Đối mặt nhiều rủi ro vì dự án làm ăn kiểu “chộp giật”

Theo Thái An - Lại Hùng/kinhtenongthon.com.vn

Thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang trên đà phục hồi và tăng trưởng tích cực, bên cạnh những dự án mới được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín cũng có không ít chủ đầu tư làm ăn “chộp giật”, pháp lý không rõ ràng, làm ảnh hưởng tới thị trường BĐS.

Khách hàng căng băng rôn đề nghị khởi tố hình sự đối với Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú, chủ đầu tư dự án chung cư Gia Phú. Nguồn: internet
Khách hàng căng băng rôn đề nghị khởi tố hình sự đối với Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú, chủ đầu tư dự án chung cư Gia Phú. Nguồn: internet

Tìm được dự án chủ đầu tư uy tín được xem như là điều may mắn đối với khách hàng, còn ngược lại thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt.

Chọn nhầm chủ đầu tư, khách hàng lãnh đủ!

Mới đây, sự việc chung cư Gia Phú tọa lạc tại số 68 -72 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) do Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú làm chủ đầu tư bị phía Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo về việc chọn tổ chức đấu giá tài sản chung cư Gia Phú khiến nhiều khách hàng mua nhà tại đây có nguy cơ mất trắng tài sản.

Theo thông báo từ BIDV, tổng dư nợ của Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú tính đến thời điểm ngày 30/4/2018 là hơn 232,6 tỉ đồng. Trong đó, gần 89 tỉ đồng nợ gốc và hơn 143 tỉ đồng là lãi. Cùng với đó, mức giá khởi điểm đấu giá khoản nợ được BIDV công bố đối với chung cư này là 112,148 tỉ đồng. Mức giá này chỉ bằng một nửa so với tổng dư nợ của chủ đầu tư dự án tại ngân hàng.

Ngày sau khi có thông tin BIDV chọn tổ chức đấu giá, hàng trăm khách hàng mua nhà tại chung cư Gia Phú tiếp tục gửi đơn cầu cứu khắp nơi, đồng thời yêu cầu khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi phát hiện chủ đầu tư nhiều lần gian dối, không bàn giao nhà đúng hẹn, một căn hộ đem bán cho nhiều người. Điều đáng nói, sau khi tiếp nhận đơn thư phản ánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh  đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự: Lừa đảo chiếm đoạn tài sản đối với Công ty Gia Phú. Tuy nhiên, ngày 31/8/2016, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Một dự án khác là chung cư Khang Gia Tân Hương cũng bị cư dân khởi kiện chủ đầu tư khi xây dựng sai thiết kế được duyệt, “chây ì” bàn giao phí bảo trì 2% cho Ban quản trị chung cư. Theo đó, dự án chung cư Khang Gia Tân Hương được phê duyệt đầu tư vào năm 2008, thi công năm 2010 và khoảng giữa năm 2014 đưa cư dân vào ở. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho thấy, chủ đầu từ đã có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng kéo dài suốt nhiều năm qua.

Cụ thể, sau khi dự án đưa người dân vào ở năm 2014, Công ty Khang Gia tiếp tục xây dựng lấn chiếm hàng loạt khu vực công cộng, như nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vực giữ xe dịch vụ, lấp ô thông tầng từ tầng trệt lên tầng lửng... Tại các phòng dịch vụ, khu vực hồ bơi của chung cư cũng bị chủ đầu tư chia nhỏ ra thành căn hộ để bán…

Trước vấn đề này, giải pháp trước mắt, Sở Xây dựng không tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư dự án mới trên địa bàn đến khi chủ đầu tư khắc phục xong các sai phạm. Đồng thời, cũng yêu cầu chủ đầu tư phải thanh lý hợp đồng và trả lại tiền hoặc bố trí nơi ở mới cho các hộ dân đã mua các căn hộ xây dựng trái phép. Chủ đầu tư tự tháo dỡ phần diện tích sai phạm đã bị các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý, nếu không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế.

Thận trọng khi “chọn mặt gửi vàng”

Thực tế, bên cạnh những chủ đầu tư uy tín, phát triển các dự án có chất lượng đưa ra thị trường, cũng có không ít chủ đầu tư lợi dụng việc tăng giá đất ảo, “té nước theo mưa” để phân lô, bán nền trong khi pháp lý chưa rõ ràng, tập trung nhiều tại các huyện vùng ven TP. Hồ Chí Minh.

Đơn cử như dự án Green City do Công ty CP Dịch vụ thương mại và Xây dựng địa ốc Việt Nam House trên tuyến đường Võ Văn Bích (Củ Chi). Dự án có nguồn gốc đất đa số là đất nông nghiệp, sau đó được chủ đầu tư san lấp mặt bằng, chia lô bán với giá 14-16 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, trước đó, khi trao đổi  với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ thương mại và Xây dựng địa ốc Việt Nam House, khẳng định, đất tại dự án Green City đã được chuyển đổi lên đất thổ cư, có đầy đủ pháp lý và quyết định đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi các căn cứ pháp lý liên quan tới dự án, các biên bản nghiệm thu hạ tầng, ông Hoàng viện đủ lý do để không cung cấp.

Tìm hiểu được biết, thực tế hơn 7.630m2 đất này, gần đây nhất là tháng 3/2018 mới được bổ túc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, giả thiết nếu việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp không được chấp thuận, khách hàng cũng không nắm được thời điểm cụ thể để có sổ đỏ riêng từng nền, pháp lý của dự án chưa hoàn thiện, khi xảy ra sự việc, khách hàng sẽ gặp rủi ro và là nạn nhân của những chủ đầu tư làm ăn “chộp giật”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) từng đưa ra cảnh báo trước tình trạng có dấu hiệu lừa đảo của một số chủ đầu tư trên thị trường BĐS. Theo đó, những chiêu thức như đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư, thậm chí còn vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm nhiều tiện ích không có trong dự án để nâng giá bán, pháp lý dự án không rõ ràng… Thông tin sai lệch, trong các giao ước, hợp đồng của các công ty này với khách hàng, như đặt cọc hoàn toàn là người không có thẩm quyền ở công ty thực hiện, làm cho khách hàng cảm thấy bị lừa, không thể nào thưa kiện được.

Còn theo chuyên gia kinh tế cao cấp, TS. Lê Bá Chí Nhân, khách hàng hoặc nhà đầu tư cần thận trọng trước khi tiến hành giao dịch. Cụ thể, cần xem xét thật kỹ nhiều BĐS tại khu vực khách hàng muốn mua. Đồng thời, trau dồi kiến thức liên tục về pháp lý, quy hoạch, định giá thông qua việc tự tìm hiểu hoặc tham gia các cộng đồng đầu tư BĐS chuyên nghiệp. Đồng thời, cần hết sức tỉnh táo để không rơi vào cơn sóng của những người đang “tạo sóng – làm sóng” bằng việc tìm hiểu kỹ pháp lý, tỉnh táo trước việc thổi giá, căn cứ vào khả năng tài chính thực tế của mình, hạn chế việc vay “nóng” hay vay lãi suất cao để đầu tư đất nền.