Chứng khoán đón sóng tái cơ cấu

Theo SGTT

“Với quy mô, diễn biến thị trường hiện nay, sẽ có nhiều CTCK phải tính đến phương án mua bán, sáp nhập, chuyển đổi hình thức kinh doanh, thậm chí giải thể."

Quyết định “rút lui” khỏi lĩnh vực kinh doanh đã từng là siêu lợi nhuận nhưng hiện chật vật vì cạnh tranh lớn, rủi ro cao của công ty chứng khoán Kim Long được nhận định là sự mở màn cho xu hướng mua bán, sáp nhập, chuyển đổi ngành nghề hoạt động của nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác. 

Giành nhau “miếng bánh” nhỏ 

Theo ông Nguyễn Sơn, trưởng ban Phát triển thị trường, uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), toàn thị trường hiện có khoảng 1,1 triệu tài khoản nhà đầu tư. Tổng doanh thu hoạt động công ty chứng khoán (CTCK) năm 2010 đạt trên 10 nghìn tỉ đồng trên cả bốn nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư.

Tuy nhiên, hiện doanh thu của các CTCK trông đợi phần lớn vào hai nghiệp vụ đầu tiên. Đơn cử như CTCK Kim Long, năm 2010, mặc dù doanh thu từ hoạt động tư vấn đầu tư đã tăng 150% so với năm 2009 nhưng cũng chỉ tương đương 3,3 tỉ đồng, chiếm 0,12% tổng doanh thu của cả năm.

Trong khi đó, năm 2010, thanh khoản trên cả hai sàn đều giảm mạnh, ở mức trung bình 1.530 tỷ đồng/ngày (HoSE) và 964 tỷ đồng/ngày (HNX). Với phí môi giới trung bình 0,2%, tổng doanh thu từ hoạt động môi giới toàn thị trường năm 2010 khoảng 1.000 tỉ đồng. Số liệu của hai sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Hà Nội (HNX) công bố mới nhất cho thấy, riêng 10 CTCK dẫn đầu đã chiếm gần 50% thị phần môi giới của toàn thị trường.

Như vậy, một nửa doanh thu từ hoạt động môi giới của toàn thị trường thuộc về khoảng 10 CTCK dẫn đầu, hơn 90 doanh nghiệp chia nhau 50% doanh thu còn lại, tương ứng từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/công ty/tháng. Như CTCK Kim Long, doanh thu hoạt động môi giới cả năm 2010 chỉ đạt 18,27 tỉ đồng.

Hoạt động tự doanh còn “thê thảm” hơn khi nhìn lại năm 2010, thị trường có khoảng 6 – 8 tháng giảm điểm hoặc đi ngang. Mặc dù đã “thận trọng hơn” trong hoạt động tự doanh, song năm 2010, đã có 20 CTCK rơi vào tình cảnh thua lỗ (năm 2009, trường hợp CTCK thua lỗ lên đến con số 60).

Giảm còn một nửa là vừa?

Một CTCK có trụ sở tại Hà Nội, ra đời thời điểm các “đại gia” đua phong trào thành lập ngân hàng, CTCK cũng “nối gót” theo cách làm của Kim Long. Nhiều CTCK khác đã rục rịch phương án “tái cơ cấu” mạnh mẽ, như mạnh tay cắt giảm chi nhánh, nhân sự; tìm đối tác chiến lược mới; “thay máu” cổ đông và lãnh đạo cấp cao…

Tính từ đầu tháng 2.2011 đến nay, đã có hàng chục CTCK thông báo thay đổi vốn điều lệ, chuyển trụ sở, bãi nhiễm nhân sự cấp cao. Như CTCK An Phát bãi nhiễm chức danh một phó tổng giám đốc; CTCK Bảo Minh thay đổi người đứng đầu chi nhánh Hà Nội; CTCK Anh Bình thay đổi thành viên HĐQT; CTCK Dầu khí hoàn thành việc bán 14,9% vốn điều lệ cho đối tác chiến lược nước ngoài; CTCK Phú Hưng đóng cửa phòng giao dịch Điện Biên Phủ tại TP HCM; CTCK An Bình đóng cửa phòng giao dịch tại Nam Trung Yên, Hà Nội; CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đóng cửa phòng giao dịch Lò Đúc và miễn nhiệm chức danh một phó tổng giám đốc; CTCK Sao Việt thay đổi thành viên ban tổng giám đốc… Và sự chuyển dịch được nhận định sẽ còn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tổng thư ký hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) Nguyễn Hoàng Hải, cho rằng, thị trường đang “khủng hoảng thừa” các CTCK, dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt, thậm chí phát sinh nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh, như cung cấp “dịch vụ chui” như mua bán khống, cung cấp đòn bẩy tài chính tỷ lệ cao, thậm chí thúc đẩy nhà đầu tư mua bán bằng mọi giá, đầu tư theo “đội lái”…

“Tất cả những điều này gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư và cho chính bản thân các CTCK”, ông Hải nói và nhận định: “Với quy mô, diễn biến thị trường hiện nay, sẽ có nhiều CTCK phải tính đến phương án mua bán, sáp nhập, chuyển đổi hình thức kinh doanh, thậm chí giải thể, để lùi về con số 40 – 50 CTCK là hợp lý. Tuy nhiên, việc sắp xếp này sẽ cần có một lộ trình chứ không diễn ra ồ ạt”. 

Theo tổng giám đốc CTCK Kim Eng Việt Nam Lê Minh Tâm, các CTCK sẽ phải xác định lại chiến lược kinh doanh, nhất là vấn đề thị trường - khách hàng mục tiêu, sản phẩm và dịch vụ mũi nhọn. Bên cạnh đó, việc tăng nhanh vốn và đào tạo nguồn nhân lực cùng với việc xây dựng mạng lưới phân phối được xem là yếu cầu cấp bách. Nếu chậm trễ thì xem như không còn cơ hội tồn tại trong vòng 2 – 3 năm tới.

Ông Tâm kiến nghị: UBCKNN, bộ Tài chính cần nhanh chóng đưa vào thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài tại các CTCK, tuân thủ lộ trình thực hiện cam kết WTO bởi chính sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài mới làm động lực cho TTCK Việt Nam phát triển, tạo những nền tảng và chuẩn mực phát triển mới cho các CTCK.

Đồng thời, cơ quan quản lý nên giữ cam kết sớm đưa các sản phẩm giúp tăng cường sự linh động trong giao dịch để tăng tính thanh khoản cho thị trường, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư.

Ví dụ cho phép mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán, cho phép mua bán cùng loại chứng khoán trong ngày… “Sự chậm trễ trong việc tuân thủ lộ trình cam kết cho ra sản phẩm mới sẽ làm mất dần sự kiên nhẫn và lòng tin của nhà đầu tư vào UBCKNN và bộ Tài chính và việc ổn định tâm lý thị trường khi đó sẽ rất khó được thực hiện”, ông Tâm lo ngại.