Thanh, chủ một doanh nghiệp xây dựng tư nhân tại Điện Biên (là người đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào một dự án khu đô thị mới tại Hoài Đức - Hà Nội) đang hết sức lo lắng. Dự án này vẫn đang trong quá trình thương lượng đền bù, giải tỏa. Chủ đầu tư cấp 1 đang tìm cách trì hoãn việc thực hiện dự án, nay nếu chủ trương này được chấp thuận, dự án có nguy cơ “chết yểu”. Những nhà đầu tư thứ cấp, như ông Thanh góp vốn vào dự án sẽ rất khó đòi lại khoản vốn đã đầu tư.

Sự tê liệt của thị trường bất động sản thời gian qua đã khiến lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Trường Phúc mới đây phải đệ đơn lên Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Sỹ Ngàn (có trụ sở tại xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) - chủ đầu tư Dự án Ngọc Viên Island tại hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây) để đòi lại khoản vốn hơn 5 tỷ đồng đã góp vào Dự án. Sỹ Ngàn hiện còn có 1 dự án BĐS khác là Khu du lịch sinh thái Anantara tại thị xã Sơn Tây cũng chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Nếu việc tạm dừng dự án chính thức được chấp thuận, sẽ có nhiều nhà đầu tư phải gánh chịu hậu quả khi chủ đầu tư có lý do để thoái thác hoặc kéo dài thời gian trả lại vốn góp cho các nhà đầu tư.

Một dự án cũng được đánh giá là sẽ gây nhiều hệ lụy lớn nếu tạm dừng triển khai là Khu đô thị Tiến Xuân của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Dự án có diện tích rộng 1.400 ha, với quy mô vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Được triển khai từ năm 2007, trước khi Hà Nội mở rộng, Tiến Xuân được kỳ vọng là sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn trong tương lai, nên nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã đổ tiền vào dự án này. Dự án hiện vẫn trong quá trình giải phóng và san lấp mặt bằng, nên nếu bị tạm dừng theo chủ trương mới, sẽ có không ít nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ mắt trắng khoản tiền đã đầu tư vào dự án khổng lồ này.

Ông Trần Văn Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư tài chính BĐS GID cho rằng, hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp khó khăn, do tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn từ ngân hàng hoặc huy động vốn từ khách hàng. Thị trường BĐS “đóng băng” không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS, mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư... “Thay vì việc đề nghị tạm dừng các dự án BĐS còn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất thấp, khoảng 12%/năm. Nếu có tiền, doanh nghiệp sẽ có điều kiện hoàn thiện các dự án dang dở để có sản phẩm mới bán ra thị trường, có tiền để trả lãi ngân hàng, trả các khoản nợ cũ và hồi phục sản xuất, kinh doanh”, ông Long nói.