Đà Nẵng chấn chỉnh kinh doanh bất động sản sau "sốt đất"

Theo Nguyễn Thành/tienphong.vn

Ngày 12/3, UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Trước tình trạng các tổ chức cá nhân thực hiện việc giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, Sở Xây dựng Thành phố đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, Sở Xây dựng lưu ý các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố khi thực hiện giao dịch mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.

Trước đó, UBND thành phố đã có Công văn số 3073/UBND-SXD về việc hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản. UBND thành phố giao Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật thông tin về các dự án bất động sản đã được UBND thành phố phê duyệt khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trên Cổng thông tin điện tử thành phố và website Sở Xây dựng. UBND giao Công an thành phố kiểm tra, xử lý theo đúng quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Như Tiền Phong đã liên tục phản ánh, thời gian qua, trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam, thị trường bất động sản bất ngờ sôi động và tăng chóng mặt, tạo ra cơn “sốt” giá đất tại nhiều khu vực. Để đẩy giá, đội hình “cò” đất đã dùng nhiều chiêu thức để thổi giá.

Chính quyền TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã phải liên tục ra các văn bản thông báo, khuyến cáo người dân trước những tin đồn thất thiết, nhằm đẩy giá đất lên cao.

Tại TP. Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng đã phải ký công văn xác nhận không có chủ trương thành lập quận mới tại huyện Hòa Vang như tin đồn được rêu rao trên các trang mạng xã hội. Văn bản của Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng khằng định, huyện Hòa Vang chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để chia tách thành hai đơn vị hành chính. Những thông tin lan truyền trên mạng xã hội gần đây về việc TP. Đà Nẵng có quận mới được thành lập từ huyện Hòa Vang là không chính xác. 

Trong khi đó, tại Quảng Nam, VP UBND thị xã Điện Bản mới đây cũng buộc phải ra văn bản chấn chỉnh một số thông tin thất thiệt và tình trạng mua bán chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn thị xã. Chính quyền thị xã này cho biết: một số đối tượng "cò" đất đã lợi dụng sự sôi động của thị trường bất động sản, tung tin thất thiệt tràn lan trên mạng xã hội, như một số đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Điện Bàn sắp sáp nhập về TP. Đà Nẵng; địa phương sắp triển khai dự án hàng trăm tỉ đồng...

Trước đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một văn bản về việc cấp phép đầu tư dự án chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở phường Cẩm Nam, TP. Hội An (Quảng Nam) gây xôn xao và làm tăng giá đất. Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã xác nhận văn bản trên là hoàn toàn giả mạo. Lãnh đạo Hội An xác nội dung trong văn bản là hoàn toàn bịa đặt, mục đích là để kích động bất động sản ở Hội An và khu vực lân cận Đà Nẵng.

Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng vừa có báo cáo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn TP gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản. UBND TP. Đà Nẵng cho biết: vấn đề đặt cọc trong mua bán bất động sản, trên địa bàn hiện, có rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tiến hành rao bán bất động sản khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật.

Qua kiểm tra, đa số các chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng mua bán bất động sản (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) mà thực hiện việc ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ với khách hàng với đầy đủ các nội dung như một hợp đồng mua bán bất động sản (như đặc điểm bất động sản, tiến độ nộp tiền, …), sau đó khách hàng này tiến hành “chuyển cọc” qua nhiều khách hàng thứ cấp để “hưởng chênh lệch”.

Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, gây thất thu thuế của nhà nước, mà còn phát sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý hết sức khó khăn do hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định pháp luật về dân sự. Do hiện  nay chưa có hướng dẫn cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Ban chỉ đạo trình Chính phủ có ý kiến chỉ đạo vấn đề này.