Đổi tên dự án để bán nhà

Theo VnExpress

Nhiều dự án hiện được tung ra thị trường với tên gọi mới và mức giá thấp hơn vài triệu đồng một m2 so với trước đây. Các đơn vị phân phối thừa nhận đây là một cách để tiếp cận lại khách hàng dễ hơn.

Đổi tên dự án để bán nhà
Dự án Tân Tây Đô hiện được quảng cáo dưới tên gọi Phúc Thịnh Tower. Nguồn: Internet

Sau khi giành quyền phân phối độc quyền các căn hộ tại CT1 Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội), Sàn bất động sản Đông Á - DongALand (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) đã tư vấn chủ đầu tư đổi tên dự án thành Tây Hà Tower. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Tây Hà làm chủ đầu tư.

Với tên gọi mới, căn hộ tại CT1 Phùng Khoang cũng được điều chỉnh giá bán xuống trung bình khoảng 21 triệu đồng một m2 đã gồm VAT. Trong khi năm 2010, một số suất ngoại giao tại đây cũng có giá khoảng 29 triệu đồng.

Đơn vị phân phối căn hộ tại Khu nhà ở cán bộ chiến sĩ công an quận Hoàng Mai là CenGroup cũng vừa tư vấn chủ đầu tư đổi tên thành Riverside Tower.

Trước đó, những căn hộ tại dự án Tân Tây Đô (Hoài Đức) đã được sàn Đất Xanh miền Bắc bán ra thị trường với tên gọi Phúc Thịnh Tower. Giá một m2 căn hộ tại đây dao động từ 13,5-14,5 triệu đồng một m2. Trong khi cách đây hơn 2 năm, khi bất động sản còn sốt, các căn hộ tại dự án Tân Tây Đô được bán ra với giá từ 17 đến 20 triệu đồng một m2.

Đại diện nhiều sàn bất động sản thừa nhận, việc đổi tên dự án hiện được sử dụng khá phổ biến. Việc "khoác tên mới" không ngoài mục đích dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng.

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cengroup cho rằng đơn vị này gần đây từng tư vấn đổi tên cho một vài dự án. "Đây là tên thương mại cho sản phẩm chứ không phải tên dự án theo cấp phép. Nếu dự án có cái tên gọi tốt thì gây chú ý của khách hàng", ông Hưng cho hay.

Lãnh đạo CenGroup cũng cho biết thêm, thay đổi tên gọi đôi khi còn để khách hàng định vị lại phân khúc của sản phẩm. "Nhiều sản phẩm trước đây được thiết kế là dự án cao cấp, nhưng giờ cơ cấu lại, chuyển xuống loại bình dân nên phải thay đổi khách hàng mục tiêu, định vị lại cho người mua. Do đó, nếu thay đổi tên sẽ dễ dàng hơn trong việc quảng cáo", ông Hưng lý giải.

Vị này cũng cho biết, về cơ bản đây là một chiến lược marketing để gây ấn tượng khách hàng. Nghe tên hấp dẫn, người mua sẽ quan tâm xem dự án ở đâu, giá cả ra sao. Tuy nhiên, ông Hưng thừa nhận các yếu tố giá cả, vị trí, chất lượng... mới quyết định sự thành công của dự án.

"Chiếc áo không làm nên thầy tu, căn hộ có tốt mới bán được hàng. Cái tên chỉ giúp khách chú ý hơn đến dự án trong bối cảnh thị trường ồ ạt tung sản phẩm như hiện nay mà thôi", ông Hưng nói.

Anh Trần Đức Chính, Trưởng phòng kinh doanh Sàn Đông Á cũng cho biết, phương án đổi tên dự án thường là do đơn vị phân phối gợi ý để phù hợp hơn với chiến lược marketing sản phẩm. "Dùng tên mới coi như chúng tôi làm truyền thông, quảng bá từ đầu cho dự án sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng", vị này cho hay.

Trưởng phòng kinh doanh của DongA Land lấy ví dụ nếu dự án CT1 Phùng Khoang vẫn dùng tên này, khi nhắc đến nhiều người lại nghĩ rằng nó vẫn có giá cũ, tức là khoảng 29 triệu đồng một m2. "Đây là mức cao so với mặt bằng hiện tại nên khách hàng sẽ không quan tâm nữa. Tuy nhiên, nếu chúng tôi quảng cáo căn hộ Tây Hà Tower, giá 21 triệu đồng một m2 thì khách sẽ giật mình và tìm hiểu xem đây là dự án nào, vị trí và chủ đầu tư là ai...", anh Chính lý giải.