Đòn bẩy để phát triển tín dụng tiêu dùng

PV.

Hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an ninh xã hội. Nguyên nhân sâu xa nhất là do sự hiểu biết về tài chính của người dân còn kém. Do đó, việc giáo dục nâng cao kiến thức về tài chính cá nhân cho người dân là điều vô cùng cần thiết.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ở nhiều nước trên thế giới, việc giáo dục tài chính cho người dân, nhất là lớp trẻ được chú trọng từ khi còn nhỏ tuổi, tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn rất mới mẻ, từ việc xây dựng, quản lý, đến chi tiêu tài chính cá nhân…

Giáo dục tài chính cá nhân chính là việc dạy cho mọi người có được nhận thức về tiền, cách làm ra tiền và chi tiêu sao cho đúng và hiệu quả. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện nay, bên cạnh việc khuyến khích các công ty tài chính mở rộng cho vay đối với tài chính cá nhân, việc đào tạo kiến thức về tài chính cá nhân ngay từ trên ghế nhà trường cũng là một biện pháp mang tính lâu dài.

“Quan trọng hơn, nó sẽ giúp người học ý thức được việc quản trị chi tiêu cá nhân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, những kiến thức học được sẽ giúp hình thành thói quen quản trị tài chính cá nhân và sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này của mỗi người”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Còn theo ThS. Nguyễn Tiến Thành, giảng viên khoa Tài chính – ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, tài chính cá nhân đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với các cá nhân mà còn đối với tổng thể nền kinh tế - xã hội. Việc nâng cao nhận thức về tài chính cá nhân và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ về tài chính cá nhân sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các cá nhân nói riêng, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính cũng như sự phát triển bền vững của xã hội nói chung.

“Khi tài chính cá nhân được quan tâm hơn, các cá nhân sẽ có kế hoạch quản lý tài chính phù hợp, khi đó, từ việc chi tiêu, tiết kiệm cho đến đầu tư trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Và đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính trên thị trường như thúc đẩy phát triển các sản phẩm tiết kiệm, bảo hiểm hay các sản phẩm đầu tư tài chính, và nhất là tín dụng tiêu dùng. Thông qua các nhà quản lý hay tư vấn tài chính cá nhân, thông tin về sản phẩm sẽ được đưa tới các nhà đầu tư hay các cá nhân một cách nhanh nhất. Nhờ đó, nền kinh tế một lần nữa được hưởng lợi, phát triển nhanh và bền vững hơn. Khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân, đây sẽ là động lực để ngành dịch vụ về tài chính cá nhân phát triển”, ThS. Nguyễn Tiến Thành cho biết.

Ở các nước, hầu hết người dân đều biết lên kế hoạch cho riêng mình về việc chi tiêu tài chính cá nhân. Đối với giới trẻ, họ rất quan tâm đến việc mua hàng từ các website theo mô hình Groupon hoặc theo dõi các chương trình khuyến mãi của các công ty bán lẻ khi có nhu cầu mua sắm.

Ở Việt Nam hiện nay, một tín hiệu đáng mừng là việc đào tạo về tài chính cá nhân cũng đã và đang được các cơ sở giáo dục đào tạo đặc biệt chú trọng. Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay Khoa Tài chính – Ngân hàng của Trường, ngoài việc đưa vào giảng dạy môn học tài chính cá nhân, còn có kế hoạch nâng tầm môn học này trở thành một chương trình đào tạo dài hạn chứ không chỉ là một môn học theo tín chỉ.

Không chỉ các trường đại học chú trọng đến bộ môn Tài chính cá nhân, ngay cả một số trường phổ thông tư thục hiện cũng đã xây dựng thành một bộ môn riêng. Bà Nguyễn Thị Hà Minh, Trưởng bộ môn Tài chính cá nhân Trường Phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) cho biết, từ nhiều năm nay, nhà trường đã đào tạo cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 các kiến thức về tài chính cá nhân, và học sinh tỏ ra vô cùng hào hứng với môn học này.

“Đối với hầu hết học sinh, những kiến thức về tài chính tiêu dùng là khô khan, tưởng chừng như xa vời. Nhưng thực ra đó lại là những kiến thức rất cần thiết trong cuộc sống cho mỗi cá nhân. Do đó, với từng lứa tuổi cụ thể, chúng tôi có những giáo án và phương pháp truyền đạt khác nhau. Ngoài giờ học trên lớp, học sinh còn được tham gia các câu lạc bộ để vận dụng các kiến thức về tài chính cá nhân đã được dạy. Kết quả là học sinh rất hào hứng với bộ môn này,” bà Nguyễn Thị Hà Minh chia sẻ.