Doanh nghiệp chủ động tiết giảm nguồn cung

Theo ĐTCK

Do TTCK sụt giảm, không ít DN giãn thời điểm lên sàn, chờ lúc thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc thoái vốn của một số tập đoàn, như PVN, sẽ không thực hiện qua sàn nếu giá cổ phiếu giảm sâu.

 

TTCK lao dốc mạnh, ảnh hưởng tới kế hoạch niêm yết cổ phiếu và cơ cấu danh mục của các tổ chức đầu tư. Nhiều DN lớn đã phải chủ động giãn, lùi thời gian niêm yết cổ phiếu, còn các tập đoàn, tổng công ty cho biết, giá cổ phiếu rớt sâu sẽ hạn chế hoạt động thoái vốn qua TTCK.

Hoãn niêm yết

CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương tín - Sacomreal (SCR) thông báo, do diễn biến của TTCK không có lợi cho việc niêm yết, nên để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi NĐT, HĐQT Công ty đã quyết định hoãn thời gian thực hiện chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký chứng khoán. Ban đầu, SCR dự định chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký vào 25/8.

SCR có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, đăng ký niêm yết 100 triệu cổ phiếu trên HNX. Trên thị trường tự do, giá cổ phiếu SCR từng được ghi nhận ở mức cao nhất 6x, hiện chỉ còn 3x.

Ông Đặng Hồng Anh, Tổng giám đốc SCR cho biết, Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông khi tình hình thuận lợi hơn. SCR đặt mục tiêu cố gắng niêm yết cổ phiếu trong năm 2010, nhưng thực hiện được hay không thì phụ thuộc vào thị trường. Chính các đơn vị tư vấn cho SCR là 3 CTCK hàng đầu gồm SBS, HSC và TLS đưa ra khuyến nghị hoãn niêm yết cổ phiếu, chờ thời điểm thích hợp hơn.

Petroland, DN có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, dự kiến niêm yết cổ phiếu hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7 đến nay vẫn còn e dè. Ông Bùi Minh Chính, Tổng giám đốc Petroland cho hay, DN đã được HOSE chấp thuận nguyên tắc về việc niêm yết cổ phiếu. Sau thời điểm này, DN có 3 tháng hoàn thiện các thủ tục để được chấp thuận chính thức. Thời điểm niêm yết do vậy sẽ được Công ty cân nhắc cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh thị trường đang không mấy thuận lợi.

Ông Chính cũng cho hay, trong cơ cấu cổ đông của Petroland, cổ đông sáng lập, tổ chức nắm giữ tới 75% vốn (trong đó PVC nắm 28,45%, BIDV 9%, CII 8%, PVOiL 10%), những cổ đông này đều cam kết nắm giữ cổ phiếu Petroland dài hạn, vì vậy sẽ không có chuyện DN vừa lên sàn, cổ đông lớn thực hiện thoái vốn ngay.

Theo thống kê của HOSE và HNX, hiện 2 Sở đang tiếp nhận hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu của gần 80 công ty. Trong đó có những DN quy mô khá lớn như CTCP Bất động sản Tài chính Dầu khí, vốn 500 tỷ đồng; CTCP Tài chính quốc tế và Phát triển DN IDJ, vốn điều lệ 326 tỷ đồng; CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam, vốn 300 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Mai Linh Đông Bắc Bộ, vốn 401 tỷ đồng.

Dù muốn hay không, diễn biến thị trường cũng có ảnh hưởng lớn tới quyết định niêm yết cổ phiếu của DN. Bởi lẽ, niêm yết thời điểm này, giá cổ phiếu ngày chào sàn nhiều khả năng rớt mạnh so với giá trên thị trường OTC. Không lãnh đạo DN nào muốn cổ đông của mình thua lỗ, nên không ít DN một mặt vẫn hoàn thiện hồ sơ niêm yết, một mặt chủ động giãn thời điểm lên sàn, chờ lúc thuận lợi hơn.

Thoái vốn: Chờ thời

Một trong những tập đoàn thực hiện thoái vốn mạnh qua TTCK thời gian qua là Petro Việt Nam (PVN). Thông tin PVN đưa 28 DN thành viên lên niêm yết trong nửa cuối năm, đồng thời thoái vốn tại một loạt DN khiến thị trường không khỏi lo ngại về nguồn cung cổ phiếu lớn. Tuy vậy, đến thời điểm này, thông tin từ Tập đoàn cho biết, cố gắng lắm cũng chỉ có khoảng 12 - 13 DN niêm yết từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Giám đốc Khối tư vấn CTCK Dầu khí (PSI) cho hay, 6 tháng cuối năm, PSI dự kiến đưa khoảng 7 - 8 đơn vị thành viên PVN lên niêm yết, với những DN ngành dầu khí không nắm cổ phần chi phối thì khả năng lên sàn trong năm nay không chắc chắn.

Với những DN dầu khí đã có kế hoạch lên sàn năm 2010, PVN và các đơn vị thành viên không hướng đến việc bán bớt cổ phiếu hay tạo giá trị gia tăng, mà hướng đến việc cải thiện quản trị DN, tăng độ minh bạch trong hoạt động. Diễn biến lên xuống của TTCK do vậy không ảnh hưởng đến tiến trình niêm yết của DN.

PVN cũng đã nhiều lần nhắc đến lộ trình thoái bớt vốn tại các công ty con (công ty “cháu” đã thực hiện xong - PV) như giảm tỷ lệ sở hữu tại PVFC, PVS, PVD xuống 51%, tại PVX xuống 36%..., song bán qua sàn tập trung không phải là cách làm duy nhất.

PVN sẽ bán bớt vốn tại các DN trên thông qua việc đưa cổ phiếu họ dầu khí niêm yết tại nước ngoài, bán cho đối tác nước ngoài (hiện Huyndai đang đàm phán mua 10% cổ phần của PVN tại PVX), bán cho các tổ chức đầu tư trong nước với lô lớn.

Đại diện PVN khẳng định: “Nếu cổ phiếu trên sàn rớt sâu PVN sẽ không bán cổ phiếu qua sàn”.

Thị trường còn lo ngại về nguồn cung cổ phiếu dầu khí đến từ các công ty con của PVN với những đầu mối lớn như PVFC, PVX, PVI... Song thực sự đây không phải nguồn cung quá lớn. Đơn cử như tại PVX, hiện tổng số vốn PVX đã đầu tư vào các DN khác là 2.053 tỷ đồng, trong đó vốn góp vào các công ty con là 590,5 tỷ đồng, vốn góp vào các công ty liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn là 1.462,5 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, PVX bán bớt 176 tỷ đồng vốn góp tại các công ty con, song cũng đã thực hiện góp vốn mới 552 tỷ đồng.

Việc thoái vốn của Vinaconex đang diễn ra rất chậm chạp. Năm 2009 - 2010, tổng công ty này đặt mục tiêu tái cấu trúc vốn tại 34 đơn vị, nhưng năm 2009 mới thực hiện được tại 8 đơn vị, thu về 510 tỷ đồng; năm 2010 mới thực hiện được tại 5 đơn vị.

Vinaconex đã thành công trong việc tăng số lượng các công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch, song việc bán bớt vốn chủ yếu tại các công ty chưa niêm yết. Tại các công ty niêm yết, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Vinaconex phần lớn ở mức chi phối 51 %.

Rõ ràng, tái cơ cấu vốn dầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang là dấu hỏi lớn với thị trường, song niêm yết mới và thoái vốn qua sàn không phải là lựa chọn duy nhất, do vậy cũng không có cơ sở để thổi phồng quá đáng mối lo này.