Để "cú hích" từ gói tín dụng 30.000 tỷ đi vào cuộc sống

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) vừa chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ và giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở.

Sau khi Chính phủ quyết định về gói tín dụng hỗ trợ ưu đãi 30.000 tỷ đồng và Quốc hội điều chỉnh giảm thuế đối với nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, giá cả hàng hóa BĐS tiếp tục có xu hướng giảm. Hầu hết các dự án đã giảm từ 10-30% so với cuối năm 2012, có dự án giảm 50%.

Những phản ứng tích cực

Theo báo cáo của 55/63 địa phương, tổng giá trị tồn kho tại các dự án phát triển nhà khoảng 102.000 tỷ đồng. Trong đó căn hộ chung cư khoảng 23.007 căn, nhà thấp tầng 15.000 căn, đất nền nhà ở 10,6 triệu m2, đất nền thương mại 2 triệu m2. Như vậy, giá trị tồn kho đã giảm 26.660 tỷ đồng so với tháng 3/2013.

Bộ Xây dựng, sau khi tổ chức kiểm tra liên ngành 11 địa bàn trọng điểm, đã thống kê hiện cả nước có 4.015 dự án nhà ở, khu đô thị mới, tổng mức đầu tư 4,5 triệu tỷ đồng, tổng diện tích đất theo quy hoạch là 102.228 ha. Hiện số dự án tiếp tục triển khai là 3.154 (78,6%) với diện tích đất 78,7%), số dự án cần điều chỉnh cơ cấu có 455 dự án (12%) với diện tích đất khoảng 21.087 ha. Các dự án tạm dừng triển khai là 524 (13%), diện tích đất 16.865ha.

Còn Ngân hàng Nhà nước cho biết tình hình tín dụng BĐS đã bắt đầu có sự chuyển biến, cho vay trong lĩnh vực BĐS đang thay đổi tích cực hơn, các ngân hàng bắt đầu cho vay trở lại các dự án khu đô thị, văn phòng, sửa chữa nhà cửa…

Triển khai nhà ở xã hội vẫn chậm

Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có 96 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với quy mô 31.850 căn hộ, tổng mức đầu tư 8.820 tỷ đồng, trong đó 34 dự án cho người thu nhập thấp, với 18.850 căn hộ; 62 dự án nhà cho công nhân với 13.000 căn hộ.

Hiện có 125 dự án nhà ở xã hội khác đang triển khai với 79.000 căn hộ, trong đó 86 dự án nhà cho người thu nhập thấp với quy mô 52.000 căn hộ, 39 dự án nhà cho công nhân. Hiện tại, Hà Nội đang triển khai 18 dự án với khoảng 19.600 căn hộ, TP. Hồ Chí Minh có 14 dự án với trên 6.600 căn hộ với giá bán từ 8-11 triệu đồng/m2.

Cùng với đó, hiện có 57 dự án đăng ký chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô 34.837 căn hộ; 52 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng đăng ký từ 25.917 căn điều chỉnh thành 32.922 căn.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc triển khai nhà ở xã hội đang đi theo hướng phù hợp với tình hình cung-cầu thị trường hiện nay. Nhưng việc triển khai giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở còn nhiều khó khăn. Sau 5 tháng thực hiện, số dự án đề xuất vay là 72 dự án với tổng số vay 6.657 tỷ đồng, nhưng mới có 7 dự án được chấp thuận với tổng số tiền 870 tỷ đồng và giải ngân cho 4 doanh nghiệp với số tiền 91 tỷ đồng. Đối với cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho vay 939 khách hàng với số tiền 325 tỷ đồng, giải ngân cho 920 khách hàng với dư nợ 221 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc giải ngân còn thấp là do nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thời điểm này khan hiếm. Trong số các dự án đề xuất vay trong gói 30.000 tỷ, nhiều dự án chưa hoàn tất các thủ tục.

Một số ý kiến từ ngân hàng cũng phản ánh vướng mắc về thủ tục liên quan đến việc cơ quan công chứng không đồng ý công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai là căn nhà hình thành tư vốn vay. Tương tự, thủ tục xác nhận của cấp xã về thực trạng nhà ở hiện còn khó khăn, được đánh giá chưa thuận lợi cho người dân có nhu cầu.

Gỡ vướng thủ tục, đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những nỗ lực triển khai Nghị quyết số 02 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS của các bộ, ngành địa phương thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ ưu đãi 30.000 tỷ đồng đang rất khiêm tốn, mức giải ngân và số đối tượng thụ hưởng chưa đáp ứng mục tiêu của một chính sách quan trọng, cấp bách cũng như đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân hiện nay.

Nguyên nhân khiến một chính sách tốt nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan khi chưa tạo ra nguồn cung hàng thực sự hấp dẫn và cũng chưa khơi thông về thủ tục, tạo thuận lợi cho dòng vốn hỗ trợ của Nhà nước đến được với đối tượng được thụ hưởng.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng và các địa phương tiếp tục rà soát, đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở xã hội, kiên quyết đảm bảo quỹ đất 20% theo quy định cho loại hình nhà ở này. Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc, giám sát khối lượng, khảo sát từng dự án cũng như đối tượng thụ hưởng, nắm bắt, xử lý các vấn đề phát sinh để việc triển khai dự án thuận lợi, đúng mục tiêu và hỗ trợ hiệu quả cho việc vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng.

Đối với vấn đề thủ tục xây dựng, vay vốn, bên cạnh việc khẩn trương xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản, khung pháp lý liên quan đến nhà ở xã hội, liên ngành Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên môi trường, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vấn đề về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số thủ tục liên quan đến vay vốn, trả nợ của khách hàng để thống nhất áp dụng trong hệ thống.

Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, phân loại các dự án để điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở để phù hợp với nhu cầu thị trường và nguồn lực xã hội. Xây dựng các tiêu chí xây dựng, số liệu, từ đó đưa ra đánh giá chuẩn về quy mô, nhu cầu, thủ tục hiện nay theo tinh thần tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân thụ hưởng.