Có ngại cổ phiếu mới niêm yết?

Theo Thu Hương (ĐTCK)

Đầu tháng 11, thị trường đã lo ngại về một làn sóng công ty mới niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM là nhân tố làm cho xu hướng thị trường đi xuống càng thêm trầm trọng. Lý do là hầu hết các cổ phiếu mới niêm yết đều giảm giá liên tục, trong khi các công ty lên sàn trong tháng 12 đều có số vốn điều lệ lớn, có khả năng ảnh hưởng chung đến chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, có thể thông lệ này sẽ thay đổi…

 

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - doanh nghiệp với số vốn mấp mé 1.800 tỷ đồng đã quyết định giá chào sàn chỉ 40.000 đồng/cổ phiếu khi lên niêm yết vào ngày 22/12 này. Mức giá này còn thấp hơn cả giá giao dịch cổ phiếu HAGL trên thị trường giao dịch cổ phiếu tự do, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán.

"Công ty tư vấn định giá chào sàn có thể là 80.000 đồng/cổ phiếu nhưng tôi quyết định chọn giá thấp vì không muốn đưa giá cao rồi nhìn giá giảm liên tục. Giá cổ phiếu

HAGL là bao nhiêu sau đó sẽ do thị trường định đoạt", ông Đức nói.

Ở mức giá chào sàn này, theo nhiều nhà đầu tư, HAGL sẽ tránh được hiện tượng bán tháo cổ phiếu trong những ngày đầu cổ phiếu chào sàn như những cổ phiếu đã niêm yết trước đó. Tình trạng dư bán lớn và giảm giá liên tục trong những ngày sau khi chào sàn của cổ phiếu niêm yết thời gian gần đây khiến các chuyên gia cho rằng, "niêm yết là cơ hội tháo chạy" cho nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phiếu của công ty. Vì vậy, chọn mức giá niêm yết thấp có thể là một lựa chọn khôn ngoan của HAGL.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty chứng khoán SJC, nếu giá niêm yết vừa phải thì cổ đông cũ phải cân nhắc khi quyết định bán cổ phiếu. Nếu giá xuống thấp quá, họ có thể mua thêm để đầu tư hoặc cầm cố cổ phiếu để giải quyết nhu cầu tài chính ngắn hạn thay vì bán cổ phiếu.

Ông Tuấn cho rằng, trong bối cảnh thị trường như hiện nay, thật không hay khi một số cổ phiếu niêm yết định giá cao, tạo ra một đường mòn về việc giảm giá liên tục của cổ phiếu mới niêm yết. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực rằng, cứ cổ phiếu mới niêm yết thì giảm giá.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bản Việt hồi giữa tháng 11, đến cuối tháng 12/2008, nhiều công ty tiếp tục kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở cả hai sàn với tổng vốn điều lệ dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng (chưa kể vốn của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí - PVF khoảng 5.000 tỷ đồng). Bản Việt lo ngại: "Với xu hướng giảm giá liên tục của hầu hết cổ phiếu mới niêm yết trong trong thời gian gần đây, lượng tăng cung mới này sẽ là một lực cản đáng kể cho toàn thị trường".

Cho đến thời điểm này, thị trường đã chứng kiến cổ phiếu của PVF, Hoa Sen Group (HSG) và tới đây là HAGL lên sàn.

Khi PVF có số vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng chuẩn bị lên niêm yết, thị trường đã lo ngại về khả năng tác động của cổ phiếu này đến thị trường. Với giá chào sàn là 30.000 đồng/cổ phiếu, so với kết quả lợi nhuận công bố, PVF được coi là xác định giá cao so với các chỉ tiêu lợi nhuận, thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt được trong 10 tháng đầu năm. Thị trường lo ngại "hàng khủng" PVF giảm sàn theo quy luật giảm giá của cổ phiếu niêm yết sẽ kéo cả thị trường sụt giảm theo.

Trên thực tế, ảnh hưởng của PVF đến toàn thị trường không mạnh như lo ngại ban đầu, dù cổ phiếu này đã giảm sàn 20% trong ngày giao dịch đầu tiên và giảm dần còn 16.000 đồng/cổ phiếu vào hôm thứ Ba tuần này.

Cổ phiếu của Hoa Sen Group chào sàn với giá 40.000 đồng/cổ phiếu cũng giảm hết biên độ trong ngày chào sàn và hiện còn 23.000 đồng/cổ phiếu.

Trên thực tế, cổ phiếu của các công ty lớn như PVF, HSG hay HAGL đều giao dịch trên thị trường tự do. Lên niêm yết chỉ là chuyển giao dịch từ "tự do" sang giao dịch "tập trung" chứ không làm tăng cung trên TTCK nói chung. Vì thế, ảnh hưởng của việc cổ phiếu mới niêm yết chỉ là ảnh hưởng tâm lý nếu cổ phiếu này giảm sàn liên tục.

Nếu công ty niêm yết cân nhắc một mức giá niêm yết hợp lý để khắc phục tình trạng này sẽ hạn chế hoàn toàn tác động xấu tới tâm lý thị trường, nhất là khi doanh nghiệp lớn lên niêm yết.

Nhìn về tương lai dài hạn của thị trường, TTCK Việt Nam vẫn cần tăng trưởng về quy mô, chất lượng hàng hóa để thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.