Đại dịch COVID-19 khiến tư duy quy hoạch đô thị phải thay đổi

Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Chuyên gia Australia cho rằng robot, máy bay không người lái, dữ liệu lớn... sẽ trở thành những yếu tố cố định trong quy hoạch đô thị tương lai, giúp sớm phát hiện những vấn đề tiềm ẩn như dịch bệnh.

Đại dịch COVID-19 khiến tư duy quy hoạch đô thị phải thay đổi.
Đại dịch COVID-19 khiến tư duy quy hoạch đô thị phải thay đổi.

Các chuyên gia quy hoạch đô thị nhận định dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan trên toàn thế giới sẽ buộc giới chức nhiều nơi phải xem xét một cách nghiêm túc những yếu tố như mật độ dân số, công nghệ, an ninh thực phẩm và nhà ở.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, toàn thế giới đã có hơn 200.000 người nhiễm bệnh COVID-19 và hơn 8.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Để ứng phó với dịch bệnh, các quốc gia đã thắt chặt kiểm soát biên giới, áp đặt các lệnh cấm đi lại, phong tỏa nhiều thành phố và đẩy mạnh hoạt động rà soát sử dụng những công nghệ có sự hỗ trợ của Trí tuệ nhân tạo (AI).

Giảng viên cao cấp về quy hoạch đô thị và môi trường Tony Matthews, từ Đại học Griffith, Australia, cho rằng COVID-19 có thể sẽ dẫn tới những thay đổi về tư duy thiết kế và quy hoạch đô thị.

Chuyên gia này dự đoán các vấn đề mật độ dân số hợp lý hơn, ứng dụng nhiều công nghệ và dữ liệu thông minh hơn để theo dõi các xu hướng sức khỏe toàn dân sẽ được cân nhắc nhiều hơn.

Nhiều thành phố sẽ bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về an ninh thực phẩm.

Trên thực tế, các quốc gia gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đang sử dụng robot, máy bay không người lái, dữ liệu lớn để theo dấu đợt bùng phát dịch bệnh, để khử trùng các bệnh viện và giao các nhu yếu phẩm.

Chuyên gia Matthews cho rằng những công nghệ này sẽ trở thành những yếu tố cố định trong quy hoạch đô thị tương lai, giúp sớm phát hiện những vấn đề tiềm ẩn, từ đó có phản ứng nhanh hơn.

Giới chức cũng sẽ quan tâm hơn tới các loại bệnh truyền nhiễm qua vật trung gian như sốt xuất huyết, những dịch bệnh sẽ có nhiều biến thể hơn do tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế chủng loại và số lượng động vật sống được bán tại các chợ truyền thống.

Bằng chứng là đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 đã khiến Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thắt chặt quản lý các chợ truyền thống ở các thành phố trên cả nước.

Các bệnh do virus corona gây ra là những bệnh có thể truyền nhiễm từ động vật sang người, mà tốc độ phá rừng và đô thị hóa nhanh là những yếu tố đóng vai trò chính thúc đẩy quá trình lây lan bệnh dịch tại châu Á.

Đây không phải lần đầu tiên một dịch bệnh xảy ra dẫn tới những thay đổi trong quy hoạch đô thị.

Nghiên cứu chỉ ra các đợt bùng phát dịch tả những năm 1830 đã dẫn tới những giải pháp xử lý nước thải tốt hơn tại thủ đô London (Anh) cũng như nhiều thành phố khác, trong khi dịch lao xảy ra tại New York hồi đầu thế kỷ 20 đã mở đường cho việc cải thiện các hệ thống vận chuyển công cộng và các quy định về nhà ở.

Dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003, tác động mạnh nhất tới Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore, chính là sự cố khiến Singapore nhận ra cần phải nâng cấp các cơ sở hạ tầng y tế và tạo ra những hệ thống theo dấu dịch bệnh.

Theo nhà nghiên cứu Annie Wilkinson, từ Viện nghiên cứu phát triển Anh, trong lịch sử, các dịch bệnh đóng vai trò như chất xúc tác tạo ra những chuyển biến trong cách ứng phó dịch bệnh, đặc biệt là khu vực đô thị.

Chuyên gia này nhấn mạnh sự vào cuộc của cả cộng đồng là yếu tố then chốt giúp kiểm soát bệnh dịch hiệu quả, giúp truyền tải những thông tin đáng tin cậy, triển khai các cuộc khảo sát hoặc hạn chế đi lại.

Theo Liên hợp quốc, đến năm 2050, hơn 65% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các đô thị, cao hơn mức 56% hiện tại.

Trong khi các thành phố phải đối mặt với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, các nhà quy hoạch đô thị sẽ phải cân bằng nhu cầu đất đai ngày càng gia tăng. Trong đợt dịch COVID-19, Trung Quốc đã phải khẩn cấp xây dựng 16 bệnh viện dã chiến tại thành phố tâm dịch Vũ Hán, để phục vụ điều trị cho số bệnh nhân ngày một tăng ở thời điểm dịch dần lên đỉnh điểm.

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã trưng dụng nhiều khu nhà ở cộng đồng để sử dụng như các cơ sở cách ly trong khi giới chức Genoa, Italy cũng đã sử dụng một chiếc phà lớn để làm bệnh viện dã chiến.

Chuyên gia Matthews cho rằng các nhà quy hoạch có thể sẽ phải cân nhắc để dành quỹ đất chiến lược cho việc xây dựng các cơ sở y tế hoặc nhà ở tạm thời khi cần thiết.

Cùng với đó, giới chức cũng phải cân nhắc vấn đề an ninh thực phẩm trong bối cảnh buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa hoặc đóng cửa biên giới. Ví dụ, Singapore nhập khẩu hơn 90% thực phẩm tiêu thụ, hiện đang khuyến khích sản xuất trong nước.

Nhiều thành phố cũng có thể sẽ thiết lập các kho dự trữ, trong khi nhiều thành phố khác đẩy mạnh hoạt động sản xuất thực phẩm địa phương thông qua các mô hình nông trại đô thị hoặc nhân rộng các cơ sở trồng trọt theo hình thức thủy canh.

Nhưng về cơ bản, hầu hết các thành phố trên thế giới đều phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu và vì thế rất "nhạy cảm" với mọi sự gián đoạn.

Chuyên gia Wilkinson cho rằng có lẽ quan trọng hơn cả, các nhà quy hoạch đô thị sẽ phải chú trọng tới tác động của tình trạng gia tăng chênh lệch giàu nghèo, khi hàng triệu người vô gia cư, những người sinh sống trong các khu ổ chuột, có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Việc có thể đạt được những thay đổi dài hạn trong quy hoạch đô thị sẽ phụ thuộc vào sự cải thiện cách nhìn nhận, hiểu và đánh giá những điều kiện y tế và sinh hoạt của nhóm này.

Bên cạnh bài toán quy hoạch thì các yếu tố quản lý chính quyền cũng là điều không thể phủ nhận khi thực tế hiện này các đô thị đông dân như Hong Kong hay Singapore, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn đang được thực hiện tốt hơn ở những vùng nông thôn rộng lớn như Lombardy hay Veneto của Italy.