“Đại gia” địa ốc đua nhau đổ vốn vào bất động sản công nghiệp

Theo Vân Phong/bizlive.vn

Cuối tháng 3 vừa qua, chuẩn bị cho việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Công ty Cổ phần Vinhomes đã công bố thông tin nhận chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 17/5, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An đã khởi công dự án khu công nghiệp (KCN) Việt Phát tại Long An. Dự án rộng 1.800 ha, được chủ đầu tư quy hoạch hiện đại, theo mô hình kết hợp giữa KCN và khu đô thị. 

Đáng chú ý, trong tổng diện tích 1.800 ha đất dự án, chủ đầu tư dành 1.200 ha cho KCN, chỉ có 625 ha cho đô thị. Sự kiện này chính thức đặt dấu mốc quan trọng đánh dấu việc các doanh nghiệp bất động sản đua nhau đổ vốn vào phân khúc bất động sản công nghiệp sau một thời gian dài phân khúc này chưa được quan tâm đúng với tiềm năng. 

Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, chuẩn bị cho việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Công ty Cổ phần Vinhomes đã công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes (tên viết tắt VHIZ), qua đó trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này. Như vậy, với quyết định này, Vingroup chính thức lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (thông qua công ty con là Vinhomes).

Tuy nhiên, có thể thấy, Vingroup đã có sự chuẩn bị khá kỹ cho việc này từ trước đó, khi đổi tên quỹ đầu tư mạo hiểm Vingroup Ventures thành Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes. Với việc đổi tên này, Tập đoàn Vingroup - CTCP đã chính thức đặt tham vọng lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh mới - bất động sản khu công nghiệp.

Trên thực tế, việc Vingroup muốn tham gia vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp đã được tiết lộ trong bản thuyết trình với các nhà đầu tư kết quả kinh doanh năm 2019. Theo đó, lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho nhà phát triển bất động sản số một Việt Nam từ năm 2020.

Trong một diễn biến tương tự, cuối tháng 3 vừa qua, Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị Hoà Phát (thành viên thuộc Tập đoàn Hoà Phát) bằng kinh nghiệm của mình đã nhanh chân hơn các doanh nghiệp khác đang “chạy đua” vào mảng bất động sản công nghiệp, khi gửi văn bản tới UBND tỉnh Hưng Yên xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch và thực hiện dự án đầu tư KCN Bãi Sậy thuộc các xã: Bãi Sậy, Phù Ủng, Bắc Sơn (huyện Ân Thi, Hưng Yên).

Trước đề xuất này, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh và các cơ quan liên quan, thẩm định đề xuất của Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị Hoà Phát.

Bất động sản công nghiệp “nổi sóng”, vì sao?

“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư từ những công ty hàng đầu, tầm cỡ quốc tế”. Đó chính là lý do ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Thành Long An cho biết khi khởi công dự án bất động sản công nghiệp rộng 1.800 ha ở Long An ngày 17/5 nói trên.

Tương tự với câu chuyện của Tân Thành Long An, trong suốt 2 năm trở lại đây, nhận thấy tiềm năng của phân khúc bất động sản công nghiệp mang lại, nhiều công ty chuyên nghiên cứu, tư vấn về bất động sản như Savills, JLL, CBRE… đã luôn lưu ý các doanh nghiệp trong nước rằng đang có một làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nội nên nắm bắt cơ hội này. 

TS. Sử Văn Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài với lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao hơn các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, chi phí lao động thấp. 

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi - tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới cũng là điểm cộng cho Việt Nam.

Một lợi thế khác của Việt Nam nữa theo ông Khương là gần Trung Quốc về mặt địa lý - giúp các nhà đầu tư dễ dàng bổ sung cơ sở sản xuất - nhưng vẫn không cần từ bỏ thị trường 1,4 tỷ dân này.

Ngoài ra, theo ông Khương, doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đầu tư tài chính, du lịch, bất động sản và dịch vụ, trong khi ở Thái Lan, Indonesia hay Hong Kong, cơ hội đầu tư ngày càng hạn chế hơn.

“Quá trình dịch chuyển các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ diễn ra sớm nhất từ năm 2021. Do vậy, đây là lúc doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị tốt hệ thống kho bãi, phục vụ hoạt động lưu trữ, giao - nhận hàng hoá trong chuỗi cung ứng”, ông Khương nhấn mạnh.