Đáy của bất động sản rơi vào cuối năm

Theo Tri thức Trẻ

Có thể “đáy” của thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào cuối năm nay, nếu giải quyết tốt được nợ xấu, và phục hồi từ năm 2014.

Đáy của bất động sản rơi vào cuối năm
Để thị trường tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định và sơm phục hồi trở lại, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng cần có sự ổn định hơn. Nguồn: Internet
Đó là nhìn nhận của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, hiện đang là thành viên HĐQT của OceanBank. Trong khi đó, mới đây, bầu Đức cũng đã đưa ra quan điểm nhìn nhận của mình về thị trường hiện nay đã là “thời điểm tốt” và những người có tài chính thì nên mua nhà vào lúc này. Quan điểm này của bầu Đức cũng được một số chuyên gia cho là có phần đúng như GS. Đặng Hùng Võ.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm về “khả năng hồi phục của thị trường BĐS” sáng ngày 9/5, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận triển vọng thị trường BĐS Việt Nam có khả năng sẽ hồi phục nếu các chính sách được thực thi tốt.

TS. Hiếu cho biết: “Hiện thị trường chưa chạm đáy, có thể đáy của thị trường BĐS sẽ xuất hiện vào cuối năm nay. Nếu Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thị trường, các ngân hàng xây dựng gói tín dụng cho BĐS hợp lý, thì thị trường sẽ phục hồi trở lại vào năm 2014, nếu không phải mất 2 đến 3 năm nữa, thị trường mới phục hồi.”

Theo một số chuyên gia nhận định, thị trường BĐS hiện nay đang tồn tại nghịch lý là thừa cung, trong khi cầu vẫn rất nhiều. Không có nước nào giá BĐS lại cao gấp nhiều lần thu nhập của người dân như ở Việt Nam, theo thống kê thì cao đến trên 26 lần thu nhập, trong khi các nước khu vực chỉ 5-6 lần.

Vụ trưởng Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cũng đã đưa ra con số về tăng trưởng tín dụng khả quan ở lĩnh vực BĐS, dư nợ cho vay BĐS đến 31/3/2013 đạt 230.951 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2012; Một số địa phương có mức tăng khá như Đà Nẵng (tăng 11,8%), Hà Nội (tăng 3,4%), TP. Hồ Chí Minh (tăng 2,5%).

Tuy nhiên, hiện vấn nạn lớn nhất của thị trường mà vẫn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ là “tồn kho” thì lại có chiều hướng tăng mạnh. Theo số liệu được Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS đưa ra, chỉ trong vòng chưa đầy 2-3 tháng kể từ đầu năm, lượng căn hộ chung cư (tính đến hết tháng 3/2013) tồn kho tăng lên đến 20% tương đương 33.852 căn hộ, đất nền tồn kho tăng 3% tương đương hơn 1 triệu m2.

Điều này cho thấy, khó khăn của thị trường vẫn còn đó, và nếu nợ xấu cũng như hàng tồn kho BĐS chưa được giải quyết thì thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn, mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì chúng ta đang xử lý “phần ngọn”, chứ chưa giải quyết được tận gốc những nguyên nhân dẫn đến thị trường BĐS hiện nay, và hệ lụy của nó.

Ông Lê Quốc Chính, Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Hibrand Vina, chủ đầu tư dự án Daewoo Cleve, cho rằng năm 2012 chính sách tiền tệ có 3 lần giảm lãi suất, nhưng nhà đầu tư, người dân rất khó tiếp cận vốn vay, người dân vẫn tiếp tục chờ và doanh nghiệp (DN) không thể bán được hàng.

DN không bán được hàng, khó khăn thì chúng tôi có thể dùng nguồn vốn khác từ nước ngoài, nhưng cảm nhận của tôi DN trong nước bị “tắc” thì buộc phải giảm giá “cắt vào thịt”, thì các DN ngoại cũng phải giảm theo, chắc chắn chúng ta “chết hết”.

“Giá BĐS theo chúng tôi là kỳ vọng vào kinh tế Việt Nam đi lên, thu nhập người dân tăng lên nên họ lao vào đầu tư, và tôi không hiểu viễn cảnh sau này thế nào? Tôi có cảm nhận, chúng ta sẽ thấy một đợt giảm giá nữa trên thị trường bởi theo nhìn nhận của các chuyên gia là “đáy” vẫn chưa đến, người dân thì vẫn tiếp tục chờ. Trong khi thành phần quan trọng nhất của thị trường là người mua, họ không mà không mua thì sẽ không có giải pháp nào cả.” Ông Chính nói.

Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Công ty Savills Việt Nam, cho biết, hiện thị trường vẫn đang trong giai đoạn đi xuống, nhưng tín hiệu dần lạc quan hơn khi 2 quý vừa qua có lượng giao dịch thành công tăng lên, đặc biệt ở phân khúc dưới 2 tỷ đồng/căn.

Ông Trung cũng đánh giá, tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam hiện vẫn rất lớn, dân số cao, nhu cầu nhà ở vẫn tăng, lượng cầu tiềm năng từ người nước ngoài và Việt kiều, tiềm năng BĐS du lịch vẫn chưa được khai thác hết, diện tích mặt bằng bán lẻ trên đầu người so với các nước vẫn ở mức rất thấp.

Hiện nay dư nợ tín dụng cho lĩnh vực BĐS chỉ chiếm khoảng 8-10% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế, nhưng dư nợ cho vay có bảo đảm bằng BĐS là rất lớn (trên 1,2 triệu tỷ), do vậy khó khăn của thị trường BĐS cũng không những tác động xấu đến các ngành nghề liên quan khác, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng ngân hàng.

Tuy là còn khó khăn, nhưng trong quý đầu của năm 2013 thị trường đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn sau khi Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có BĐS được ban hành. Tỷ lệ giao dịch tăng lên, các DN đã có giải pháp điều chỉnh lại cơ cấu hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực tế hơn,..

Và để thị trường tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định và sơm phục hồi trở lại, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng cần có sự ổn định hơn. Theo GS. Đặng Hùng Võ, để thực hiện tốt Nghị quyết 02, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương cũng như địa phương cần tôn trọng nguyên tắc minh bạch và công bằng. Mọi tư duy về tư lợi đều làm hại chung cho thị trường BĐS đang yếu ớt hiện nay.