Chuyển đổi xây dựng nhà ở xã hội: Cần nắm rõ nguồn cầu

Anh Đào (VnMedia)

Việc chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để tiêu thụ hàng tồn kho là một trong những giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tuy nhiên, trước phương án này không ít doanh nghiệp tỏ ra khá dè dặt.

 Chuyển đổi xây dựng nhà ở xã hội: Cần nắm rõ nguồn cầu
Việc các chủ đầu tư bất động sản chú trọng nhiều vào việc xây dựng căn hộ trung và cao cấp, trong khi đó nhu cầu người dân về căn hộ bình dân lại bị lãng quên khiến cho thị trường rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu nghiêm trọng. Đây cũng được xem là căn nguyên khiến thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài. Để giải quyết được những vấn đề nan giải của thị trường bất động sản và doanh nghiệp lúc này, Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp là chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra một loạt các giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp hướng doanh nghiệp bất động sản tập trung vào xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc chuyển đổi theo hướng đối với những dự án đã làm hạ tầng thì điều chỉnh dự án, tăng tỉ lệ nhà ở xã hội không phải là chỉ 20% như quy định mà có thể vượt con số này. Đồng thời, có thể điều chỉnh dự án từ căn hộ cao cấp sang dự án nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, làm như vậy không chỉ cứu doanh nghiệp mà còn giúp người dân có nhà, cứu nền kinh tế. Khi chuyển sang nhà xã hội, doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế sử dụng đất, nên sẽ bớt gánh nặng về tài chính, còn người làm công ăn lương sẽ mua được nhà ở.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho biết, xây dựng nhà ở xã hội doanh nghiệp sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất, được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn ưu đãi. Việc miễn giảm này sẽ giúp doanh nghiệp giảm được 30-40% chi phí trong khi đó định mức lợi nhuận doanh nghiệp được hưởng vẫn là 10%.

Như vậy, với việc tiết kiệm chi phí doanh nghiệp cũng có thể giảm thêm được 20% giá bán căn hộ. Đây là cơ hội mà không ít các nhà đầu tư bất động sản nhìn thấy để có thể giải phóng hàng tồn kho của mình.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dầu khí toàn cầu cho biết, tuy không phải doanh nghiệp nào cũng tỏ ra hứng thú với con số cắt giảm 20% chi phí này. Bởi trong bối cảnh tài chính khó khăn, thì ngay cả những người có thu nhập khá còn khó khăn thì liệu những người có thu nhập thấp có tiền hay không để chi trả cho việc mua nhà. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, hiện doanh nghiệp đang phải tính đến song song 2 phương án. Vừa đẩy mạnh căn hộ thương mại giá thấp, vừa kết hợp nhà ở cho người có thu nhập thấp để phục vụ mục tiêu chính trị của mình. Tuy nhiên, thì ngay cả khi xây dựng nhà ở xã hội cũng cần phải có những tính toán cụ thể.

Ông Nguyễn Đức Hùng- Phó tổng giám đốc Tổng công ty HUD cho rằng làm nhà ở thương mại hiệu quả hơn nhà xã hội. Nhà ở xã hội chỉ có 8 đối tượng mua nhà, trong khi nhà ở thương mại là cả một loạt tầng lớp nhân dân. Hiện nay một số dự án sẽ chuyển sang làm nhà ở xã hội nhưng nên điều tra xem nhu cầu để đưa ra lượng sản phẩm tránh việc chạy theo phong trào.

Cơ chế có thể thể chế hóa bằng quy định bắt buộc hay không vẫn là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp chờ đợi. Ngay như quy định, nhà ở xã hội thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi giá rẻ, nhưng trên thực tế chẳng mấy doanh nghiệp có thể chạm được tới nguồn vốn vay. Nếu không được hưởng vốn vay ưu đãi, thì đồng nghĩa với việc giá cũng chẳng thể giảm đó là chưa kể nếu thủ tục hành chính không có hướng dẫn nhanh, gây ách tắc thời gian kéo dài khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho biết, để tự cứu mình, doanh nghiệp đã lên phương án kinh doanh, chọn vật liệu và biện pháp thi công để hạ giá thành. Mức giá nhà thương mại sắp tới đưa ra thị trường sẽ cao hơn nhà ở thu nhập thấp khoảng 10%.