Doanh nghiệp vẫn “dài cổ” chờ gói 30.000 tỷ đồng

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Dù đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội tiếp cận được với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên, đó chỉ là con số ít, đa số còn lại vẫn đang ngóng từng ngày để được xét duyệt vay từ gói hỗ trợ này.

 Doanh nghiệp vẫn “dài cổ” chờ gói 30.000 tỷ đồng
dù còn khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp vẫn mang niềm tin được vay vốn. Nguồn: internet

Có thể nói, trong số các chủ đầu tư đầu tư nhà ở xã hội và chuyển đổi dự án, thì Công ty Địa ốc Hoàng Quân (HQC) là một trong những trường hợp đầu tiên tiếp cận được với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng khi được BIDV cung cấp khoản vay 540 tỷ đồng cho dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. Không may mắn như Hoàng Quân, nhiều chủ đầu tư khác vẫn đang “dài cổ” chờ đợi được xét duyệt cho vay từ gói hỗ trợ này.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc Tổng công ty IDICO cho biết, sau khi khởi công dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch I (Đồng Nai) vào đầu tháng 4 vừa qua, IDICO khẩn trương xây dựng công trình và dự kiến sẽ bán hàng vào đầu tháng 8/2013. Trong năm 2013, IDICO dự kiến vay 50 tỷ đồng cho dự án này, nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.

Giá tạm tính sơ bộ cho căn hộ 36 m2 khoảng 140 triệu đồng, căn hộ 45 m2 khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Bình quân khoảng 5 triệu đồng/m2 đã bao gồm thuế. Đây là giá được tính khi doanh nghiệp vay lãi suất không ưu đãi. Nếu được vay lãi suất ưu đãi thì giá mỗi m2 giảm khoảng 200.000 đồng. Giá cho thuê dự kiến là 900.000 đồng/tháng đối với căn hộ 36 m2 và 1,5 triệu đồng/tháng đối với căn hộ 45 m2.

Mặc dù mới khởi công, nhưng lượng hồ sơ đăng ký cũng tương đối, bởi mức giá mà Công ty đưa ra rất hấp dẫn đối với người mua.

“Nếu được vay với lãi suất ưu đãi sớm, giá thành căn hộ sẽ hạ xuống nữa, bán hàng sẽ thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh, từ đó có thể tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án khác”, ông Đạt chia sẻ và cho biết, thời gian giải ngân sẽ tác động lớn đến toàn bộ “số phận” của các dự án nhà ở thu nhập thấp, đặc biệt là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Một dự án khác tại Đồng Nai cũng “ngóng” dòng vốn từ gói 30.000 tỷ đồng để sớm thoát được những khó khăn hiện tại là dự án nhà ở xã hội tại TP. Biên Hòa do Công ty Sơn An làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Sơn An cho biết, theo kế hoạch, Sơn An sẽ được vay 150 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện dự án. Nếu tháng 9/2013, khoản vay được giải ngân thì Công ty sẽ bàn giao nhà vào quý I/2015. Cái khó của Sơn An là từ trước đến nay, vốn cho dự án phải huy động từ nhiều nguồn và vay với lãi suất cao, trong khi giá bán và đối tượng mua lại theo tiêu chuẩn. Hiện Công ty đã đầu tư vào dự án 170 tỷ đồng, nhưng khoản thu của khách hàng chỉ 20 tỷ đồng. Dù giá bán chỉ 10,8 triệu đồng/m2, nhưng dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại 22 tầng với 2 tầng hầm, 6 tháng máy. Vì vậy, Công ty không sợ ế hàng, bởi mức giá bán của các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn có cùng tiện ích là khoảng 16 - 17 triệu đồng/m2, thậm chí là 20 triệu đồng/m2. Vấn đề bây giờ là chờ đợi vốn, nếu có vốn, Công ty sẽ tái khởi động dự án ngay.

Một số công ty triển khai dự án nhà giá thấp khác tại TP. Hồ Chí Minh dù không vay trực tiếp từ gói hỗ trợ, nhưng hợp tác với ngân hàng hỗ trợ vốn vay giá rẻ cho người mua. Đơn cử như Dự án EHome 3 của Nam Long có giá từ 600 - 700 triệu đồng/căn cho diện tích từ 49 - 63 m2, khách hàng được vay gói lãi suất hỗ trợ 6%/năm. Lê Thành bán căn hộ giá từ 13 - 14 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), trả góp trong 5 năm, lãi suất 0%, hoặc căn hộ thuê mua 49 năm có giá từ 330 - 380 triệu đồng/căn. Ngoài ra, có nhiều công ty khác dù không được vay gói 30.000 tỷ đồng, nhưng đưa ra giải pháp tài chính tốt cho khách hàng như các dự án nhà giá thấp của Tập đoàn Đất Xanh.

Như vậy, dù còn khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, nhưng các doanh nghiệp trong danh sách được xét duyệt vay đã sẵn sàng vào cuộc với niềm tin thành công lớn.