Độc quyền vàng: Muôn nẻo lách luật

Theo Báo Đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, quản lý vàng bằng hình thức độc quyền đã được nhiều nước xóa bỏ từ lâu. Nếu tiếp tục duy trì cách quản lý này, sẽ còn nhiều chiêu lách quy định cấm sản xuất, kinh doanh vàng độc quyền xuất hiện, tương tự hiện tượng vàng nhẫn “lai” vàng miếng vừa qua.

Độc quyền vàng: Muôn nẻo lách luật
Lách vàng miếng bằng vàng nữ trang

Cả tuần nay, thị trường vàng xôn xao bởi loại vàng nhẫn “lai” vàng miếng được một loạt công ty lớn và các tiệm vàng tung ra. Về hình thức, đây là vàng nữ trang, song lại mang yếu tố của vàng miếng, như đóng dấu ký hiệu, tên thương hiệu, niêm phong, tiêu chuẩn vàng 9999… Trọng lượng của vàng nhẫn trang sức này cũng rất đa dạng nếu khách hàng có nhu cầu.

Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định, việc các công ty tung ra các sản phẩm vàng trang sức có trọng lượng lớn để lách quy định cấm bán vàng miếng là chính sách đối phó của doanh nghiệp (DN) với chủ trương độc quyền vàng miếng.

Cụ thể, theo Thông tư 16/2012/TT-NHNN, từ ngày 10/1/2013, khoảng 12.000 tiệm vàng trên cả nước sẽ không được kinh doanh vàng miếng, mà chỉ được kinh doanh vàng nữ trang. Còn theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, kể từ ngày 25/5/2012, Nhà nước mới được độc quyền sản xuất vàng miếng, các DN chỉ được sản xuất vàng nữ trang. Đây là lý do mà vàng miếng đội lốt vàng nữ trang được tung ra thị trường thời gian qua.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, hoạt động kinh doanh vàng miếng không cần có sự khác biệt giữa DN lớn và DN nhỏ. Trên thực tế, sự hình thành mạng lưới 12.000 DN, cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh vàng bạc thời gian qua là nhu cầu tất yếu của thị trường. Hơn nữa, sự tồn tại của các DN, các cửa hàng này cũng phù hợp với quy định của Luật DN. Do đó, việc Nghị định 24/2012/NĐ-CP đưa ra các quy định về quy mô vốn và các điều kiện khác để bắt buộc các cửa hàng này không được kinh doanh vàng miếng cần được xem xét lại.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ không phải là đối tượng làm giá vàng thời gian qua. Việc độc quyền kinh doanh vàng miếng, siết chặt đối tượng kinh doanh vàng miếng sẽ làm thị trường vàng chứng kiến thêm nhiều chiêu lách luật khác, mà không giải quyết được một cách căn cơ bất ổn của thị trường vàng.

Thị trường rối, người tiêu dùng thiệt

Việc DN lách luật, sản xuất miếng trá hình đã được các chuyên gia cảnh báo trước khi quy định độc quyền vàng có hiệu lực. Tuy nhiên, từ khi tình trạng này diễn ra, cơ quan quản lý vẫn chưa có động thái quản lý hiệu quả. Và trong khi chất lượng vàng miếng được kiểm soát rất ngặt nghèo, thì loại vàng nhẫn lai vàng miếng này dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ. Hiện nay, chất lượng của các loại vàng nữ trang khá nhiễu loạn, mỗi thương hiệu có một tuổi vàng khác nhau, không có cơ quan độc lập nào đứng ra kiểm định.

Giám đốc một công ty kinh doanh vàng kiến nghị, để tránh lách luật, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên đưa ra quy định tuổi vàng với vàng miếng và vàng nữ trang, trong đó có vàng nhẫn. Tuy nhiên, điều này cũng không hợp lý, vì người nông dân ở nước ta đã có thói quen tích trữ vàng nhẫn từ lâu đời. Do đó, điều quan trọng nhất là, NHNN phải kiểm định chất lượng vàng miếng, vàng nhẫn trên thị trường. Quan trọng hơn, NHNN nên quản lý vàng theo chất lượng, thay vì theo thương hiệu độc quyền.