Địa ốc thời khó: Lấy ngắn nuôi dài

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) vẫn đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mang về lợi nhuận ngắn hạn để duy trì hoạt động chính của công ty trong thời vượt khó, đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, ưu tiên vốn cho ngành cốt lõi.

Địa ốc thời khó: Lấy ngắn nuôi dài
DN BĐS vẫn đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Nguồn: internet
Lính mới bất đắc dĩ

Tại kỳ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2014 của Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt (mã CK: PDR), ông Võ Tấn Thành, Phó tổng giám đốc Đầu tư, cho biết, để tạo ra dòng tiền ổn định trong giai đoạn này, ngoài việc kết hợp với một đối tác để triển khai nhà hàng tiệc cưới ngay trong năm nay, Công ty tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào khoáng sản, lẫn các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) về hạ tầng tại các địa phương.

Cụ thể, Phát Đạt đang đầu tư một dự án BT cho tỉnh Khánh Hòa để đổi lại 110ha "đất sạch" tại Bãi Dài, Cam Ranh. Ngoài ra, PDR cũng đầu tư dự án BOT cầu Mỹ Lợi, vượt sông Vàm Cỏ (thay thế phà Mỹ Lợi), thuộc tuyến quốc lộ 50, nối Tiền Giang với Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Đây là công trình mà PDR liên doanh với Công ty cổ phần Bê tông 620 Long An làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 1.438 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình này sẽ đưa vào sử dụng năm 2015 và thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng. Như vậy, nếu hoàn thành đúng tiến độ, từ năm 2015, PDR sẽ có nguồn thu từ thu phí.

Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã CK: TDH) cũng đã tham gia phát triển một dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BT tại Thủ Thừa - Long An (Thuduc House là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương - PPI).

Đồng thời tăng cường hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khoáng sản thông qua việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra, Công ty đang xem xét đầu tư kho bãi tại cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) để hỗ trợ cho việc xuất nhập khẩu, kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Thuduc House, cho rằng, những hoạt động này mang lại doanh thu và dòng tiền để hỗ trợ Công ty khi lĩnh vực cốt lõi là BĐS đang còn nhiều khó khăn.

Theo tính toán, năm 2014, Công ty Thuduc House Wood Trading (xuất nhập khẩu dăm gỗ, sắn lát...), chợ nông sản Thủ Đức và Ban Xuất nhập khẩu sẽ mang về doanh thu từ 10 - 15 triệu USD cho Thuduc House.

Trong tổng doanh thu hợp nhất dự kiến 745 tỷ đồng của năm 2014 thì công ty mẹ chiếm 600 tỷ, với 339 tỷ đồng doanh thu từ địa ốc và 192 tỷ đồng (tăng 290% so với 2013) từ kinh doanh nông sản, xuất nhập khẩu.

Tìm vốn

Bên cạnh việc tạo ra nguồn thu ngắn hạn, các DN BĐS tiếp tục quá trình tái cơ cấu hoạt động để giảm thiểu gánh nặng tài chính và tập trung nguồn vốn phát triển các dự án BĐS có lợi thế cạnh tranh và tính thanh khoản tốt. Song song với việc giảm số lượng công ty con, thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư tài chính, phát hành thêm cổ phiếu, các DN có kế hoạch chuyển nhượng một số dự án và tìm kiếm nhà đầu tư mới cùng tham gia vào dự án.

Ngay như trường hợp Phát Đạt, thông qua CBRE Việt Nam, Công ty đã tiếp xúc và sau hơn 6 tháng làm việc, Phát Đạt thống nhất chọn Tập đoàn BĐS lớn của Trung Quốc, Country Garden là đối tác cùng phát triển dự án nhà ở The EverRich 2 và The EverRich 3 (Q.7, TP. Hồ Chí Minh).

Theo ông Võ Tấn Thành, ngay từ đầu, đối tác đề xuất chuyển nhượng lại toàn bộ dự án nhưng phía Công ty vẫn muốn tham gia vào hai dự án này vì tiến độ triển khai dự án đang ổn định, trong khi đó, các thủ tục pháp lý (phần khó nhất) của The EverRich 3 cũng đã tương đối hoàn chỉnh.

Còn đối với Thuduc House, quá trình tái cấu trúc tiếp tục diễn ra trong năm vừa qua. Theo đó, Thuduc House đã giảm số lượng công ty con, công ty liên kết từ 10 xuống còn 6, đồng thời, thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư tài chính để giải quyết nguồn vốn, như bán cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII), chứng chỉ quỹ Prudential và thoái vốn khỏi Công ty Tam Bình. Tổng cộng đến thời điểm hiện nay, Thuduc House đã bán 2/3 danh mục đầu tư.

Riêng Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (mã CK: VPH), tại đại hội cổ đông thường niên 2014 diễn ra tuần rồi, HĐQT đề xuất rút vốn khỏi các công ty thành viên, gồm: Công ty cổ phần BĐS Nhà Bè, Công ty cổ phần Chứng khoán Sen Vàng, Công ty cổ phần Vạn Khải với tổng số vốn thực góp là 22 tỷ đồng.

Ngoài ra, VPH sẽ chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Nhơn Đức - Nhà Bè (40ha) cho các đối tác để xây dựng Đại học Tài chính - Marketing (20ha) và Đại học Tài nguyên - Môi trường tại TP. Hồ Chí Minh (10ha) nhằm huy động thêm nguồn vốn triển khai thi công hai dự án trọng điểm của Công ty năm 2014 là khu phức hợp La Casa - giai đoạn 1 và dự án khu dân cư sinh thái Nhơn Đức.

Không chỉ cơ cấu lại danh mục đầu tư, để chuẩn bị nguồn vốn, đa phần các DN BĐS niêm yết đều nhắm đến việc phát hành thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, giải pháp này còn phải tùy thuộc vào điều kiện thị trường, mức độ hấp dẫn của cổ phiếu đối với nhà đầu tư.

Điều này đã được bà Trần Thị Hường, Phó tổng giám đốc Phát Đạt chia sẻ, năm 2013, Công ty dự định phát hành thêm 18 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhưng không thành công, một phần vì nhà đầu tư còn mất niềm tin vào lĩnh vực BĐS; một phần vì điều kiện của đối tác quan tâm đến cổ phiếu PDR đưa ra không thỏa với Công ty nên việc phát hành này sẽ được xem xét, khi nào điều kiện thuận lợi sẽ tiến hành.

Còn với VPH, Công ty cũng đã lên phương án phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị trên 100 tỷ đồng (10.000 đồng/cổ phiếu). Song, nếu ngay thời điểm phát hành, giá cổ phiếu VPH giảm xuống còn 6.000 đồng/cổ phiếu thì Công ty sẽ không thực hiện.