Đầu tư bất động sản tỉnh lẻ: Cẩn thận nguy cơ "chết vốn"

Theo An An/reatimes.vn

Xu hướng nhà đầu tư đổ về thị trường tỉnh săn quỹ đất triển khai dự án đang bùng nổ trong năm 2019, mặc dù cơ hội mở ra lớn song không ít những rủi ro vẫn tiềm ẩn.

Những năm gần đây, thị trường bất động sản Vĩnh Phúc ngày càng trở nên sôi động. Nguồn: internet
Những năm gần đây, thị trường bất động sản Vĩnh Phúc ngày càng trở nên sôi động. Nguồn: internet

Từ giữa năm 2018 đến nay, ghi nhận thị trường đất nền nhiều tỉnh, thành phố có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh, đặc biệt là khu vực lân cận các đô thị lớn. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Tất Thái, một nhân viên môi giới bất động sản ở sàn giao dịch Phố Nối (Hưng Yên) cho hay, thời gian qua giá đất nhiều tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đã tăng mạnh so với những năm trước đó. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố khác, bất động sản cũng đang nhích lên như Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Việc giá bất động sản tại các tỉnh tăng do mặt bằng giá tại đây còn thấp, trong khi hạ tầng giao thông kết nối với Hà Nội ngày một phát triển, giúp việc di chuyển không còn gặp trở ngại như trước. Hơn nữa, thị trường bất động sản tại các tỉnh tăng trưởng một phần do là sự xuất hiện của nhiều ông lớn bất động sản, kéo theo làn sóng các nhà đầu tư nhỏ đi theo.

Có 3 lý do khiến thị trường tỉnh lẻ hút khách, thứ nhất là quỹ đất sạch tại thành phố lớn không còn nhiều và ngày càng trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, chính sách nhà nước ngày càng hạn chế về bất động sản trung tâm, một số vấn đề như pháp lý cũng làm nguồn cung giảm, buộc người dân phải ra khỏi thành phố để đầu tư. Do đó, các tỉnh lân cận Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Long An, Bình Dương... vô tình đón được cơn sóng này. 

Thứ hai, tận dụng cơ hội từ các cơn sóng bất động sản đã đẩy giá nhà đất ở khu trung tâm lên cao, trong khi giá bất động sản ở tỉnh còn thấp lại trở thành điểm thuận lợi thu hút đầu tư.

Thứ ba, nhu cầu đầu tư bất động sản của nhà đầu tư vẫn đang gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt, hiện nay việc đi ra khỏi thành phố trở thành một việc đơn giản và thói quen nên những bất động sản mang tính du lịch hấp dẫn người dân. Theo đó, bất động sản ven biển ở các tỉnh lẻ đã trở thành điểm đến được lựa chọn với nhiều nhà đầu tư.

Còn anh Vũ Ngọc Tâm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, đã bán chênh được 150 triệu đồng khi “rót tiền” vào mảnh đất thổ cư tại Phúc Yên (Vĩnh Phúc) vào thời điểm trước Tết Nguyên đán. Sau khi trừ các chi phí cho môi giới và lãi suất ngân hàng trong vòng vài tháng, số tiền lời anh hưởng cũng vào khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại anh cũng tiếp tục tìm kiếm đất giá thấp khu vực xa Hà Nội để đầu tư bởi số tiền chênh mỗi đợt lướt sóng sẽ dồn trả ngân hàng và lựa chọn tái đầu tư đất nền tỉnh, để tiền sinh ra tiền.

Anh chia sẻ: “Đương nhiên, đầu tư bất động sản đất nền vẫn được lời hơn hẳn số tiền làm công ăn lương. Tôi cũng vẫn tiếp tục nhờ môi giới tìm kiếm nền đất có mức giá dưới 1 tỷ đồng tại khu vực tỉnh lẻ để đầu tư. Còn căn hộ chung cư tỉnh lẻ hiện vẫn chưa nhiều, có nơi mới chỉ có 1 – 2 dự án đô thị ở thành phố, mà xu hướng của người dân tỉnh lẻ vẫn là ở đất nền, công nhân ở khu công nghiệp cũng chủ yếu thuê nên nếu có đầu tư cũng không ăn thua”.

Có thể nói, cơ hội và tiềm năng của bất động sản các tỉnh lân cận đô thị lớn vẫn đang mở rộng như vậy song giới phân tích cũng đưa ra khuyến cáo cần cân nhắc kỹ khi chọn mua nhà đất ngoại tỉnh bởi không phải khu vực nào cũng có nhu cầu cao. Thêm vào đó, do diện tích đất đai rộng lớn, những khu vực có thanh khoản cao không nhiều. Dù giá mềm nhưng nếu không phù hợp với đặc tính của dân cư trong tỉnh thì việc ra hàng sẽ rất khó khăn. Không ít dự án phân lô bán đất xong rồi bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch ban đầu, mà người gánh chịu rủi ro không ai khác chính là khách hàng.

Hơn nữa, tại các thành phố lớn, với lượng người có nhu cầu mua nhà cao, nếu nhà đầu tư lỡ ôm đất giá cao thì vẫn có thể bán lỗ để thu vốn. Ngược lại, ở các tỉnh lẻ, nếu đầu tư vào khu vực không phù hợp sẽ khó tìm được người mua dù có bán lỗ.

Bởi bài học 10 năm trước vẫn còn đó khi thời điểm giá đất các tỉnh còn thấp, doanh nghiệp cũng đổ về các tỉnh. Song những dự án, khu đô thị mọc ra quá nhanh, quy mô quá nhỏ, hạ tầng thiếu hụt, không thu hút được cư dân về sinh sống. Hệ quả là không ít doanh nghiệp “mắc kẹt” tại dự án, khó thoát thân khi muốn triển khai dự án mới. Đây là bài toán lớn, không ít rủi ro cho cả doanh nghiệp và cho nhà đầu tư cá nhân. Rõ ràng, một dự án thành công khi phải có cơ sở hạ tầng, tiện ích đầy đủ như trường học, khu vui chơi giải trí, bệnh viện... chứ không chỉ xây lên cho có.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Điểm mấu chốt khi đầu tư tỉnh lẻ là nhà đầu tư cần hiểu rõ khu vực dự định đầu tư. Dù diện tích đất đai của các tỉnh rộng lớn nhưng số lượng nhà, đất có tính thanh khoản cao không nhiều. Với một số khu đô thị mới mở ra, lượng đất nền lớn, giá mềm nhưng không phù hợp với đặc tính của dân cư trong tỉnh thì nhà đầu tư vẫn có thể khó bán hàng nếu tích trữ quá nhiều. Nhà đầu tư chỉ nên chọn tỉnh là quê mình hoặc nơi có nhiều người thân quen, bạn bè để tìm hiểu được kỹ càng về địa lý, tập quán của địa phương trước khi quyết định xuống tiền, tránh tình trạng “lướt sóng”. Cần lưu ý ở tỉnh lẻ lượng người mua bán sẽ hạn chế hơn, nếu đầu tư vào khu vực không phù hợp thì rất khó bán lại dù là bán lỗ”.

Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng nhà đầu tư nên chọn lọc, tìm đến những địa phương có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì bất động sản càng có thanh khoản tốt, đặc biệt là đất nền. Những tỉnh có nền công nghiệp phát triển, hay đứng đầu về thu hút FDI, có các cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ… cũng nên là mục tiêu lựa chọn đầu tiên vì khả năng đất tăng giá và thanh khoản tốt.