Đầu tư bất động sản, kênh giữ vốn an toàn?

Theo Minh Trang/thoibaongnganhang.vn

Theo một số chuyên gia, tại Việt Nam, đầu tư bất động sản vẫn là kênh đầu tư dự trữ vốn an toàn, trong bối cảnh lợi suất của các tài sản thu nhập cố định đã và đang giảm, nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến thu nhập và tiềm năng tăng giá thuê của các dự án bất động sản.

Đầu tư bất động sản vẫn là kênh đầu tư dự trữ vốn an toàn. Nguồn: Internet
Đầu tư bất động sản vẫn là kênh đầu tư dự trữ vốn an toàn. Nguồn: Internet

Bất động sản (BĐS) là kênh dự trữ tài sản lớn nhất với giá trị gấp 3,5 lần tổng sản lượng GDP toàn cầu. Theo Savills, tổng giá trị BĐS trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2017 có giá trị 280,6 ngàn tỷ USD, với khoảng 78% giá trị đến từ BĐS nhà ở.

Trong bối cảnh các ngân hàng đang có chính sách thắt chặt tín dụng cho BĐS, nguồn cung có dấu hiệu giảm dần, giá BĐS (du lịch nghỉ dưỡng, đất dự án, nhà chung cư…) năm 2019 so với những năm trước đều tăng 5 - 10%, cá biệt có những nơi tăng 20 - 50%, nhiều nhà đầu tư vẫn không ngừng đầu tư vào kênh này.

Kênh đầu tư an toàn?

Anh Nguyễn Bằng (Tp.Hải Dương) đã chia dòng vốn của mình đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Theo anh, chứng khoán thời điểm này rất khó tính toán khi Việt Nam trong dòng chảy hội nhập kinh tế, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới. Gửi tiền ngân hàng và găm giữ vàng chỉ có tính ổn định vì sinh lời không cao. Anh đã quyết định đầu tư đất tại Hà Nội và Bình Thuận.

Lý giải vấn đề này, anh Bằng cho biết, với mảnh đất anh đầu tư tại Hà Nội sau có thể cho thuê lại hoặc cho con cái lên học hành. Còn lô biệt thự tại Bình Thuận, anh xác định đầu tư dài hạn, vì đây là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch… Như vậy, BĐS vừa là kênh giữ vốn, vừa là nơi có thể sinh lời cho anh.

Anh Bằng chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn khách hàng khác đang lựa chọn BĐS là kênh giữ vốn an toàn cho tài sản của mình, bởi người Việt Nam luôn có quan niệm “người sinh ra chứ đất không sinh ra”.

Vì thế, khi thị trường Hà Nội và Tp.HCM khan hiếm nguồn cung, chủ đầu tư nắm bắt được tâm lý khách hàng đã tung hàng loạt dự án tại các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bình Thuận, Quảng Nam, Ninh Thuận… để đón lõng lượng khách này.

Với quan niệm kênh giữ vốn an toàn, mặc dù đất nền các tỉnh sốt nóng, tính pháp lý nhiều dự án còn mập mờ, chưa rõ ràng, bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “ôm mộng đất”.

Đã có nhiều trường hợp nhà đầu tư phải ăn chực, nằm chờ tại trụ sở của chủ đầu tư để đòi tiền, đòi sổ đỏ… như trường hợp 1.000 nhà đầu tư mua đất của công ty Bách Đạt An (Quảng Nam) mới xảy ra.

Chuyên gia của Savills Việt Nam đánh giá Việt Nam hiện đang là một trong những điểm nóng BĐS trong khu vực năm 2019. Với tiềm năng khổng lồ, triển vọng kinh tế vĩ mô và sự đầu tư không ngừng vào cơ sở hạ tầng, thị trường này đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phân khúc BĐS khác nhau.

Trang-11-Anh-bai-Chinh-JPG-3147-15605765
 

Kênh giữ vốn gặp khó?

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, động lực thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia thị trường BĐS bao gồm dự trữ tài sản, tăng giá trị vốn và lợi nhuận đến từ thu nhập. Trong bối cảnh lợi suất của các tài sản thu nhập cố định đã và đang giảm, nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến thu nhập và tiềm năng tăng giá thuê của các dự án BĐS.

Lý giải rõ hơn về tiềm năng gia tăng BĐS, ông Powell cho rằng sự phát triển này được hỗ trợ bởi tầng lớp trung lưu, tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ và lợi suất cho thuê cao nhất trong khu vực.

Thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ vị trí là một trong những phân khúc BĐS thu hút nhất trong khu vực.

Thị trường nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi do tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như sự tăng trưởng về số lượng đường bay thẳng quốc tế.

Đặc biệt hiện nay, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã khiến nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài rời khỏi Trung Quốc, chuyển nhà máy sang Việt Nam, thúc đẩy mảng bất động sản công nghiệp gia tăng, dự báo từ năm 2020, mảng này phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, nhóm khách hàng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Mỹ, châu Âu và các quỹ đầu tư toàn cầu hiện cũng đang tích cực nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam. Tất cả các phân khúc thương mại và nhà ở đều đang được nhắm tới.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, ngoài hạn chế về nguồn cung, các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài hiện đều đang đối mặt với một số khó khăn nhất định.

Thứ nhất, quỹ đất hạn chế, đặc biệt là tại những vị trí đắc địa nơi trung tâm đô thị. Điều này khiến việc đầu tư phát triển các dự án BĐS hạng sang trở nên khó khăn hơn.

Thứ hai, quy trình và thủ tục phát triển dự án, từ thu hồi, đền bù đất đến cấp phép và đấu thầu thường phức tạp và mất nhiều thời gian, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, các nhà đầu tư trong nước cũng đang chịu áp lực cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài với nguồn vốn dồi dào và các mô hình sản phẩm mới đang gia nhập thị trường.

Thứ tư, các chính sách mới và điều chỉnh luật cũng đang tạo ra khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc tìm nguồn vốn, xây dựng và hoàn vốn cho dự án.

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng triển vọng đầu tư của thị trường Việt Nam trong tương lai vẫn theo xu hướng khả quan. Khi các nhà đầu tư tìm kiếm một phân khúc BĐS để rót vốn, mối quan tâm của họ thường là tiềm năng và khả năng sinh lời của phân khúc.