Doanh nghiệp bất động sản: Tạo dựng niềm tin để tự cứu mình

Tăng Triển (Đầu tư Chứng khoán)

Theo nhận định của giới chuyên môn, hiện đà suy giảm của thị trường bất động sản đã chững lại, giá sẽ không còn giảm sâu.

Doanh nghiệp bất động sản: Tạo dựng niềm tin để tự cứu mình
Để phá băng thị trường bất động sản, các doanh nghiệp cần phải lấy lại niềm tin của người tiêu dùng

Mặc dù vậy, thị trường vẫn đối mặt với một cuộc sàng lọc lớn, vì người tiêu dùng đặc biệt cẩn trọng trong các quyết định mua nhà vào thời điểm này. Xây dựng niềm tin của khách hàng được xem là yếu tố quan trọng tạo hướng đi cho các doanh nghiệp địa ốc.

Ghi nhận của phóng viên về tình hình thực tế của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh gần đây cho thấy, trong khó khăn chung của thị trường thời gian qua, vẫn có không ít dự án nhận được sự quan tâm của khách hàng. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa thời điểm hiện nay so với trước đây là khách hàng chỉ nhắm vào những dự án được xây dựng tốt, chủ đầu tư uy tín. Còn những dự án dù được quảng bá tốt đến mức nào đi nữa, nhưng thiếu những yếu tố trên thì vẫn bị khách hàng “quay lưng”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, mặc dù giá nhà đã giảm khá mạnh, nhưng thanh khoản thị trường vẫn chưa khởi sắc, nguyên nhân chính là do sự sụt giảm niềm tin của khách hàng về chất lượng sản phẩm. Đây là hệ lụy của một thời doanh nghiệp đổ xô đầu tư theo phong trào.

Theo ông Hiển, những năm trước, lĩnh vực bất động sản phát triển quá nóng và có tỷ suất sinh lợi rất cao, khiến các doanh nghiệp ồ ạt tham gia lĩnh vực phát triển bất động sản. Có những doanh nghiệp trước đây hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng chuyển hướng sang bất động sản, mà không chú trọng đến trình độ cũng như kinh nghiệm quản lý. Không ít doanh nghiệp chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, có tính sinh lời cao, mà không quan tâm đến nhu cầu thực sự của thị trường.

Đặc biệt, đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tổng tài sản chỉ khoảng 200 - 300 tỷ đồng, thậm chí thấp hơn, nhưng vẫn chủ trương đi vay nợ hoặc huy động thêm từ khách hàng để triển khai những dự án kéo dài 3 - 5 năm và chi phí đầu tư một dự án có thể lớn gấp đôi, gấp ba vốn chủ sở hữu. Điều này khiến các doanh nghiệp thường chủ trương quảng cáo mạnh, thu hút người mua để lấy vốn xây dựng, không thể thực hiện đầu tư bài bản, dựa trên chất lượng căn hộ và kế hoạch bán hàng - khai thác dài hạn.

“Trong vòng 3 năm 2007 - 2009, số lượng căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh từ 3.000 căn đã tăng lên gấp 10 lần. Trong đó, nhiều dự án gắn mác căn hộ cao cấp để đẩy giá bán lên cao, trong khi chất lượng và dịch vụ chỉ ở mức trung bình. Nhiều dự án triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng. Một khi quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng thì rất khó để thị trường có thể chấp nhận sản phẩm đó”, ông Hiển nói và cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, quyền quyết định đang nằm trong tay khách hàng, chứ không phải là những doanh nghiệp phát triển bất động sản. Vì vậy, trong lúc này, doanh nghiệp bán được hàng, tạo dựng niềm tin với khách hàng là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Ông Nguyễn Thụy Nhân, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Bình Chánh nhận xét, có hai nguyên nhân cơ bản khiến thị trường bất động sản gặp khó khăn. Thứ nhất, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, nên sức mua giảm, trong đó có bất động sản. Thứ hai, thị trường bất động sản đang bị khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng.

“Hiện nhà đầu tư mang nặng tâm lý chờ đợi giá còn giảm xuống nữa. Thị trường chỉ có thể ấm lên khi nào tâm lý này thay đổi”, ông Nhân nhận định.

Nhận xét khách hàng hiện có tâm lý “hoang mang”, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long cho rằng, không ai khác, chính các doanh nghiệp cần phải lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

“Người mua nhà đang có 3 câu hỏi: Giá đã hợp lý chưa? Chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính để hoàn thiện dự án không? Chất lượng liệu có đảm bảo như cam kết? Nếu giải quyết được 3 câu hỏi này, thì dự án sẽ bán được hàng”, ông Trân nói và cho biết, trong 3 tháng vừa qua, Nam Long đưa ra thị trường 2 dự án căn hộ có mức giá tầm trung và có kết quả bán hàng khá tốt, một phần nhờ chủ đầu tư nỗ lực giải quyết các vấn đề trên.