Đất nền Hà Nội: Đông, tây, nam, bắc...cùng nóng

Theo dddn

Không ồn ào như cơn sốt đất Ba Vì trước đó khoảng 1 năm, nhưng những thông tin như chiếc bánh ngọt được giới quy hoạch vẽ ra, ai dám chắc sẽ không xuất hiện một cơn sốt đất thứ 2.

Sóc Sơn “sôi sục”

Khoảng một tháng nay, huyện Sóc Sơn – ngoại thành Hà Nội sôi động hẳn khi thông tin Hà Nội dự kiến di dời 25 bệnh viện, 13 Viện nghiên cứu, 12 trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành, trong đó nhiều trường được chuyển về đây đã khiến người dân phấn khởi từng ngày.

Theo khảo sát, dường như ngày nào cũng có người đến hỏi mua khiến giá đất mỗi ngày được đẩy lên cao. Điển hình như mặt đường Quốc lộ 2, thuộc khu vực xã Thanh Xuân, giá đất lên đến 25 triệu đồng/m2. Khu vực Phố Kim Anh – Sóc Sơn cũng xấp xỉ 20 triệu đồng/m2, mặt đường Thạch Lỗi cũng được bán với giá 30 – 35 triệu đồng/m2, còn bình quân giá trong làng khoảng từ 5-6 triệu đồng/m2. Điều đáng nói là cách đây chưa đầy nửa năm, giá các mảnh đất trên chỉ dao động từ  10 - 15 triệu đồng/m2 là kịch trần. Với mức giá đó người mua không nhiều, thế mà giờ đây kịch bản đã thay đổi hẳn.

Đầu năm ngoái, một miếng đất 200m2 có vị trí tốt đất ở Minh Phú - Sóc Sơn có giá 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, con số đó hiện nay là 8 triệu đồng/m2. Năm ngoái, khi những thông tin ban đầu về di chuyển các cơ sở xây dựng lên Sóc Sơn, đất các xã Quang Tiến, Mai Đình nhúc nhích tăng giá. Miếng khá đẹp với giá dưới 2 triệu đồng/m2. Nay thông tin có vẻ rõ ràng hơn thì giá đã cao gấp 4-5 lần.

Người dân ở nội thành và một số tỉnh lân cận về hỏi mua đông nên khu vực này đã hình thành một đội quân chuyên môi giới đất, nhờ công việc này mà họ cũng kiếm được “kha khá”.

Một điều lạ, đến Sóc Sơn, hỏi bất kỳ người nào, ai cũng biết thông tin Hà Nội dự kiến di dời 25 bệnh viện, 13 Viện nghiên cứu, 12 trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành, trong đó Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới…ra Sóc Sơn. Chính lý do chưa ấn định vị trí nên đất khu vực Sóc Sơn chỗ nào cũng tăng.

Điểm đáng chú ý nữa là hạ tầng giao thông ở Sóc Sơn đang được đầu tư mạnh. Điển hình như dự án cao tốc Nội Bài - Hạ Long có chiều rộng 100m, có điểm đầu là đầu Quốc lộ 2, đi qua huyện Sóc Sơn và kết thúc tại vị trí đầu nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu (Trung Quốc) tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ hoàn thành vào năm 2013.

Đường 35 đang được cải tạo mở rộng có điểm đầu từ Quốc lộ 2 chạy qua Bái Thượng, Nam Cương, Minh Phú, Nam Sơn tới Quốc lộ 3 dài 17 km. Sắp tới, Quốc lộ 32 nối thẳng nội thành, qua Sóc Sơn lên Thái Nguyên và hàng loạt tỉnh khác cũng được mở rộng… khiến khu vực này đã hấp dẫn lại càng hấp dẫn hơn.

Không chỉ có người mua đất nền, đất thổ cư. Trong thời gian gần đây, xuất hiện một làn sóng ồ ạt đi săn lùng mua đất ruộng mặt đường Quốc lộ và đất xen kẹt. Sở dĩ, bởi đất ruộng ở đây được rao bán rất rẻ, chỉ dao động từ 1,5 – 2 triệu đồng/m2. Đất ruộng ở khu vực sâu hơn được bán với giá 300 – 350 triệu đồng/sào.

Chị Lan Anh (Phố Thanh Nhàn, Sóc Sơn) cho biết, mua đất này vừa rẻ lại có mặt tiền kinh doanh, hơn nữa, nếu khôn khéo lại có thể làm được sổ đỏ (?).

Các chuyên gia BĐS cũng khuyên rằng: “Mặc dù lợi nhuận của các mảnh đất này rất cao nhưng tỷ lệ ăn thua là 50/50. Nếu mua đất mà dính vào quy hoạch là coi như mất trắng, còn nếu không thì thắng lớn”.

Chương Mỹ: Chóng mặt, mỗi ngày một giá

Không chỉ có "sóng" ở huyện Sóc Sơn, cách trung tâm quận Hà Đông khoảng 8km, thị trấn Chúc Sơn thuộc huyện Chương Mỹ nằm trong dự án xây dựng mở rộng một số trường Đại học, khu Công nghiệp, cùng với đó đất nền tại đây đang tăng giá chóng mặt, mỗi ngày một giá.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện khu đất nền mặt tiền thị trấn Chúc Sơn bao gồm khu Hòa Sơn, khu Bắc Sơn, có giá 80-100 triệu đồng/m2. Theo một số “cò” đất, khu vực này thuộc trung tâm thị trấn, gần bệnh viện, ủy ban, bến xe, trường học, hơn nữa sau này sẽ xây dựng ĐH Thủy Lợi, ĐH Nông Nghiệp.

Khoảng một năm về trước, đất tại đây có giá 40 triệu đồng/m2. Sau khi UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt dự án xây dựng mở rộng ĐH Thủy Lợi với quy mô diện tích khoảng 57,3ha, thì đất ở đây bắt đầu tăng giá từng ngày. Có lẽ cũng vì cái “chắc chắn” này, mà đất tại đây được “cò” khuyến cáo nên mua nhanh vì người bán không nhiều, đất sẽ còn tăng giá nữa.

“Cò” Tuấn - một người khá thông thạo khu vực cho biết, giá đất từ cuối năm ngoái đến nay luôn nóng, anh có một mối định mua một mảnh gần khu dự án trường ĐH, người ta bán giá 20 triệu/m2, mấy hôm sau, một người khác mạnh dạn mua miếng đất ấy giá 22 triệu/m2. Hai ngày sau anh ta bán được giá 25 triệu/m2, hiện được giao bán giá 35 triệu/m2.

“Cò” Tuấn cho biết thêm, hiện tại giá đất mặt tiền quốc lộ 6 từ 40-45 triệu đồng/m2, đất quanh khu vực sẽ xây dựng trường ĐH Thủy Lợi là 30-35 triệu/m2, đầy đủ giấy tờ, sổ đỏ. Không chỉ đất mặt tiền tăng giá mạnh, đất trên đồi, núi gần chùa Hỏa Tinh cũng lên đến 17 triệu/m2. Đất trong làng nếu ô tô vào được giá 20-22 triệu/m2, sâu hơn giá 7-15 triệu/m2.

Ông Tâm, bán nước gần khu dự án cho biết, “Người ta tới xem quy hoạch dự án xây dựng đến đâu rồi mua đất quanh đó. Đất ruộng cũng mua, đất không giấy tờ cũng mua, giá bán khoảng 5-7 triệu/m2. Người dân cũng chẳng cần biết họ mua để làm gì, muốn mua thì bán thôi”.

Các chuyên gia BĐS cho biết, đất khu phía Tây và Nam của Hà Nội đang ngày càng nóng lên là nhờ quy hoạch tổng thể của thủ đô sắp được phê duyệt. Theo dự thảo đang được thảo luận, Hà Nội sẽ có 3 đô thị vệ tinh là Hoà Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai và 3 đô thị sinh thái là Quốc Oai, Chương Mỹ và Phúc Thọ. Đây là một trong những lý do khiến giá đất khu vực này tăng nhanh đến vậy.

Văn Điển: 'Đất chết' thành đất hứa

Đất Văn Điển từng bị rẻ rúng vì có khu nghĩa địa nhưng giờ đây gió đã xoay chiều nhanh chóng, nhất là khi nghĩa trang Văn Điển đóng cửa từ cuối năm ngoái. Đất nền ở khu vực này tăng giá rất mạnh. Khu vực phía nam Linh Đàm xuống đến thị trấn Văn Điển và các xã lân cận cũng đang bước vào cơn sốt đất mới. Hiện nay, giá đất ở trong làng thuộc nay đang cao hơn rất nhiều so với một số địa chỉ nằm gần đó dù còn thuận lợi hơn nhiều như khu cầu Tó, cầu Bươu, thị trấn Văn Điển... Các xã Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi, Tứ Hiệp, Thanh Liệt đã trở thành điểm nóng về nhà đất. So với trước Tết, giá đất nay đã tăng thêm cả chục triệu đồng. Những khu nằm sâu trong làng, rẻ nhất cũng phải hơn 35 triệu đồng/m2. Đất mặt ngõ rộng hơn được 'quát' giá 40-47 triệu đồng/m2. Dù giá đất vọt lên như vậy nhưng người dân cũng không vội bán vì sợ bị hớ

Có ý kiến cho rằng một trong những lý do khiến đất sốt trên diện rộng ở khu phía Nam thành phố này là sự phát triển ngày càng mở rộng về phía nam Hà Nội với việc xây dựng và hình thành một loạt các tuyến đường và khu đô thị mới. Tất cả đang tạo ra cú hích mới cho khu vực cửa ngõ phía nam Hà Nội.

Điều đáng nói là mặc dù Chính phủ đã tuyên bố siết tín dụng đổ vào bất động sản nhằm kiềm chế lạm phát nhưng diễn biến tình hình lại cho thấy dòng tiền dường như vẫn tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản Hà Nội. Cũng có ý kiến nhận định do các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ đã bị đóng lại, thị trường chứng khoán thì ảm đạm nên tiền sẽ tìm đường chạy sang bất động sản.