Đẩy mạnh tích tụ đất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng Bắc bộ
Bài viết nghiên cứu thực trạng tích tụ ruộng đất nông nghiệp của hộ gia đình vùng Đồng bằng Bắc bộ giai đoạn 2011-2016. Kết quả thấy rằng, ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ, nhờ việc “dồn điền, đổi thửa”, nguồn lực đất đai đã được khơi thông, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tập trung dần xuất hiện, đem lại giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn nơi đây… Tuy nhiên, thực tiễn tích tụ ruộng đất nông nghiệp của các hộ gia đình ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ vẫn còn nhiều vướng mắc, cần kịp thời nhằm tháo gỡ nhằm góp phần phát triển nông nghiệp và nông thôn Đồng bằng Bắc bộ bền vững.
Thực trạng tích tụ đất nông nghiệp vùng Đồng bằng Bắc bộ giai đoạn 2011-2016
Khu vực Đồng bằng Bắc bộ (Đồng bằng sông Hồng) gồm có 11 tỉnh, thành phố; nằm ở hạ lưu sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam; có tiềm năng và lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế khác, cụ thể như: Diện tích tự nhiên của Vùng là 21,259,6 km2, chiếm 6,42% diện tích tự nhiên cả nước; dân số là 21.342,1 nghìn người, chiếm 22,78 % dân số cả nước; mật độ 1004 người/km2, gấp 3,55 lần so với mật độ dân số trung bình cả nước; lao động trong độ tuổi là 21,92% tổng số lao động cả nước… Đây chính là nền tảng cơ bản để vùng Đồng bằng Bắc bộ trở thành vùng kinh tế trọng điểm.
Để làm nổi bật những tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng Bắc bộ, nhóm tác giả nghiên cứu tình hình tích tụ ruộng đất ở khu vực trong giai đoạn 2011-2016. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn này, cơ cấu kinh tế của Vùng chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong Vùng đã gắn với xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Việc tích tụ hay tập trung ruộng đất của Vùng hướng theo mục tiêu thay đổi căn bản phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả và giá trị cao hơn, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người nông dân. Cụ thể, các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp ở các địa phương khá đa dạng, phong phú, góp phần mở rộng quy mô sản xuất cũng như thúc đẩy hình thành các hình thức tổ chức sản xuất mới.
Với việc tăng cường “dồn điền, đổi thửa”, diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp của Vùng Đồng bằng Bắc bộ đã có chiều hướng tăng, cụ thể là tăng từ 489m2/thửa (2011) lên 604,4m2/thửa (2016)… Đất sản xuất nông nghiệp trong Vùng đã khắc phục được tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, mô hình cánh đồng mẫu lớn xuất hiện và ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương; bước đầu khơi thông nguồn lực đất đai, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tập trung xuất hiện, đem lại giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp… Tuy nhiên, thực tiễn triển khai, ở nhiều địa phương đã xuất hiện không ít vướng mắc, cần giải pháp tháo gỡ kịp thời để việc tích tụ ruộng đất được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.
Trong thực tế, cùng với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá đô thị, một số địa phương trong vùng Đồng bằng Bắc bộ đã hình thành các khu đô thị, ra đời các khu công nghiệp, khu chế xuất, điều này dẫn tới sự biến đổi mạnh mẽ cơ cấu ngành, nghề trong Vùng. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá không chỉ làm biến đổi cơ cấu ngành nghề, còn tác động mạnh mẽ tới cơ cấu hộ nông thôn và thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, điều này khiến hộ gia đình nông dân trong vùng Đồng bằng Bắc bộ thiếu đất sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp theo đó ngày càng gia tăng.
Phân tích số liệu giai đoạn 2011-2016 cho thấy, sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề có xu hướng giảm dần hộ sản xuất nông lâm, thủy sản, tăng dần hộ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Số lượng hộ làm nông nghiệp năm 2016 đã giảm hơn 20% so với trước năm 2011. Quy mô của kinh tế hộ tuy đã có sự tăng trưởng nhất định nhưng mới thoát khỏi tự cấp, tự túc, tiềm lực về vốn, khoa hoc công nghệ, kỹ năng quản lý, thâm nhập thị trường, thông tin, sản xuất hàng hóa, quan hệ thị trường... còn yếu, nên chưa có điều kiện để tích tụ, tập trung ruộng đất.
Trong giai đoạn này, kinh tế tập thể của Vùng chưa phát triển, chưa trở thành chỗ dựa cho kinh tế hộ phát triển theo hướng kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa. Đáng chú ý là những hộ thuần nông trước đây (với 70% số hộ) nay đã có thay đổi đáng kể, phần lớn đã thu hẹp diện tích canh tác và bỏ hẳn nghề nông, làm cho số lao động tự do trong vùng tăng nhanh. Thực chất, lao động tự do chính là những người nông dân mất ruộng nhưng không được đào tạo nghề, họ không có việc làm nên phải lựa chọn làm bất cứ việc gì mà xã hội có nhu cầu, với hy vọng gia tăng thu nhập.
Khu vực Đồng bằng Bắc bộ giai đoạn 2011-2016 mặc dù đã định hình rõ 3 hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất như: (1) Dựa vào quy mô hộ gia đình dưới dạng trang trại lớn; (2) Hợp tác xã của nhiều hộ, trong đó có hợp tác xã nhóm hộ, hình thành mô hình hợp tác xã kiểu mới; (3) Doanh nghiệp và nông dân với nhiều hình thức hợp tác.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai vẫn còn gặp số vướng mắc, đặc biệt là mối quan hệ và độ tin cậy giữa doanh nghiệp - nông dân còn lỏng lẻo. Tích tụ ruộng đất trong Vùng cũng chưa gắn với phân công lại lao động trong nông nghiệp, nông thôn một cách chặt chẽ. Các trang trại có quy mô dưới 3 ha hầu như sử dụng lao động gia đình là chính và kết hợp với thuê lao động theo thời vụ. Một số trang trại quy mô lớn hàng chục ha kết hợp trang bị máy móc (máy cày, máy gặt, đập liên hợp) với thuê lao động thường xuyên (khoảng 10 người) và lao động mùa vụ.
Nhìn chung, quy mô tập trung ruộng đất vùng Đồng bằng Bắc bộ còn nhỏ, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có số lượng khá nhiều nhưng quy mô sử dụng đất thấp. Các hình thức dồn điền, đổi thửa, đặc biệt xây dựng cánh đồng lớn với các mô hình liên doanh, liên kết khác nhau được áp dụng chủ yếu đối với đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây hằng năm (lúa, ngô, mía) và trồng cây lâu năm, chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, nông thôn tuy là thị trường tiềm năng, nhưng chưa được quan tâm phát triển: Thị trường quyền sử dụng đất sơ cấp (Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân) đã hoạt động hiệu quả, nhưng thị trường quyền sử dụng đất thứ cấp (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh và góp vốn bằng quyền sử dụng đất) còn “đóng băng”. Trong các quyền được pháp luật cho phép, người sử dụng đất mới thực hiện một số quyền, như chuyển đổi, thừa kế, thế chấp; các quyền khác, như quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, cho thuê lại và góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn ít được sử dụng.
Thực tế này, một mặt, là do các quy định về quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, cho thuê lại còn chặt chẽ; các quy định và hướng dẫn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa đủ rõ ràng để người dân an tâm góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; mặt khác, tâm lý của người nông dân muốn giữ ruộng đất sản xuất, không muốn chuyển nhượng mặc dù không có nhu cầu sử dụng đất… Vì vậy, muốn thúc đẩy tích tụ ruộng đất nông nghiệp trong khu vực Đồng bằng Bắc bộ cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật, thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho thị trường đất đai hoạt độn, bảo đảm, bảo vệ quyền lợi của nông dân…
Giải pháp đẩy mạnh tích tụ đất nông nghiệp vùng Đồng băng Bắc bộ
Xu hướng chung trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay là sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Chính vì vậy, muốn sử dụng hiệu quả đất lúa ở Đồng bằng Bắc bộ, các địa phương trong Vùng phải nỗ lực hình thành vùng sản xuất tập trung trên cơ sở tận dụng lợi thế về chất đất, khí hậu và khai thác giá trị của các loại giống lúa đặc sản. Ðiều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong điều chỉnh các chính sách liên quan đến tích tụ đất nông nghiệp như:
Thứ nhất, rà soát và tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; nâng cao tính minh bạch trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc; bảo đảm nguyên tắc một cửa, một đầu mối trong tiếp nhận và trả kết quả, công khai, minh bạch, giảm phiền hà và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Thứ hai, rà soát chính sách hỗ trợ người dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp để tạo quỹ đất phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ tích tụ ruộng đất tập trung cho người sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao; tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa tại các địa bàn phù hợp.
Thứ ba, rà soát quy hoạch sử dụng đất đảm bảo quy hoạch phải ổn định, có tính định hướng dài hạn đáp ứng yêu cầu của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức công khai quy hoạch sử dụng đất các cấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt tạo điều kiện cho các chủ sử dụng đất, chủ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh lực nông nghiệp dễ tìm hiểu, tiếp cận và yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Thứ tư, quản lý, kiểm soát việc thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt tránh tình trạng phát triển tự phát, không theo quy hoạch, phá vỡ quy hoạch; việc tích tụ và tập trung ruộng đất phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ của Nhà nước, không để quá trình này diễn ra tự phát làm cho người nông dân mất ruộng mà không tìm được việc làm trở thành bần cùng hóa.
Thứ năm, hoàn thiện tài chính về đất đai kích thích quá trình dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tác động trực tiếp đến chủ sử dụng đất nông nghiệp. Áp dụng chính sách miễn thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được sử dụng cho xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có chính sách hỗ trợ tín dụng cho thuê đất, mua đất nông nghiệp để khuyến khích những hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất đồng thời đánh thuế đối với trường hợp bỏ hoang đất đai.
Thứ sáu, hoàn thiện chính sách tín dụng, tài chính ngân hàng: Có chính sách tín dụng, lãi suất ngân hàng theo cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp, nông dân vay vốn, tăng quy mô tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất. Xã hội hóa việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng phù hợp với quy mô tích tụ ruộng đất đảm bảo cho các nhà đầu tư có lãi khi đầu tư thực hiện dự án và người nông dân có thể chi trả được các dịch vụ do nhà đầu tư cung cấp. Thực thi chính sách bảo hiểm rủi ro cho ngành nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra. Áp dụng chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề cho nông dân để rút bớt lao động nông nghiệp, tạo tiền đề cho tích tụ ruộng đất.
Có thể khẳng định, việc tích tụ hay tập trung ruộng đất đều hướng đến mục tiêu thay đổi căn bản phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả và giá trị cao hơn, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người nông dân. Vì vậy, tập trung đất đai của vùng Đồng bằng Bắc bộ thời gian tới cần chuyển từ trọng tâm vào việc tái cơ cấu nông nghiệp, sang sử dụng không gian nông thôn hiệu quả hơn với việc quy hoạch hạ tầng, cụm dân cư và quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhằm cân bằng lợi ích của nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và nâng cao cao chất lượng đời sống của nông dân và cải thiện diện mạo nông thôn.
Tài liệu tham khảo:
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016);
Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016, “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016 - 2020) cấp quốc gia”;
Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014, 2016), Kết quả kiểm kê đất đai 2014 và 2016, NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam;
Tổng cục Thống kê (2012), Kết quả tổng điều tra nông thôn năm 2011;
Tổng cục Thống kê (2017), Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016;
Nguyễn Đình Bồng (Chủ biên), Lê Thái Bạt, Đào Trung Chính, Nguyễn Văn Toàn, Đào Văn Dinh, Nguyễn Thị Thu Trang, Đinh Gia Tuấn (2013), Quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu, NXB Chính trị quốc gia;
Nguyễn Đình Bồng, Nguyễn Thị Thu Hồng (2017), Một số vấn đề về tích tụ và tập trung đất đai trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn hiện nay, Tọa đàm khoa học: “Tích tụ, tập trung ruộng đất ở Việt Nam trong điều kiện mới: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Cộng sản 27/4/2017.