“Để bất động sản hấp hối thì không còn cứu kịp”

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành về thực trạng thị trường BĐS hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Theo ông, hiện nay đâu là tồn tại, khó khăn lớn nhất đối với thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh?

Ông Nguyễn Văn Đực: “Để bất động sản hấp hối thì không còn cứu kịp”
Ông Nguyễn Văn Đực,
 Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS
TP. Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Văn Đực: Theo tôi, thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay đang gặp phải bốn vấn đề lớn:

- Tồn kho nhiều, nợ xấu lớn.

- Doanh nghiệp hết tiền.

- Niềm tin vào thị trường.

- Thủ tục vẫn quá nhiêu khê trong việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và chia nhỏ căn hộ.

Vậy ông có thể cho biết vì sao đề xuất chia nhỏ căn hộ tại sao vẫn chưa thể triển khai có hiệu quả?

Bộ Xây dựng đã hướng dẫn rất rõ ràng tại Thông tư 02 và văn bản 1245/QLN-BXD về các tiêu chí, nhưng TP. Hồ Chí Minh xem xét rất chậm.

Hồ sơ phải qua Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thụ lý, mời 4 Sở và Uỷ ban Quận, huyện nơi có dự án xem xét, trình Uỷ ban nhân dân Thành phố quyết định. Sau khi có văn bản đồng ý của Uỷ ban nhân dân Thành phố, Sở Xây dựng duyệt thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng.

Thời gian lập hồ sơ và thủ tục xét duyệt kéo dài đến 6 tháng, nên đến nay TP. Hồ Chí Minh chỉ có một vài dự án được phép chia nhỏ. Chúng tôi thắc mắc đây là quy trình xem xét của riêng TP. Hồ Chí Minh hay có hướng dẫn từ Bộ Xây dựng?

Có ý kiến cho rằng thị trường BĐS hiện đang hấp hối và cứ để nó chết thật thì mới thể hiện đúng thực chất lúc đó bắt buộc các doanh nghiệp và nhà quản lý phải thay đổi. Ý kiến của ông thế nào?

Tôi thì không nghĩ vậy. Doanh nghiệp và nhà quản lý phải thay đổi để thị trường BĐS không chết. Phải trị liệu đúng liều đúng lúc trước khi bệnh hấp hối, để hấp hối thì không còn cứu kịp.

Ông đánh giá ra sao về việc nới điều kiện để tăng hiệu quả giải ngân của gói 30 ngàn tỷ đồng, liệu có “ăn thua” gì không?

Các ngành cần phải mở rộng điều kiện để tăng hiệu quả giải ngân gói 30.000 tỷ, cụ thể, về ngành xây dựng cần cho phép chuyển đổi nhà ở xã hội và cơ cấu căn hộ nhanh chóng.

Về ngân hàng, cần giảm các thủ tục, điều kiện cho vay.

Nhận định của ông về thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh năm 2014?

Theo tôi, thị trường BĐS nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng năm 2014 sẽ vẫn rất khó khăn và sẽ có sự đào thải lớn.

Theo đó, phân khúc cao cấp sẽ diễn ra đổ vỡ nhanh và mạnh, ngay trong năm nay chúng ta đã có thể thấy được sự đổ vỡ ở phân khúc này. Để cứu vãn cho tình trạng này không còn cách nào khác ngoài việc phải chuyển thành căn hộ nhỏ nhưng vẫn còn rất khó khăn.

Phân khúc nhà ở trung bình cũng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp muốn đứng vững sẽ chấp nhận bán hòa vốn, hoặc có thể bán lỗ vốn để thu hồi lại tiền.

Phân khúc nhà ở phù hợp với người có thu nhập dưới hoặc bằng 15 triệu đồng/tháng có cơ may tồn tại. Nhưng sản phẩm như thế hiện nay có rất ít hoặc không có do quá nhiêu khê về thủ tục.

Xin cảm ơn ông!