Doanh nghiệp bất động sản đổi vận nhờ hoạt động M&A

Theo enternews.vn

Hàng loạt dự án bất động sản đình đám từng “chết chìm” bỗng dưng đổi vận nhờ hoạt động M&A.

Đất nền dự án Nam An Khánh đã được thị trường quan tâm trở lại. Nguồn: Internet
Đất nền dự án Nam An Khánh đã được thị trường quan tâm trở lại. Nguồn: Internet

Cách đây 5 năm, bất động sản dọc hai bên Đại lộ Thăng Long từng được coi là nơi “hốt bạc” của giới đầu tư. Đặc biệt, dự án Nam An Khánh từng được ví như "thiên đường" cuộc sống ở Hà Nội và được chào bán với giá cao ngất ngưởng lên tới 50-60 triệu đồng/m2. Tuy nhiên do thị trường bất động sản giai đoạn 2008-2009 bắt đầu lao dốc, chủ đầu tư gặp khó khăn khiến dự án "đắp chiếu" trong nhiều năm.

Cơ hội hồi sinh dự án

Cách đây 2 năm, để có tiền tái khởi động dự án, ông Hồ Sỹ Hùng - Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Sudico đã phải tuyên bố bán một phần dự án Nam An Khánh cho Công ty cổ phần (CP) Phát triển dự án Techcom Developer.

Nỗi đau của bất động sản Đại lộ Thăng Long có lẽ không thể không kể tới dự án Tricon Tower của Công ty CP đầu tư Minh Việt. Sau khi hoàn thành phần móng, cho tới nay dự án vẫn đang chìm trong giấc ngủ dài và chưa biết tới ngày nào tái khởi động bởi chính ông chủ của dự án hiện nay không còn có thông tin nào ở Việt Nam.

Và 128 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ Tricon Towers từ những năm 2009, 2010 cũng có nguy cơ rơi vào cảnh mất trắng căn hộ nếu không có ai giải cứu.

Không chỉ có những dự án nằm dọc Đại lộ Thăng Long, hiện nay nhiều dự án “chết lâm sàng” vẫn nằm la liệt trên thị trường mà chưa biết bao giờ mới vực dậy như: Chuỗi dự án của Vina Megastar, Usilk City, AZ Lâm Viên Complex, Habico Phạm Văn Đồng…

Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội thừa nhận, để xảy ra tình trạng nhiều dự án chết lâm sàng cũng một phần do tầm nhìn của chủ đầu tư phán đoán sai về hướng phát triển của thị trường bất động sản.

“Thời điểm năm 2008, thị trường bất động sản đang trên đỉnh cao, các nhà đầu tư đổ xô xây dựng cao ốc, lúc đó lãi suất ngân hàng lại khá cao nên khi thị trường bị “đóng băng” thì các nhà đầu tư này đã gánh chịu hậu quả. Đây cũng là bài học đắt giá cho các chủ đầu tư, khi quyết định đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ thị trường, phán đoán đúng nhu cầu, không nên chạy theo phong trào” – ông Cường cho biết.

Lúc này, để hồi sinh các dự án chết lâm sàng cần phải có một DN lớn, tiềm lực tài chính cực mạnh đứng ra để xử lý được những vấn đề tồn tại của dự án. Điển hình như các khoản nợ thuế, nợ ngân hàng,...

Bên cạnh đó, còn phải hoàn thành các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng dự án rất phức tạp mà ngay cả cơ quan quản lý cũng bối rối. Quan trọng đó là phải làm sao xử lý được mối quan hệ vẹn toàn với những khách hàng đã đặt mua nhà tại dự án.

Tạo dựng lòng tin với khách hàng

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch CEN Group cho rằng, điều quan trọng nhất để hồi sinh những dự án “đắp chiếu” hoặc tạm dừng thi công do thiếu vốn là cần phải có lòng tin.

“Ngân hàng có lòng tin thì mới cho vay, nhà thầu có tin chủ đầu tư thì mới ứng tiền thi công, khách hàng có tin thì mới tiếp tục đóng tiền. Vì thế, cần phải có cơ chế xây dựng lòng tin và cơ chế phối hợp giữa ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị phân phối và khách hàng” – ông Hưng cho biết.

Dẫn chứng tại dự án như Usilk City, khi khách hàng đã hoàn toàn mất niềm tin vào chủ đầu tư cũ, cho dù những động thái của chủ đầu tư mới tốt đến đâu thì họ vẫn cứ nghi ngờ. Chính vì vậy, nếu bên mua không có cách ứng xử phù hợp để lấy lại niềm tin của khách hàng thì rất khó khởi động lại dự án.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô thừa nhận, việc hồi sinh một phần dự án Usilk City không hề dễ dàng bởi dự án này quá phức tạp và tình hình của Sông Đà Thăng Long quá nhiều vấn đề, vì vậy thủ tục pháp lý phê duyệt chuyển nhượng chậm hơn dự kiến.

Tuy nhiên chủ đầu tư mới và khách hàng của dự án này đã đi đến một quyết định chưa từng có tiền lệ là khách hàng sẽ đóng tiền vào tài khoản chủ đầu tư tại ngân hàng và khách hàng cùng ngân hàng giám sát việc giải ngân theo tiến độ. Nhờ cách làm này, dự án Usilk City đã hồi sinh một phần và chủ đầu tư đang chuẩn bị bàn giao nhà.

Còn tại dự án Nam An Khánh, sau khi bán lại một phần dự án cho đối tác và được triển khai bài bản, đất nền tại dự án này đã được thị trường quan tâm trở lại.

Cả công trường dự án Nam An Khánh cả năm qua tấp nập xe cộ, máy móc thi công, đi lại. Có lẽ đây chính là lý do khiến dự án này đang từ đắp chiếu bỗng chốc trở thành món "hàng hot" trên thị trường bất động.