Đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào những ngày tháng 8/2012, cảm nhận đầu tiên ở đây là một không khí làm việc chuyên nghiệp, hối hả từ người đứng đầu cho đến mỗi phòng ban, bộ phận. Như thể chạy đua với thời gian, hơn hai trăm cán bộ, viên chức, người nào việc nấy, nhịp nhàng trong một guồng máy lớn, để phục vụ sự kiện quan trọng: Đưa tín phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) lên giao dịch trên thị trường thứ cấp vào ngày 24/8/2012.

Cùng một lúc đảm nhiệm những công việc hết sức nặng nề như vận hành thị trường cổ phiếu niêm yết với gần 400 mã chứng khoán; Thị trường cổ phiếu đăng ký giao dịch (UpCoM) với trên 130 mã chứng khoán; Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt với hơn 200 mã trái phiếu, vai trò “ba trong một” của HNX thêm một lần nữa được “nâng tầm” khi Sở được giao nhiệm vụ đưa tín phiếu kho bạc lên giao dịch trên thị trường thứ cấp. Đây là công việc tuy không quá mới mẻ với HNX, nhưng lại là khâu then chốt để đảm bảo cả một chương trình phối hợp lớn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thành công…

Không muốn nói nhiều về những công việc mang tính kỹ thuật đầy thầm lặng của Sở, ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc HNX, một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho Sở và là vị “Tổng công trình sư” cho những thành công của HNX lại đề cập đến vai trò quan trọng của Thông tư liên tịch 106/2012/TTLT-BTC-NHNN, ngày 28/6/2012, hướng dẫn phát hành tín phiếu KBNN qua Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 106). Theo ông Dũng, sự ra đời của Thông tư 106 thật sự có ý nghĩa với thị trường tài chính Việt Nam khi tín phiếu KBNN lâu nay vẫn “ngủ yên” trong hệ thống ngân hàng, qua HNX, lần đầu tiên được đưa lên giao dịch trên thị trường thứ cấp. Kể từ ngày 24/8 về sau, công cụ nợ ngắn hạn quan trọng của Chính phủ do KBNN phát hành qua hệ thống ngân hàng sẽ được niêm yết và giao dịch tập trung tại HNX như một loại TPCP chuyên biệt của thị trường.

Ý thức được thành công này sẽ không chỉ làm tăng thanh khoản cho tín phiếu KBNN, giúp Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện huy động vốn cho đầu tư phát triển thuận lợi hơn mà việc đưa loại hình tín phiếu này vào giao dịch sẽ giúp quy mô của thị trường trái phiếu tăng lên, thu hút sự quan tâm của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước tích cực tham gia đấu thầu tín phiếu trên thị trường sơ cấp nên HNX quán triệt rất sâu sắc ý nghĩa của sự kiện đến mỗi cán bộ trong Sở. Ông Trần Văn Dũng cho biết từ nhiều tháng nay, Sở đã nỗ lực hết mình để làm “cây cầu” nối giữa chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, cụ thể hoá các mục tiêu lớn mà Thông tư 106 - văn bản pháp lý quan trọng, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vạch ra.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc HNX thì chính kinh nghiệm xây dựng và vận hành thị trường TPCP từ những năm 2007 trở lại đây đã rèn luyện cho đội ngũ cán bộ của HNX một “thói quen” sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới, kèm với đó là nỗ lực vượt qua những thử thách dù không hề giản đơn… Nhớ lại những ngày chuẩn bị cho ra đời của thị trường đấu thầu TPCP chuyên biệt năm 2009, bà Lan bảo đó là những ngày mà từ Tổng Giám đốc cho đến những nhân viên, kỹ thuật viên đều không biết đến nghỉ chủ nhật, thứ bảy. Nhiều đợt, 7/7 ngày trong tuần, mọi người chỉ rời nhiệm sở khi thành phố đã lên đèn, các gia đình đã quây quần, xum họp quanh mâm cơm…Chính những nỗ lực tạo nên dấu mốc vận hành thành công thị trường TPCP chuyên biệt ngày 24/9/2009, là tiền đề để các phòng, ban và anh em trong Sở tạo nên thành công hôm nay, khi chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường TPCP đã không ngừng mở rộng, hoàn thiện và phát triển vượt bậc. Chỉ chưa đầy ba năm, một kênh đầu tư quan trọng đã được tạo lập, vận hành với kỹ thuật, tính năng hiện đại, với một đội ngũ chuyên gia quản lý lành nghề, không thua kém gì các nước trong khu vực. Bởi vậy, trước sức ép của thời gian và tiến độ của lần này Sở đã nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra… Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, riêng tại thị trường TPCP, HNX đã xây dựng xong các hệ thống gồm hệ thống đấu thầu điện tử, hệ thống giao dịch thứ cấp tín phiếu KBNN và tới đây là hệ thống đường cong lợi suất cho thị trường này.

Từ đây, các nhà đầu tư lớn, những tổ chức tài chính sẽ có thêm “món ăn” cho thực đơn đầu tư; tính thanh khoản của tín phiếu KBNN, một công cụ nợ ngắn hạn rất năng động của Chính phủ sẽ được tạo lập, thị trường tài chính và thị trường tiền tệ qua đó cũng sẽ được vận hành lành mạnh và nhịp nhàng hơn. Với HNX, như bao thành công đã đạt được trong 7 mùa xuân trưởng thành và phát triển, đây sẽ lại là một mốc son phát triển, đi lên trên con đường trở thành một trong những Sở giao dịch chứng khoán hiện đại trong khu vực. Với riêng tháng 8 này, việc khai trương giao dịch thị trường tín phiếu thực sự là món quà ý nghĩa của hơn hai trăm cán bộ, viên chức của Sở, thiết thực chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam.

Bài đăng trên Tài chính Đầu tư số 8-2012

Dấu ấn mới trên thị trường trái phiếu Chính phủ

VIỆT HÙNG

(Tài chính) Tháng 8/2012, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cùng một lúc hoàn thành hai nhiệm vụ quan trọng: Lần đầu tiên thực hiện đấu thầu trái phiếu điện tử (ngày 6/8) và tiếp đó là đưa tín phiếu Kho bạc Nhà nước lên giao dịch trên thị trường thứ cấp (ngày 24/8). Đây là món quà thực sự ý nghĩa của hơn hai trăm cán bộ, viên chức thuộc Sở chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày Truyền thống của ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2012).

Xem thêm

Video nổi bật