Chuẩn bị tốt điều kiện để triển khai quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở

Thep SBV

Hiện nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) được chỉ định thực hiện chương trình tín dụng này đang cố gắng đưa ra những qui định cụ thể và rõ ràng hơn như: Đơn giản hóa thủ tục cho vay, khả năng sử dụng thu nhập ngoài lương khi chứng minh năng lực trả nợ của khách hàng vay vốn…để sớm đưa chính sách hỗ trợ nhà ở của Chính phủ đi vào cuộc sống.

Chuẩn bị tốt điều kiện để triển khai quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở
Chương trình tín dụng này nhằm giúp các đối tượng thu nhập thấp, trung bình trong xã hội có cơ hội sở hữu một chỗ ở phù hợp. Nguồn: Internet

Chỉ ít ngày nữa là đến ngày 01/6/2013, thời điểm Thông tư 11/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở bắt đầu có hiệu lực. Để việc triển khai Thông tư này phát huy hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng của thị trường, Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư 07/TT-BXD ngày 15/5/2013 hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/2013/NQ-CP của Chính phủ.

Việc hai thông tư nêu trên được ban hành đồng thời vào cùng một thời điểm đã phát tín hiệu về sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, trực tiếp là NHNN và Bộ Xây dựng trong việc tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, do sự trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS) ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế khác.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, NHNN quyết định dành 30.000 tỷ đồng dưới dạng tái cấp vốn qua các NHTM để cho vay hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 và giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2.

Đây là lần đầu tiên ngành Ngân hàng đưa ra gói tín dụng với lãi suất thấp (không quá 6%/năm) trong thời hạn dài (10 năm đối với khách hàng thuê, mua nhà ở và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp). Việc tính toán lãi suất sẽ dựa trên dư nợ thực tế còn lại của khoản vay, nghĩa là khách hàng có quyền trả nợ trước thời hạn mà hoàn toàn không bị phạt, thậm chí là động thái đáng khuyến khích và hoan nghênh.

Tuy nhiên, chương trình tín dụng này không đặt mục tiêu giải cứu thị trường BĐS mà nhằm giúp các đối tượng thu nhập thấp, trung bình trong xã hội có cơ hội sở hữu một chỗ ở phù hợp. Sự phục hồi dần của phân khúc thị trường nhà ở xã hội sẽ có tác động lan tỏa tới các phân khúc khác của thị trường và tạo niềm tin cho công chúng, góp phần điều chỉnh cơ cấu của thị trường BĐS theo hướng phù hợp với nhu cầu và sức mua thực tế của xã hội.

Trong chương trình tín dụng này, khoảng 30% nguồn vốn dự kiến là để cho các doanh nghiệp BĐS vay nhằm bù lỗ một phần chi phí vì các doanh nghiệp chỉ được phép bán nhà với giá dưới 15 triệu đồng/m2, mức giá này thấp hơn giá thành sản phẩm nếu doanh nghiệp phải vay với lãi suất quá cao. Với chính sách tín dụng như vậy, các doanh nghiệp BĐS sẽ có điều kiện hạ giá thành và cung cấp sản phẩm cho người mua với giá cả hợp lý.

Thông tư 11 cũng qui định mức vốn tối thiểu của khách hàng tại thời điểm tham gia dự án. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích của khách hàng, NHNN cho phép các ngân hàng thực hiện chương trình tín dụng này công bố mức vốn tối thiểu tham gia vào dự án, phương án vay nhưng không vượt quá 20% đối với khách hàng là cá nhân; đối với doanh nghiệp không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy, chương trình tín dụng này đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến các doanh nghiệp và người mua nhà.

Hiện nay, các NHTM được chỉ định thực hiện chương trình tín dụng này đang cố gắng đưa ra những qui định cụ thể và rõ ràng hơn như: Đơn giản hóa thủ tục cho vay, khả năng sử dụng thu nhập ngoài lương khi chứng minh năng lực trả nợ của khách hàng vay vốn…để sớm đưa chính sách hỗ trợ nhà ở của Chính phủ đi vào cuộc sống.

Với quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của NHNN và Bộ Xây dựng, cùng với nỗ lực của các NHTM và ý thức của khách hàng vay vốn, chương trình tín dụng này đang hứa hẹn sự thành công rất lớn, có thể giải ngân nguồn vốn một cách nhanh chóng và cho vay đúng đối tượng, tạo niềm tin và động lực kích thích thị trường BĐS. Qua đó, có thể đúc kết kinh nghiệm để triển khai những chương trình tài chính khác để vực dậy nền kinh tế quốc dân.